Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Chân, người bạn thân thiết của Đài TNVN
VOV.VN - Nay ông đã rời cõi tạm, ngủ yên, giấc ngủ ngàn thu, nhưng từ trong sâu thẳm, Bộ trưởng Nguyễn Chân mãi mãi là người cộng tác viên Kiểm thính, người bạn thân thiết của Đài TNVN.
Năm 1982, phóng sự điều tra “Món nợ đất đá” của tôi được giải B, Hội Nhà báo Việt Nam. Ít tháng sau, tôi cùng nhà báo Thu Hương thuộc phòng phát thanh Công nghiệp và Phân phối lưu thông, Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) được ông Nguyễn Chân, ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Mỏ và Than mời cơm trưa tại Văn phòng Bộ. Ông tặng chúng tôi cuốn sổ công tác khá đẹp và bút máy Hồng Hà, mốt thời thượng thời bấy giờ.
Ông chân thành:
- Nói thật lòng tôi hơi bị sốc khi nghe phóng sự điều tra của anh. Mâu thuẫn giữa tỷ lệ bốc đất đá và lấy than lâu nay ít được tuân thủ theo quy định mà anh em thường bóc ngắn cắn dài, chạy theo số lượng mà coi nhẹ chất lượng. Chuyện trong ngành, thực chất là mâu thuẫn giữa giới khoa học và quản lý. Tôi sốc vì chuyện “trong nhà đóng cửa bảo nhau” lại tung lên sóng phát thanh quốc gia. Sau khi bàn bạc với anh em trong lãnh đạo bộ và suy ngẫm lại thấy nhà Đài nói không sai, âu cũng là sự cảnh báo cần thiết.
Gắp mời chị Thu Hương miếng giò lụa, Bộ trưởng nhỏ nhẹ:
- “Ý kiến người tiêu dùng” của chị về hàng than “tươi” và tiền thật làm tôi suy nghĩ mãi về cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng, về “than cho điện” và “điện cho than”.
Ông cười khà khà:
- Bởi vậy nên hôm nay tôi mời anh chị cùng dùng bữa trưa văn phòng để nói nhiều chuyện, để hiểu nhau hơn.
Bắt tay ra về, ông Nguyễn Chân nói với tôi là từ nay sẽ chăm nghe Đài hơn, nhất là mảng thời sự và kinh tế. Quả thế thật, ông nghe và gửi cho tôi nhiều nhận xét xác đáng, không chỉ ngành Mỏ và Than mà còn là kinh tế vĩ mô.
Năm đầu Bộ trưởng Nguyễn Chân nghỉ hưu, tôi là Trưởng ban Thư ký biên tập của Đài TNVN. Người đầu tiên tôi mời vào bộ phận Kiểm thính các chương trình phát thanh của Đài là ông. Hơn hai mươi năm gắn bó thân thiết với Đài ông ghi chép cẩn thận, cho ý kiến cô đọng mà sắc sảo về quản lý kinh tế. Ông đề nghị hàng quý, hàng năm nên họp cộng tác viên Kiểm thính với các phòng, ban và phóng viên, biên tập viên, thẳng thắn nhận xét, rút kinh nghiệm để chất lượng chương trình đúng hơn, hay hơn. Có phóng viên kinh tế nhiều lần bị phê phán đã đề nghị thay đổi Kiểm thính viên. Biết ý, có lần ông hỏi tôi:
- Này, anh bạn, mình nói gắt quá, anh em không bằng lòng hả?
- Phê phán là để cảnh báo, mà sửa sai ạ.
- Anh nhắc lại nhận xét của tôi rồi. Nhớ dai thế!
Ông không chỉ là nhà quản lý kinh tế mà thích thơ, ham làm thơ, dịch thơ, nhất là thơ Đường luật. Ông ngẫm về sự đời hơn nhau là lòng thành, chữ tín, chữ nghĩa, chữ tình. Hồi gia đình ông ở phố Trần Hưng Đạo, tôi cùng các bạn đồng nghiệp thường lui tới trò chuyện. Có lần ông đặt tay lên vai phu nhân Khổng Thị Hồng, dịu dàng:
- Này, mình gắn bó với Đài không chỉ quen biết, làm việc nhiều với ông Trần Lâm, hay bà xã mình là nhân viên của Đài, mà quan trọng là nghe đài, ngộ ra nhiều điều hay lẽ phải. Có cái radio trong nhà như có thêm người bạn gần gũi, chân tình mà thông minh ra phết í.
Gặp lần cuối, khi ông đã yếu, đi lại khó khăn, tôi mời ông nghỉ ngơi, nhưng ông vẫn nghe, vẫn nhận xét chương trình kinh tế của Đài, chỉ khác là các cháu nhân viên nhà Đài đến tận nhà lấy văn bản.
Nay ông đã rời cõi tạm, ngủ yên, giấc ngủ ngàn thu, nhưng từ trong sâu thẳm, Bộ trưởng Nguyễn Chân mãi mãi là người cộng tác viên Kiểm thính, người bạn thân thiết của Đài TNVN./.