Nhà báo Lê Thông và nỗi ám ảnh chất độc da cam

VOV.VN -Nhà báo Lê Thông sau 1 năm tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Văn, năm 1972 lúc 25 tuổi, đã xin về Đài Phát thanh Giải phóng A (mật danh CP90)

Nhà báo Lê Thông (nguyên Trưởng Ban Bạn nghe đài, Đài TNVN) có nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong quãng thời gian 3 năm ở chiến trường niềm Nam khi làm phóng viên của Đài Phát thanh Giải Phóng. Nhưng câu chuyện ông kể về nỗi ám ảnh của chất độc da cam khi trả lời phỏng vấn của Đài KBS (Hàn Quốc) năm 2006 để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất.

Ngày ấy chúng tôi sống chung với CĐDC 

 
Tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Văn năm 1971 lúc 24 tuổi, năm 1972, Lê Thông xin về Đài Phát thanh Giải phóng A (mật danh CP90) làm phóng viên Đoàn thường trú Trung Trung bộ (tức Khu 5) để được đi “B”. Sau 6 tháng học bồi dưỡng nghiệp vụ, tháng 8/1973 cả đoàn 12 người lên đường.

Vẫn biết Khu 5 là địa bàn ác liệt nhưng ngay trong buổi đón đoàn thường trú CP90, thấy ông Phó Ban Tuyên huấn Khu “dọa”: “Khu 5 ác liệt lắm nhé. Đồng chí nào không chịu nổi thì nên “B quay” (trốn ra Bắc) về chứ đừng “Chiêu hồi” (đầu hàng theo địch) không sống được đâu!”. Lê Thông tức, đốp luôn: “Này, ông hù (dọa) ai đấy. Ông chịu được thì bọn tôi cũng chịu được. Để rồi xem!”. Nghe vậy, ông Phó Ban không giận mà cười khà khà, bảo: “Ngon!”.

Có lẽ, thấy sự háo hức ngay buổi đầu gặp Lê Thông nên ông Phạm Đức Nam, Chủ tịch tỉnh Quảng Đà (sau này là Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng) cảm tình, cho “bám càng” một chuyến đi các huyện vùng ven, chui xuống vùng du kích các xã hơn nửa tháng. “Đến Hòa Vang tôi xin ở lại, được vài ngày thì địch càn lên cắm chốt dọc đường, bịt mất đường lên. Hơn một tuần không thấy tôi lên, ông Chủ tịch sốt ruột điện xuống hỏi, tôi điện về bảo: Tình hình dưới này hay lắm, anh cho tôi ở lại thêm vài tuần”.

Không ngờ, sau cú điện đó, Lê Thông “dính” trận sốt rét chí tử đầu tiên, cứ 39-40 độ suốt 1 tuần. Đến lúc địch rút, du kích xã bám đường đưa nhà báo lên trạm giao liên để về tỉnh. Lê Thông kể: “Tôi được cô giao liên đeo hộ cái ba lô, tôi vừa sốt vừa chống gậy đi cứ như mộng du. Vậy mà đến chiều tối tôi cũng lên tới đỉnh núi. Sáng hôm sau lại đi tiếp một ngày xuống chân núi, gặp trạm quân y của bộ đội Trường Sơn. Tôi mắc võng, vừa nằm xuống thì bất tỉnh luôn. Sau 2 ngày 1 đêm, tôi tỉnh dậy thấy bình xi-rom treo trên giường bệnh, cũng là lúc nghe thấy cô y tá reo to: “Anh ấy sống rồi!”.

Trận sốt rét đấy, nhà báo Lê Thông phải nằm lại thêm 2 tuần, đi lại vẫn run rẩy nhưng vẫn xin về tỉnh vì loạt bài “Đến với những người du kích Hòa Vang”, “Ở xã Mỹ Lược”, “Một ngày nhổ 3 chốt địch”, “Chuyện ở tiểu đoàn DKB” và nhiều tin bài khác sợ “nguội” mất. Ông Chủ tịch Quảng Đà lần sau về Khu họp gặp Trưởng Đoàn Đài, khen: “Cái thằng, nhỏ nhỏ mà “hung” ghê. Nó đi với tôi, dám chui xuống giáp ranh với du kích, ngon lành lắm. Nó nói chuyện hay và viết cũng hay”.

Lê Thông không ngờ sau chuyến công tác đầu tiên hơn 3 tháng quay về khu thì nghe tin hai người cùng đoàn là nhạc sĩ Lê Cường (tác giả bản nhạc “Múa chàm rông”) và phóng viên Lê Ngọc Oanh hy sinh ở Quảng Ngãi ngay trong chuyến công tác đầu tiên.

Là phóng viên chiến trường, không chỉ làm nhiệm vụ là nhà báo mà cũng phải hành quân, cũng tham gia chiến đấu, cũng làm rẫy và gùi cõng lương thực như ai. Chưa kể sốt rét cũng là “nghĩa vụ” vì chẳng ai thoát.

“Có lúc người tôi chỉ còn hơn 35 ký. Vuốt tóc thấy rụng cả nắm như gà nhúng nước sôi. Lúc ấy tôi cứ nghĩ đà này khó trụ lâu đây, vậy mà cứ khỏe lại đòi đi tỉnh, không chịu ở nhà biên tập. Anh Trưởng Đoàn đùa: “Nó đi cơ sở ác liệt vậy nhưng dân nuôi no hơn mà!”.

Về chuyện chất độc màu da cam Dioxin nhà báo Lê Thông kể, tuy sau khi quân Mỹ rút không còn rãi thuốc phát quang nữa nhưng hầu hết những nơi anh ở, hoặc đi qua, những cánh rừng hàng chục cây số toàn thấy những thân cây đen sì như bị cháy từ lâu. Rồi những rạch nước, con suối mùa khô cứ ri rỉ toàn váng nước đỏ quạch. Thỉnh thoảng còn thấy những cái thùng đựng chất hóa học do trực thăng vất xuống lúc vỡ ra toàn mùi hóa chất nồng nặc. “Hồi ấy không ai biết gì về chất độc da cam (CĐDC). Mọi sinh hoạt, ăn uống đều bằng thứ nước của những con suối chảy từ rừng xuống và những lá rau, củ sắn mọc trên đất rừng thấm đầy  Dioxin.

Đối mặt với “bản án treo” 6 năm

Kết thúc chiến tranh, năm 1976 nhà báo Lê Thông trở về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, sau đó lại xung phong đi biên giới phía Bắc 3 năm nữa. Đến năm 1980, ông trở về Đài - được giao phụ trách Chương trình Phát thanh Khoa học kỹ thuật (là chương trình có một phần nội dung nói về CĐDC). Lê Thông thường xuyên làm việc với giáo sư Lê Cao Đài (Giám đốc Viện Quân y 103) - là nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu về tác hại của CĐDC ở Việt Nam.

Nhà báo Lê Thông (nguyên Trưởng Ban Bạn nghe đài, Đài TNVN) 

Mỗi lần làm việc, giáo sư đều giảng giải rất tỉ mỉ về CĐDC. Giáo sư nhiệt tình mở phòng thí nghiệm cho vào xem những lọ tiêu bản ngâm những bào thai, những bộ phận cơ thể biến dạng của các nạn nhân CĐDC. Ông còn đưa đi thăm những gia đình bị CĐDC, nhìn thấy những bênh nhân bị hành hạ bởi những căn bệnh quái ác, những đứa trẻ thân hình dị dạng, quặt quẹo rất thương tâm. Khi gặp lại đồng đội cũ trong chiến tranh, nhiều người đã bị các bệnh do CĐDC khiến ông lo rằng mình cũng sẽ phát bệnh như họ.

Đến năm 1984 ông lấy vợ. khi vợ mang thai thì thay vì niềm vui hạnh phúc với ông lại là nỗi ám ảnh về CĐCD. “Liệu con mình có bị ảnh hưởng bởi CĐDC khốn khổ như những đứa trẻ không may khác?”. Ông đến gặp giáo sư Đài nhưng chỉ dám nói là hỏi cho người khác rằng: “Liệu những người ở chiến trường ra đều có di truyền hậu quả CĐDC cho con không?”. Giáo sư bảo: “Cái đấy là phổ biến. Nếu họ ở đấy 2-3 năm thì dễ bị lắm”. Nhà báo Lê Thông lo lắng lắm. “Suốt thời gian vợ mang thai tôi không dám nói cho vợ biết. Đến hôm vợ tôi sinh con gái đầu lòng, thấy con có đầy đủ chân tay lành lặn tôi mừng lắm. Tôi lại vào gặp giáo sư, hỏi: “Nếu đứa trẻ sinh ra hình thể bình thường thì liệu có còn bị CĐDC nữa không?”. Giáo sư bảo: “Không chắc đâu anh ạ, phải ít nhất đến 6 tuổi mới gọi là tạm yên tâm”(!). Thế là 6 năm đằng đẵng nữa ông lại sống trong lo âu, ông gọi đó là “bản án treo” của mình. Ông nói: “Trong cuộc đời của tôi với vợ, tôi chưa có một điều gì giấu giếm tồi tệ đến như thế! Tôi chưa bao giờ thấy mình sợ hãi, thấy mình hèn nhát đến thế !”.

Thật mừng, đến khi qua 6 năm, thấy con gái phát triển và học hành bình thường ông mới trút được gánh nặng trong lòng. Sau này vợ chồng Lê Thông sinh thêm một con trai nữa. Cả hai con ông đều học giỏi, được học bổng du học và đều đã tốt nghiệp thạc sĩ ở Pháp. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh về CĐDC vẫn chưa bao giờ buông tha ông.

Trong một chuyến đi công tác ở Hàn Quốc ông được một nữ phóng viên Đài KBS hỏi: “Ông có biết gì về tình hình CĐDC ở Việt Nam không? Ông có thể kể câu chuyện gì mà ông biết về CĐDC không?”.

Lê Thông trả lời: “Bạn có thể tìm hiểu qua trang web của Hội nạn nhân CĐDC Việt Nam sẽ đầy đủ thông tin. Còn tôi sẽ kể câu chuyện của tôi. Cô ấy liền nói: “Tôi muốn nghe câu chuyện của ông hơn, còn trang web tôi sẽ vào sau”. Nhà báo Lê Thông đã kể câu chuyện của chính ông. Khi nghe đến đoạn ông bảo: “Tôi mừng không thể tả nổi khi các con tôi không bị vào danh sách những nạn nhân CĐDC. Anh em cựu chiến binh có bảo tôi và các con đi khám xem có nhiễm CĐDC để lấy chế độ, nhưng tôi bảo tôi không đủ can đảm nữa. Tôi không biết có cái gì tàn nhẫn và khủng khiếp hơn thứ chất độc đó. Nghe câu chuyện của tôi, cô phóng viên đã khóc, và những người xung quanh đều không kìm được nước mắt”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Huỳnh Ngọc Ấn- “Tư lệnh” kỹ thuật phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam
Huỳnh Ngọc Ấn- “Tư lệnh” kỹ thuật phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam

VOV.VN -Vượt qua vô vàn khó khăn, ông Huỳnh Ngọc Ấn luôn là “tư lệnh” làm tốt nhất về kỹ thuật phát thanh. Khó có ai làm được hoàn thiện và trọn vẹn như ông.

Huỳnh Ngọc Ấn- “Tư lệnh” kỹ thuật phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam

Huỳnh Ngọc Ấn- “Tư lệnh” kỹ thuật phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam

VOV.VN -Vượt qua vô vàn khó khăn, ông Huỳnh Ngọc Ấn luôn là “tư lệnh” làm tốt nhất về kỹ thuật phát thanh. Khó có ai làm được hoàn thiện và trọn vẹn như ông.