Nối dài cánh sóng “Tiếng nói Việt Nam” với tầm nhìn và khát vọng mới
VOV.VN - Tiếng nói Việt Nam tiếp tục là người bạn đồng hành với ngư dân và các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trên làn sóng phát thanh.
Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và kỷ niệm 76 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài phát sóng Nam Trung bộ thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) chính thức phát sóng cho các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và khu vực biển Đông. Tiếng nói Việt Nam tiếp tục là người bạn đồng hành với ngư dân và các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trên làn sóng phát thanh. Việc xây dựng Đài phát sóng khu vực Nam Trung còn góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng giám đốc VOV đã có chia sẻ về nội dung này.
PV: Thưa ông, Đài Phát sóng Nam Trung Bộ trực thuộc VOV chính thức phát sóng đã đáp ứng như thế nào trong việc tăng cường năng lực phát sóng của VOV nói riêng và đáp ứng yêu cầu thông tin của thính giả ở các tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ và trên khu vực biển Đông?
Ông Vũ Hải Quang: Trước đây, VOV đã phủ sóng trên khắp 63 tỉnh thành trong cả nước và nhiều khu vực trọng điểm trên thế giới. Tuy nhiên, các khu vực biển đảo thì còn nhiều hạn chế. Chúng ta thấy rằng, nếu như trong đất liền chúng ta không có phát thanh thì sẽ có truyền hình. Nếu không có truyền hình thì có internet và nhiều thiết bị nghe xem khác. Nhưng khi chúng ta cách đất liền hàng trăm hải lý, do giới hạn về mặt địa lý, giới hạn về công nghệ, các loại hình truyền thông khác không phủ sóng đến các khu vực này mà chỉ có sóng phát thanh phủ sóng từ tầm xa trong đất liền mới đáp ứng được. Do đó, VOV đã chính thức phát sóng chương trình Thời sự của VOV1 trên máy phát sóng AM, tần số 1071 Khz từ đài phát sóng Nam Trung Bộ, phủ sóng ra tất cả 33 điểm đảo Trường Sa của Việt Nam và một vùng rộng lớn trên biển và các khu vực biển đảo Nam Trung Bộ.
PV: Đài phát sóng Nam Trung Bộ có những ưu điểm về công nghệ cũng như kỹ thuật hiện đại gì so với những đài phát sóng trong hệ thống của VOV để phù hợp với xu thế phát thanh trên thế giới hiện nay, thưa ông?
Ông Vũ Hải Quang: Hiện nay có rất nhiều công nghệ mới so với trước đây. Tuy nhiên chúng tôi vẫn dựa trên nền tảng phát sóng truyền thống, đó là phát sóng AM để phủ ra khu vực biển Đông. Đài phát sóng này khác với các đài phát sóng lớn của VOV đặt ở trên cả nước. Đây là hệ thống phát sóng sẵn sàng cho việc phát số mặt đất khi chúng tôi được sự đồng ý của Chính phủ phê duyệt về chuẩn phát sóng, khi đó chúng tôi sẽ chuyển sang phát sóng số cũng chỉ trên cùng một máy phát này và không phải đầu tư thêm thiết bị. Như vậy, chúng tôi sẽ phát được nhiều chương trình trên cùng một máy phát.
PV: Các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển và người dân ở các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa đã bắt được sóng của VOV với tần số mới. Vậy, ông cho biết ý nghĩa của dự án này hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa đảm bảo mục tiêu về kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng?
Ông Vũ Hải Quang: Sau khi phủ sóng ra quần đảo Trường Sa nói riêng và biển Nam Trung Bộ nói chung thì chúng ta đạt được 2 mục tiêu chính. Thứ nhất, nhiều triệu ngư dân và các lực lượng lao động làm việc trên biển được nghe chương trình của VOV với nhiều các thông tin như: Thời sự, chính trị, kinh tế và văn hóa, xã hội với chất lượng âm thanh rõ nét như trong đất liền.
Trong đó có nhiều thông tin liên quan đến các hoạt động kinh tế như các chương trình, dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai, hướng dẫn các cách đánh bắt cá một cách hiệu quả và bảo vệ môi trường biển, không vi phạm luật pháp quốc tế về biển và phòng chống khai thác thủy hải sản bất hợp pháp.
Thứ hai, về mặt an ninh quốc phòng, hàng ngày luôn có rất nhiều các đài nước ngoài phát sóng với công suất mạnh và thời lượng lớn vào khu vực biển Đông, trong đó có cả những thông tin không chính thống.
Do đó, Đài phát sóng Nam Trung Bộ của VOV đi vào hoạt động đã góp phần nâng cao ý thức của ngư dân trong việc giữ gìn, bảo vệ biển đảo Tổ quốc và khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo qua làn sóng phát thanh./.
PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!
Đài phát sóng Nam Trung Bộ là một trong những công trình kỹ thuật lớn do Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng, quản lý và vận hành. Đài được xây dựng trên khu đất có diện tích 16 ha, tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Với mục tiêu mở rộng vùng phủ sóng phát thanh trên các vùng biển, đảo của Việt Nam nhằm cung cấp cho mọi người dân các dịch vụ phát thanh đa dạng, phong phú, Đài Tiếng nói Việt Nam tiếp tục là người bạn đồng hành với ngư dân và các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.