Phát thanh tiếng nói nhân văn
VOV.VN -Sự ra đời của phát thanh là một cuộc cách mạng trong lịch sử báo chí thế giới, làm đảo điên thời hoàng kim của báo viết.
Cùng với cử chỉ, tiếng nói là phương tiện giao lưu sớm nhất, tinh tế nhất giữa người với người. Khi bà mẹ ẵm con vào lòng, vuốt ve bàn tay búp măng của bé mà cất tiếng ru hỡi ru hời. Khi cháu lớn lên, sà vào lòng mẹ, nằm sát bên mẹ, nghe mẹ thủ thỉ kể chuyện ngày xưa, xưa lắm có một nàng tiên... Khi chàng trai muốn tỏ tình với cô gái, chàng dùng lời nói trước khi tiếp cận người. Khi vị thủ lĩnh bộ lạc chỉ huy đồng loại săn bắt thú trong rừng sâu hay chiến đấu phòng vệ chống người lạ xâm nhập hang động của mình, các thông điệp truyền đi bằng lời nói và cử chỉ. Văn tự ra đời, hịch tướng sĩ có thể thể hiện thành văn nhưng muốn cho hịch truyền đến tất cả ba quân, rốt cuộc vẫn phải qua lời, bởi trong ba quân có mấy người biết đọc!
Sự ra đời của phát thanh là một cuộc cách mạng trong lịch sử báo chí thế giới.
Văn minh tiến triển, chữ viết hình thành dưới nhiều tự dạng, được ghi, khắc trên nhiều thể loại vật chất, nhằm lưu giữ, truyền bá tư duy không chỉ giữa người với người đương đại mà còn mang cao vọng lưu truyền hậu thế. Thời cận đại, báo chí xuất hiện, rồi với vai trò truyền thông đa phương tiện, sứ mệnh chủ yếu vẫn là truyền đạt lời của một người đến với nhiều người, của những người này đến nhiều người khác. Sự ra đời của phát thanh là một cuộc cách mạng trong lịch sử báo chí thế giới, làm đảo điên thời hoàng kim của báo viết để cuối cùng hạ bệ vị trí độc tôn của trang giấy in chữ trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân loại đầu thế kỷ XX.
Nhìn về mặt nào đó, phát thanh chính là sự hiện đại hóa lời anh mõ làng ta trong đêm thanh vắng xưa kia, túc tắc đi từ lối mòn này sang ngõ vắng nọ khắp xóm thôn, truyền đạt ý kiến của cộng đồng. Không ai có thể, và không nên chỉ sống bằng hoài niệm, cho dù “phong phú nhất là quá khứ, quan trọng nhất là hiện tại và hấp dẫn nhất là tương lai” (Dimitri Likhachov). Tuy nhiên, trong thời đại cuồng phong tin học hiện nay, các phương tiện báo chí, truyền thông hết sức phong phú về thể loại và phương thức, cuối cùng vẫn trở về hội tụ, tích hợp nhằm bảo tồn cái căn cốt, tinh anh của nhân loại là truyền đi và trao đổi tư duy giữa người với người thông qua lời nói và chữ viết là chính.
Vâng, không nên chỉ hài lòng với quá khứ dù quá khứ vô cùng phong phú. Nhưng hãy hình dung lại một thời, khi phần lớn người dân nước ta sau khi tiếp nhận thông tin cập nhật qua phát thanh đã đành, đêm đêm lên giường ngủ cùng với cái radio để thưởng thức truyện đọc đêm khuya và sống cùng sân khấu truyền thanh. Trên thế giới, nhất là ở phương Tây, hình tượng của kịch, bao gồm kịch nói, kịch hát, kịch múa, kịch nhạc là “ánh đèn sân khấu”. Đối với nước ta bên cạnh ánh đèn sân khấu còn là “lời nói truyền thanh”. Ngày nay phát thanh nước ta cũng như toàn cầu, đâu đâu người cũng cần, cũng bắt buộc phải sử dụng nhiều thủ thuật công nghệ truyền thông hiện đại vô cùng cuốn hút, mênh mông biến hóa. Trung tâm điểm và tinh hoa của tất cả những thứ đó, theo thiển nghĩ của chúng tôi, rốt cuộc vẫn là nghệ thuật, mà đã nói nghệ thuật là nói tài năng, tri tuệ của những người trong cuộc, thể hiện qua lời của biên tập viên dẫn dắt chương trình, của khách mời đối thoại với thính giả, và lời nói của thính giả tương tác trở lại chương trình, tức công chúng giao lưu với công chúng - nói cách khác tâm điểm bất cứ lúc nào vẫn là Lời Nói.
Tôi ngưỡng mộ tài năng nhiều MC các chương trình ca nhạc, tạp kỹ dưới ánh đèn sân khấu thực hay sân khấu truyền hình. Dáng điệu trẻ trung, lời nói cuốn hút (dù khó tránh có người buột miệng nhỡ lời), vậy mà sau khi chương trình hạ màn hoặc được tiếp nối bằng clip quảng cáo, ấn tượng để lại trong người thưởng thức là các nghệ sĩ và nghệ thuật của họ, cùng tài năng của đạo diễn và êkíp phụ trợ, còn các MC là những cái kim quay vòng trên mặt đồng hồ. Khác hẳn, sau khi nghe một chương trình giao lưu, phỏng vấn, đối thoại... từ sóng phát thanh, ấn tượng nổi bật là sự hòa quyện toàn bộ chương trình thông qua lời nói: lời nói của biên tập viên, lời nói của khách mời, lời nói của thính giả, còn mọi thủ thuật âm thanh tác nghiệp khác, bao gồm tuyệt tác âm nhạc đi nữa, vẫn chỉ đóng vai trò hỗ trợ hay làm nền mà thôi. Vinh quang thay sứ mệnh của nhà báo phát thanh, những người qua công việc thường ngày khẳng định mối giao thoa giữa lời nói đời thường với văn chương kinh điển.
Tôi luôn mình lại dặn mình, hãy tỉnh táo, chớ có lóa mắt trước những cái mới, chớ bị choáng ngợp trước những thủ pháp truyền thông thật sự hấp dẫn mà xem nhẹ vai trò của phát thanh, mà lãng quên cái tinh túy của con người từ thời nguyên thuỷ đến mãi mãi sau này, chừng nào trên thế gian vẫn tồn tại con người, cái tinh túy ấy là: Tiếng Nói, hồn cốt của Văn Minh./.