Thành kính dâng hương tưởng niệm tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc

VOV.VN - Sáng 25/6, các đại biểu dự LHPT toàn quốc lần thứ XIV đã làm Lễ dâng hương tưởng niệm tại Khu di tích lịch sử-văn hóa Nguyễn Sinh Sắc.

Dẫn đầu đoàn là PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp.

Các đại biểu thành kính dành một phút tưởng niệm tại Nhà thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Tại buổi Lễ, các đại biểu tham dự LHPT toàn quốc lần thứ XIV đã thành kính dâng nén hương thơm lên bàn thờ thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng nhớ về công lao sinh thành ra một người con vĩ đại của dân tộc, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của thế giới.

Ghi lưu bút tại Khu di tích lịch sử-văn hóa Nguyễn Sinh Sắc, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài TNVN xúc động bày tỏ: LHPT toàn quốc lần thứ XIV được tổ chức tại thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp là một hoạt động văn hóa quan trọng của những người làm báo phát thanh của cả nước, một sự kiện ý nghĩa trong năm 2020, năm kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ xúc động ghi sổ lưu niệm tại Khu di tích lịch sử-văn hóa Nguyễn Sinh Sắc.

“Chúng con luôn ghi sâu công lao to lớn của cụ Nguyễn Sinh Sắc, cụ bà Hoàng Thị Loan đã có công sinh thành, dưỡng dục Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhớ mãi câu nói của Cụ giữa năm 1911 với người con Nguyễn Tất Thành của mình “Nước mất thì cố đi tìm hồn của Nước!”. Đó là một trong những động lực thiêng liêng để Nguyễn Tất Thành ngày 5/6/1911 vượt trùng khơi đi tìm đường cứu nước, cứu dân; để có chuyến trở về ngày 28/1/1941 tại Cao Bằng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, để có mùa Thu Cách mạng năm 1945 với sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”, Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ xúc động viết trong sổ lưu niệm.

Các đại biểu thành kính dâng hương tại mộ phần cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Tại Lễ dâng hương tưởng niệm, các đại biểu cũng được nghe giới thiệu để hiểu hơn về những đóng góp của cụ Nguyễn Sinh Sắc cho người dân và “Vùng đất Sen hồng”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên