Đầu tư cho “bà đỡ” là cứu sống hàng triệu phụ nữ và trẻ sơ sinh

VOV.VN -Nếu được đào tạo bài bản, cán bộ hộ sinh có thể cung cấp đến 90% công tác chăm sóc y tế cần thiết cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, đồng thời giảm tới 2/3 tỷ lệ tử vong trong nhóm đối tượng này.

Sứ mệnh giúp giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Chị Chamalé Thị Thuế, người dân tộc Raglai ở thôn Ra Trơn, xã Phước Trung, huyện Bác Ái – Ninh Thuận tham gia khóa đào tạo cô đỡ thôn bản 6 tháng vào năm 2008. Từ đó, chị bắt đầu theo đuổi nghề này tại xã Phước Trung với vài trăm nghìn tiền trợ cấp hàng tháng. Công việc của chị là quản lý số phụ nữ mang thai, tham gia khám thai, tư vấn cho các sản phụ, đỡ đẻ tại trạm y tế xã, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh trong tuần đầu sau sinh.  

Chị Chamalé Thị Thuế cho biết: Đã thành hủ tục, phụ nữ Raglai khi sinh con phải sinh tại nhà hoặc tại nương rẫy. Thường chỉ có người thân như mẹ đẻ, mẹ chồng hoặc chồng ở bên cạnh trực tiếp đỡ đẻ và cắt rốn cho em bé. Nếu gặp ca khó, người nhà phải thuê thầy cúng, thầy mo làm lễ. Vì thế, tai biến sản khoa thường xuyên diễn ra. Nhiều chị không may qua đời để lại đàn con nheo nhóc, tội nghiệp.

Chị Chamalé Thị Thuế

Sau khi hoàn thành khóa đào tạo tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM), Chamalé Thị Thuế trở về địa phương sử dụng kiến thức học được tuyên truyền cho bà con hiểu thế nào là “đẻ sạch”. Chị phải đến từng nhà sản phụ để tỉ tê, vận động họ đến trạm y tế xã khám thai định kỳ; khi sinh phải đến trạm y tế cho an toàn, không nên đẻ tại nhà.

“Người Raglai quan niệm, em bé sẽ không ra nếu gặp người lạ và ở chỗ đông người, vì thế ban đầu khi tôi vận động, họ không chịu đến trạm y tế. Tôi phải giải thích rằng nếu đẻ ở nhà, máu chảy nhiều không kịp thời cấp cứu sẽ nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và em bé”, Chamalé Thị Thuế kể. Chị cũng dẫn chứng các trường hợp ngay tại thôn, bản bị tai biến do sinh nở tại nhà để người dân địa phương hiểu và dần thay đổi quan niệm cổ hủ. 

Sau hơn 4 năm gắn bó với công việc, chị giờ đã trở thành người bạn thân thiết của dân làng. Nhiều sản phụ đã chủ động tìm đến Chamalé Thị Thuế để được chị tư vấn, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đến nay, hầu hết phụ nữ Raglai ở địa phương khi sinh con đã đến trạm y tế xã. Những trường hợp ở xa, đi lại khó khăn, cô đỡ Chamalé Thị Thuế cùng cán bộ y tế xã lặn lội đến nhà để giúp sản phụ vượt cạn.

Chị Vần Thị Máy, 30 tuổi ở xã Lũng Táo, Đồng Văn – Hà Giang cũng theo học chương trình cô đỡ thôn bản năm 2009 và hoàn thành khóa học vào năm 2010. Từ đó đến nay, không quản đường xá xa xôi, bất kể ngày hay đêm, chị lặn lội tìm đến gia đình những phụ nữ mang thai tại xã nhà để theo dõi, vận động họ xuống các trung tâm y tế đi khám thai, tư vấn cho các chị em không đẻ ở nhà. Trước khi trở thành cô đỡ thôn bản, chị đã chứng kiến nhiều cái chết thương tâm khi những phụ nữ địa phương vượt cạn tại nhà, có những trường hợp tử vong cả mẹ lẫn con do gặp tai biến khi sinh mà không được cấp cứu kịp thời.

Nguyên nhân dẫn đến tai biến sản khoa ở địa phương là do những sản phụ người dân tộc thiểu số hầu như không được trang bị kiến thức về kế hoạch hóa gia đình, cũng như chăm sóc sức khỏe sinh sản. Bên cạnh đó, do không biết tiếng Kinh, tâm lý “xấu hổ khi đẻ ở chỗ đông người” cùng với những trở ngại về giao thông khi “xuống núi” nên họ có tập quán đẻ ở nhà. Sau 4 năm trong vai trò là cô đỡ thôn bản, chị Máy đã trực tiếp đi vận động được hàng chục chị xuống trung tâm y tế xã, huyện khám thai và sinh nở. Trong những trường hợp khẩn cấp, chị trực tiếp đỡ đẻ tại nhà và tư vấn cho sản phụ cách chăm sóc sức khỏe bản thân và em bé theo phương pháp khoa học.

Chị Vần Thị Máy

Gắn bó với công tác y tế địa phương là thế, song đến nay, chị Vần Thị Máy chỉ được nhận hơn 500.000 đồng mỗi tháng theo chế độ phụ cấp y tế thôn bản. Khoản tiền ít ỏi đó không đủ cho chị chi tiền điện thoại, xe ôm mỗi lần “tác nghiệp”. Do đó chị Máy phải làm nương rẫy, nuôi gà lợn để có thu nhập. Nhiều lần, chồng và người thân khuyên chị bỏ nghề nhưng chị đã “trót” gắn bó và mỗi lần nhận được tin trong xã có sản phụ cần được trợ giúp, chị Máy lại không nỡ bỏ rơi chị em, lại gọi xem ôm “lên đường”.

Cung cấp “bộ đẻ sạch” cho cô đỡ thôn bản

Theo Báo cáo Tình trạng Hộ sinh Thế giới năm 2014 do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Bộ Y tế công bố đầu tháng 7/2014, 73 quốc gia trong báo cáo (trong đó có Việt Nam) chiếm tới 96% tổng số ca tử vong mẹ, 91% tổng số ca chết thai lưu và 93% tổng số ca tử vong sơ sinh trên toàn cầu. Tuy nhiên các quốc gia này lại chỉ chiếm 43% tổng số hộ sinh, y tá và bác sỹ trên toàn thế giới. Theo UNFPA, hàng năm, vẫn còn khoảng 300.000 phụ nữ trên thế giới tử vong trong quá trình sinh con. Cứ hai phút thì có một phụ nữ tử vong do những tai biến trong quá trình mang thai và sinh con.

Theo các chuyên gia y tế, cán bộ hộ sinh có vai trò quan trọng trong việc đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) số 4 (giảm thiểu số trẻ tử vong) và số 5 (cải thiện sức khỏe bà mẹ). Nếu được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế và làm việc trong hệ thống y tế hoàn thiện, họ có thể cung cấp đến 90% công tác chăm sóc y tế cần thiết cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, đồng thời giảm tới 2/3 tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh. Hiện tại vẫn còn đang rất thiếu những cán bộ hộ sinh được đào tạo chính quy để chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Cùng với đói nghèo, đây là nguyên nhân dẫn đến việc mỗi năm có hàng trăm nghìn ca tử vong bởi những nguyên nhân có thể ngăn chặn được.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, lực lượng hộ sinh hiện có ở Việt Nam vào khoảng 23.000 người, chỉ có khả năng đáp ứng được 83% nhu cầu, lại được phân bổ không đồng đều theo dân số và vùng miền. Tỷ lệ hộ sinh trên tổng số dân hiện ở mức thấp (3,5 hộ sinh/10.000 dân), có khoảng 5% trạm y tế xã (tương đương 517 xã) ở vùng sâu, vùng xa chưa có cán bộ hộ sinh; khoảng 17% phụ nữ - chủ yếu sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển - chưa được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Mô hình cô đỡ thôn bản sẽ từng bước khắc phục những hạn chế về nguồn nhân lực 
ở vùng sâu, vùng xa (Ảnh: HP)

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, chính sự thiếu hụt về lực lượng hộ sinh đã khiến tỷ lệ mẹ, trẻ sơ sinh tử vong tại 62 huyện nghèo nhất nước cao gấp từ 3 đến 4 lần so với mặt bằng chung cả nước. Tình trạng mẹ sinh con tại nhà, không được cán bộ y tế đã qua đào tạo hỗ trợ diễn ra khá phổ biến ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Việt Nam có khoảng 2,4 triệu phụ nữ mang thai mỗi năm, tuy nhiên, chỉ có từ 1 - 1,2 triệu trẻ được sinh ra, theo đó hàng năm có khoảng hơn một triệu ca đình chỉ thai nghén, gặp tai biến sản khoa... Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số và sức khỏe phụ nữ.

Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, vai trò của hộ sinh và công tác hộ sinh là cực kỳ quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam. Đội ngũ cán bộ hộ sinh và cô đỡ thôn bản có kỹ năng, thành thạo về chuyên môn, có nhiệt huyết và được trợ giúp, là chìa khóa then chốt cho sự thành công trong việc giúp làm giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh. Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết, thời gian tới Bộ Y tế sẽ xem xét và nỗ lực sử dụng các nguồn lực và năng lực của hệ thống y tế quốc gia, nhằm nâng cao hơn nữa tầm quan trọng của nghề hộ sinh, cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Theo bà Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), những cô đỡ thôn bản như chị Vần Thị Máy, chị Chamalé Thị Thuế phải hoạt động độc lập tại thôn bản và công việc của họ còn gặp muôn vàn khó khăn, cho dù chính đội ngũ này, cùng với những nữ hộ sinh, có sứ mệnh giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh. Cô đỡ thôn bản không đơn thuần làm công tác đỡ đẻ, mà còn hướng tới kỹ năng tư vấn phụ nữ đến đẻ ở các cơ sở y tế.

“Do phong tục tập quán, thiếu hiểu biết cũng như rào cản ngôn ngữ, phụ nữ dân tộc thiểu số chỉ đẻ ở nhà, được mẹ chăm sóc. Chính vì vậy việc cô đỡ hoạt động một mình tại cộng đồng gặp rất nhiều khó khăn. Do đó chúng tôi chú ý đến việc cung cấp cho các cô “bộ đỡ đẻ sạch” để trong trường hợp sản phụ đẻ ở nhà sẽ được chăm sóc với điều kiện tốt nhất. Các cô đỡ cũng được đào tạo kỹ năng kêu gọi cộng đồng cùng chung tay vào trong những trường hợp khẩn cấp. Hàng tháng, tuần, các cô cũng được tham gia giao ban, được đào tạo thêm các kỹ năng hoạt động độc lập” – bà Hồng nói.

Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em cho biết thêm, vừa qua, Bộ Y tế phối hợp cùng Bộ Nội vụ đã có thông tư quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn bản, theo đó chính thức đưa cô đỡ thôn bản là một chức danh trong hệ thống y tế Việt Nam. Với những xã, thôn chưa có y tế thôn bản thì các cô đỡ được hưởng mức phụ cấp theo khu vực. Tuy nhiên, trên thực tế cuộc sống của các cô đỡ thôn bản còn gặp nhiều khó khăn, do còn phải phụ thuộc ngân sách của địa phương được phê duyệt.

Tâm sự của người “khai sinh” ra cô đỡ thôn bản

Nhắc đến GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, nhiều người thường nghĩ đến công trình thụ tinh trong ông nghiệm, mà bà đã dày công nghiên cứu và áp dụng thành công tại Việt Nam, song bà cũng chính là “mẹ đẻ” của chương trình cô đỡ thôn bản. GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết: Công việc đã giúp bà đi nhiều, tiếp xúc nhiều với phụ nữ. Điều bà trăn trở là tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh còn rất cao ở các tỉnh miền núi, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số. Do đó, việc làm thể nào để giảm tỷ lệ tử vong cho các bà mẹ ở vùng đó là điều bà và các cộng sự không thể không quan tâm.

GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng

“Ở nhiều vùng dân tộc thiểu số, việc đi lại rất khó khăn, do đó sản phụ không được tiếp cận với các dịch vụ y tế, nhân viên y tế cũng không thể nào đi lên những nơi xa xôi như vậy. Tôi nghĩ, cách tốt nhất là phải đào tạo những cô đỡ tại chỗ, có cách tiếp cận người dân tốt, sống cùng cộng đồng, nói tiếng cộng đồng, hiểu được phong tục tập quán nơi đó. Khi đó, các cô dễ dàng giải thích, hướng dẫn phụ nữ địa phương đến khám thai và đẻ ở trạm y tế xã. Trong trường hợp sản phụ không thể đến được trạm y tế, cô đỡ thôn bản cũng có thể đỡ đẻ tại nhà theo cách an toàn và sạch” – bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng nói.

Năm 1998, Viện Paster TP HCM gửi thư cho GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, yêu cầu phối hợp để thực hiện chương trình giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh. Dự án đào tạo cô đỡ thôn bản ra đời và lần đầu tiên áp dụng tại huyện Bù Đăng – tỉnh Bình Phước, nơi có tỷ lệ uốn ván rốn sơ sinh cao nhất nước lúc bấy giờ. Những cô gái người dân tộc thiểu số đầu tiên ở Bù Đăng được lựa chọn, đào tạo tại Bệnh viện Từ Dũ, sau đó trở về địa phương làm cô đỡ thôn bản.

Đến 2001, qua khảo sát của Viện Paster TP HCM và Bệnh viện Từ Dũ, tỷ lệ uốn ván sơ sinh ở huyện Bù Đăng đã giảm rất thấp và đến nay không còn nữa. Điều này có được nhờ các cô đỡ thôn bản được đào tạo trở về đã chăm sóc sản phụ trong quá trình mang thai, khuyên các sản phụ tới đẻ tại trạm y tế; lĩnh thuốc về tiêm phòng cho các bà mẹ và trẻ sơ sinh. Tai biến tử vong của các bà mẹ và trẻ sơ sinh tại địa phương đã giảm rõ rệt.

GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết, đặc điểm của người dân tộc thiểu số là hiếm khi muốn xa thôn bản, xa gia đình với thời gian quá lâu, vì thế chương trình đào tạo cô đỡ thôn bản chỉ diễn ra trong 6 tháng, theo cách “cầm tay chỉ việc”. Các học viên được thực hành ngay tại bệnh viện. Một nữ hộ sinh “cứng” trong ca trực kèm một học viên cô đỡ thôn bản. Những kinh nghiệm, tâm huyết nghề được các nữ hộ sinh truyền đạt trực tiếp cho các cô đỡ thôn bản. Vì thế, thời gian đào tạo tuy ngắn, nhưng kỹ năng thực hành và hiểu biết về công việc của cô đỡ thôn bản tương đối tốt. GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng chia sẻ thêm: “Khi biết Bệnh viện Từ Dũ có chương trình này, một cán bộ thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Tây Thái Bình Dương có nói với tôi là họ đã tốn cả triệu USD để đào tạo cô đỡ thôn bản thuộc khu vực biên giới Thái Lan, Campuchia, Lào… tuy nhiên vẫn không thành công, vì các cô không muốn rời thôn bản lâu dài. Thế nên, việc chỉ tốn vài trăm triệu đồng để đào tạo được hàng trăm cô đỡ thôn bản ở Việt Nam là rất hiệu quả. Theo WHO, để đào tạo được một cô đỡ thôn bản tốn ít nhất 2.000 USD”.

Được biết, từ năm 1998, Bệnh viện Từ Dũ đào tạo thí điểm tại Lâm Đồng và Bình Phước, sau đó phát triển thành 500 cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số. Thời gian đào tạo 6 tháng tại Bệnh viện Từ Dũ. Đến nay, tổng số côn đỡ thôn bản được đạo tạo khoảng 1.300 người (38/54 dân tộc) đang làm việc tại 20 tỉnh thuộc miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Hiện tại có khoảng 80% số này đang làm việc và có những đóng góp không nhỏ vào công tác chăm sóc bà mẹ và trẻ em, giảm tai biến sản khoa tại cộng đồng. Từ 1/5/2013, cô đỡ thôn bản chính được được công nhận là một chức danh trong ngành y./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên