Đầu tư xây dựng sân bay Nà Sản: Không chỉ phục vụ đường bay ngắn
VOV.VN - Việc đầu tư sân bay Nà Sản không chỉ phục vụ cự ly bay ngắn từ Sơn La về Hà Nội như trước đây, mà chiến lược lâu dài sẽ là các đường bay trực tiếp từ Sơn La tới các địa phương và đường bay quốc tế.
Sân bay Nà Sản được người Pháp xây dựng từ những năm 1950 tại địa phận xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn (Sơn La), cách thành phố Sơn La khoảng 20km về phía Nam. Sau một thời gian hoạt động, sân bay Nà Sản đã dừng khai thác do lượng hành khách ít. Đến năm 1994 thì hoạt động trở lại, nhưng từ tháng 5/2004 đến nay đã đóng cửa vì hệ thống cơ sở hạ tầng không đáp ứng các yêu cầu khai thác.
Từ vai trò quan trọng của sân bay Nà Sản trong mạng sân bay chính ở khu vực Tây Bắc, cũng như trong hệ thống mạng sân bay quân sự quốc gia, cảng hàng không này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyêt trong Quy hoạch phát triển GTVT hàng không Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Đầu tháng 3/2022, UBND tỉnh Sơn La có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng Dự án Cảng hàng không Nà Sản; trong đó, tỉnh Sơn La kiến nghị Thủ tướng chấp thuận về chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Nà Sản theo hình thức PPP và giao cho UBND tỉnh Sơn La làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án. Tổng mức đầu tư dự án vào khoảng 2.000 tỷ đồng.
Ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, từ việc tập trung kêu gọi các nhà đầu tư, đến nay đã có nhà đầu tư tiềm năng chính thức thức đặt vấn đề sẽ đầu tư sân bay Nà Sản tại Sơn La.
Ông Lê Hồng Minh nói: "Khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép Sơn La là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án này thì tỉnh sẽ phối hợp với nhà đầu tư tiềm năng lập dự án báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và dự án khả thi thực hiện dự án; tinh thần là cơ bản kế thừa hồ sơ mà trước đây Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam ACV đã thực hiện. Và như vậy là chúng tôi đang tập trung thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết của tỉnh là phấn đấu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 này sẽ phải khởi công được các dự án trọng điểm, trong đó có dự án đường cao tốc và sân bay Nà Sản".
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lê Hồng Minh, việc đầu tư sân bay Nà Sản không chỉ phục vụ cự ly bay ngắn từ Sơn La về Hà Nội như trước đây, mà chiến lược lâu dài sẽ là các đường bay trực tiếp từ Sơn La tới các địa phương trong nước như TP HCM, Đà Nẵng và đường bay quốc tế từ Sơn La đi Viêng Chăn (Lào), Băng Cốc (Thái Lan) và kết nối các quốc gia Châu Âu để phục vụ du lịch...
“Sơn La có hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là sản phẩm nông sản và thủy sản. Để đảm bảo tính chất hàng tươi sống thì tới đây việc vận chuyển bằng hàng không là cần thiết, đúng xu thế phát triển. Những loại hàng đạt tiêu chuẩn quốc tế, là sản phẩm sạch, thị trường các nước lớn ở Châu Âu nhập khẩu thì tới đây chúng ta có thể xuất từ cảng hàng không Nà Sản đi". - Ông Lê Hồng Minh nhấn mạnh.
Trong Quy hoạch phát triển GTVT hàng không Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, sân bay Nà sản với quy mô cảng hàng không nội địa cấp 4C và sân bay quân sự cấp I, là loại sân bay dùng chung dân dụng và quân sự; công suất đến năm 2030 đạt 1,5 triệu hành khách/năm; diện tích quy hoạch 498,67 ha…./.