Đầu xuân gặp gỡ thầy giáo Lý Hồng Quân-Người thổi hồn khèn Mông
VOV.VN - Trăn trở khi thấy nhạc cụ truyền thống của dân tộc có nguy cơ mai một, thầy Lý Hồng Quân, giáo viên Trường tiểu học Nghiên Loan II, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn đã ngày đêm miệt mài truyền dạy thổi khèn, múa khèn cho các em nhỏ
Khèn Mông là nhạc cụ truyền thống có từ lâu đời của đồng bào Mông và không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của bà con. Trăn trở khi thấy nhạc cụ truyền thống của dân tộc có nguy cơ mai một khi lớp trẻ nhiều người không biết thổi khèn, múa khèn, thầy Lý Hồng Quân, giáo viên Trường tiểu học Nghiên Loan II, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn đã ngày đêm miệt mài truyền dạy thổi khèn, múa khèn cho các em nhỏ, với nhiều sáng kiến đổi mới trong các điệu múa khèn giúp các em thêm yêu tiếng khèn của dân tộc mình.
Sinh ra và lớn lên tại thôn Bản Nghè, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, cũng như bao đứa trẻ người Mông khác, ngay từ khi còn nhỏ, tiếng khèn Mông đã hằn sâu vào tâm trí thầy giáo Lý Hồng Quân. Thầy vô cùng yêu thích và khao khát được học thổi khèn, múa khèn giỏi như các chàng trai bản mình. Thế nhưng vì phải đi học văn hóa nên thầy đã tạm gác lại niềm đam mê đang còn dang dở ấy. Mãi sau này, khi học xong chuyên nghiệp và về làm công tác giảng dạy tại Trường tiểu học Nghiên Loan II, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm thầy mới lại bén duyên với khèn Mông.
"Tôi nhận thấy hiện nay nhiều thanh niên người Mông chỉ tập trung đi làm ăn không quan tâm đến việc gìn giữ văn hóa của dân tộc mình như khèn, sáo, hát dân ca. Là một giáo viên tôi nghĩ mình cần phải làm gì đó để lớp trẻ thích học khèn, tìm hiểu những nét văn hóa của dân tộc mình, không để mai một. Thế là tôi vừa đi làm, vừa nghiên cứu và học thổi khèn, múa khèn từ những người giỏi khèn ở bản”- thầy Quân chia sẻ.
Học thổi khèn đã khó, nhưng để múa được thành thạo các động tác như khom lưng, quay gót tại chỗ hay là hất gót, xoay xoắn ốc... lại càng cần phải trải qua một quá trình rèn luyện kiên trì, bền bỉ. Đến giờ thầy giáo Lý Hồng Quân không chỉ múa thành thạo những động tác múa khèn cơ bản mà thầy còn có rất nhiều ý tưởng sáng tạo mang đến những sự mới mẻ, tạo nên sự độc, lạ trong điệu múa khèn Mông vốn có từ lâu đời trong mỗi lần đi biểu diễn như: múa khèn trên dây, trên cột cao, trồng chuối để khèn, hay là vừa múa khèn vừa kết hợp tạo những thế đứng khó và đẹp mắt.
Không chỉ luyện khèn, để nuôi dưỡng niềm đam mê khèn Mông cho lớp trẻ hiện nay nhằm tiếp tục gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình, ngoài thời gian đi dạy học ở trường, thầy giáo Lý Hồng Quân còn tranh thủ thời gian của mình để vận động các em nhỏ học thổi và múa khèn. Đến nay, thầy đã dạy được cho hai em nhỏ biết thổi và múa khèn thành thạo, thường xuyên cùng thầy đi biểu diễn ở nhiều nơi với mong muốn quảng bá và tiếp lửa cho các bạn trẻ yêu thích tiếng khèn cũng như điệu múa mà cha ông đã để lại...
Em Dương Văn Minh, 10 tuổi, là một trong hai người học trò xuất sắc của thầy Quân tự hào nói về người thầy của mình: "Thầy Quân thổi khèn và múa khèn rất hay. Con rất là thích, con sẽ cố gắng theo học thầy để múa thật đẹp và được cùng thầy đi biểu diễn ở thật nhiều nơi nữa".
Thầy giáo Lý Hồng Quân mong muốn trong thời gian tới sẽ còn kết hợp múa khèn với nhạc hiện đại để khèn Mông không còn đơn điệu, nhưng vẫn giữ được nét độc đáo vốn có của một điệu múa cổ truyền thống. Với suy nghĩ ấy, thầy Lý Hồng Quân cùng những người yêu văn hóa dân tộc ở xã đã thành lập câu lạc bộ khèn Mông ở địa phương và đang tiếp lửa cho rất nhiều người trẻ ở quê mình biết về khèn và biết thổi, biết múa khèn. Những cố gắng của thầy đã được ghi nhận qua nhiều giải, nhiều huy chương tại các hội diễn từ cấp tỉnh đến Trung ương.
Ông Lâm Ngọc Du, Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Bắc Kạn nhận xét về thầy giáo Lý Hồng Quân: "Bản thân anh Quân đã cùng với nhóm nghệ nhân ở xã Cổ Linh thành lập CLB khèn Mông. Chính anh Quân là người truyền dạy cho người Mông tại xã đó và các thế hệ trẻ biết được về khèn Mông. Cá nhân anh ấy đã được ghi nhận rất nhiều từ các giải và những đóng góp trong các hoạt động văn hóa người Mông nói chung và hoạt động văn hóa của tỉnh Bắc Kạn nói riêng”.
Những việc làm của thầy giáo Lý Hồng Quân thật ý nghĩa, góp phần thổi hồn, lan tỏa khèn Mông tới lớp trẻ dân tộc./.