Đẩy lùi nạn cướp giật: Cần huy động cả hệ thống chính trị
(VOV) -Phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kết quả phòng chống tội phạm ở địa bàn mình phụ trách.
Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến tình trạng lộng hành, tàn bạo của tội phạm cướp giật tại TP HCM. Đây cũng là vấn đề được đề cập nhiều nhất tại kỳ họp thứ 7 HĐND TPHCM khóa 8 vừa kết thúc sáng 7/12. Đại biểu thay mặt cho cử tri thành phố đã góp rất nhiều ý kiến bất bình vì tội ác của bọn cướp giật, phân tích nguyên nhân và kiến nghị nhiều giải pháp. Sở Công an TP HCM cũng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm và giải trình nhiều vấn đề quan trọng xung quanh công tác phòng chống tội phạm cướp giật.
Tại TP HCM, năm 2012, số vụ phạm pháp hình sự giảm, tỉ lệ phá án tăng so với năm 2011. Lực lượng công an Thành phố đã điều tra, khám phá gần 3.200 vụ phạm pháp hình sự, bắt hơn 4.000 tên; triệt phá 581 băng nhóm tội phạm hình sự, bắt 1.400 tên tội phạm hoạt động có tổ chức, chuyên nghiệp…
Tên cướp phóng xe máy giật túi xách khiến nạn nhân ngã sõng soài |
Tuy nhiên, về tính chất và mức độ nghiêm trọng của các vụ phạm pháp hình sự hầu như không giảm mà có chiều hướng xấu hơn. Gần đây, nhiều vụ cướp, cướp giật liều lĩnh, tàn bạo xảy ra trên đường phố đã gây tâm trạng bất an cho người dân. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, cả về chủ quan lẫn khách quan. Cụ thể như: dân số thành phố liên tục tăng, trong đó có một lượng lớn người nhập cư, rất khó kiểm soát; nhiều đối tượng cai nghiện hồi gia hoặc đang cai nghiện ma túy tại cộng đồng không tốt dẫn đến phạm tội; một bộ phận người thất nghiệp, không có công ăn việc làm ổn định cũng dễ phát sinh phạm pháp…
Thống kê hơn 150 đối tượng hình sự bị bắt trong các tháng gần đây thì có 49% thất nghiệp, hơn 50% có việc làm tự do nên thu nhập không ổn định, 46% đối tượng cướp liên quan ma túy hoặc trong tình trạng nghiện, kích động mạnh; 24% có tiền án, hơn 41% đang bị truy nã…
Thượng tá Trần Trọng Dũng, Đại biểu HĐND TP.HCM cho rằng, cần xây dựng kế hoạch phòng chống tội phạm căn cơ, tổ chức tuần tra thường xuyên hơn, bố trí các chuyên án, mật phục để bắt giữa ngay khi chúng nhen nhóm phạm tội.
Sự gia tăng các vụ cướp giật và mức độ gây án ngày càng nguy hiểm đòi hỏi Thành phố phải tăng cường các biện pháp để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thành phố, bảo vệ tính mạng, tài sản và sự bình yên cho người dân.
Nhiều đại biểu HĐND cho rằng: Thành phố cần phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, cả cấp bách và lâu dài như: pháp luật phải nghiêm trị, có tính răn đe cao hơn chứ không chỉ bắt tạm giam vài ngày rồi thả, giáo dục nhân cách con người trong nhà trường tránh hình thức, hoạt động đoàn đội phải thực sự tạo sân chơi lành mạnh thu hút thanh thiếu niên tham gia, tạo công ăn việc làm... Trước mắt, người dân mong muốn lực lượng chức năng mà công an làm nòng cốt phải ráo riết điều tra, phát hiện tội phạm khi chúng chưa kịp gây án và nếu xảy ra án thì phải nhanh chóng trấn áp được. Bởi một số vụ cướp giật gần đây cho thấy, tội phạm thường theo băng nhóm, đường dây, có vũ khí, có tổ chức từ khâu chuẩn bị đến khâu cướp giật rồi khâu tẩu tán tài sản…nên không khó để phát hiện, nhất là khi có quần chúng tham gia tố giác.
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết: “Làm tốt công tác quản lý địa bàn, quản lý cư trú nhằm loại trừ nơi ẩn náu, nơi đối tượng có thể tụ họp để xuất phát gây án. Ghi nhận mấy ngày qua cho thấy có hiệu quả. Chúng tôi kiểm tra, theo dõi chặt kế hoạch này. Dự kiến, sau Noel, trước Tết Dương lịch chúng tôi sẽ sơ kết, điều chỉ kế hoạch và sẽ mời công an các tỉnh trong khu vực đến để hoàn thiện quy chế phối hợp đã có”.
Đồng ý rằng, trách nhiệm giải quyết, ngăn chặn cướp giật đầu tiên thuộc về ngành công an. Nhiều ý kiến đề nghị: TP HCM nên phát huy lực lượng săn bắt cướp và có một đội ngũ chuyên trấn áp tội phạm như tổ 141 của Hà Nội mới đẩy lùi cướp giật.
Thành phố cũng phải huy động được các ngành các cấp và đông đảo người dân phòng chống loại tội phạm này bằng các biện pháp cụ thể như: tăng đầu tư cho lực lượng chức năng, người dân báo tin bị hành hung hoặc tố giác tội phạm thì phải được bảo mật, bảo vệ; khen thưởng kịp thời cho công an và cả người dân bắt cướp…
Ngành Công an Thành phố dự định sẽ có quy chế vận động doanh nghiệp du lịch, kinh doanh có lãi đóng góp vào quỹ phòng, chống tội phạm và dùng quỹ này để thưởng ngay 5 triệu đồng cho bất kể người nào bắt cướp quả tang.
Ông Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nói: “Phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ và tham gia của người dân. Phải phát huy và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kết quả phòng chống tội phạm ở đơn vị, địa phương, địa bàn mình phụ trách. Chúng ta không thể giao hết trách nhiệm phòng chống tội phạm cho công an thành phố được. Công an chỉ là lực lượng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và tham gia trực tiếp đấu tranh với tội phạm này ở những tuyến, những địa bàn, đối tượng trọng điểm”. Thời điểm này, việc quyết liệt phòng chống tệ nạn cướp, cướp giật ở TP HCM không chỉ để an lòng dân mà còn làm trong sạch bộ mặt thành phố, đóng góp cho sự phát triển chung, giữ vững sự “an toàn” vốn là một trong những ưu điểm nổi bật của thành phố trong mắt du khách./.