Đẩy mạnh chuyển đổi số các công đoạn khám, chữa bệnh ở Yên Bái
VOV.VN - Đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (Dự án 7) trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, ngành y tế tỉnh Yên Bái đang đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa các công đoạn khám, chữa bệnh...
Ngành y tế tỉnh Yên Bái đang đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa các công đoạn khám, chữa bệnh, nhằm tạo thuận lợi và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân khi đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (Dự án 7) trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Bệnh viện Đa khoa Khu vực Nghĩa Lộ là một trong những cơ sở y tế đầu tiên của Yên Bái triển khai việc chuyển đổi số toàn diện trong quy trình khám, chữa bệnh. Hiện đơn vị đã trang bị 4 máy hồ sơ để giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân; đồng thời áp dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, ứng dụng kỹ thuật mới trong điều trị, góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc, phục vụ người bệnh.
Ông Hà Văn Hợp ở thôn Đoàn Kết, xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ đến khám chữa bệnh tại đây bày tỏ: “Tôi người già vào viện, các bác sĩ làm giấy tờ đâu vào đó, rất ngắn gọn, tôi không phải đi lại nhiều, yên tâm điều trị”.
Ông Phan Thanh Tôn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ cho biết: Cùng với nâng cao chất lượng chuyên môn, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, xây dựng bệnh án điện tử và liên thông dữ liệu trong ngành Y tế đã rút ngắn quy trình, thời gian, đồng thời, góp phần hạn chế sai sót trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho bệnh nhân và người nhà của bệnh nhân; qua đó, giúp nâng cao tỷ lệ hài lòng và thu hút bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại đơn vị.
“Số người bệnh đến khám, chữa bệnh dùng thẻ căn cước công dân gắn chíp ở bệnh viện được hơn 80%. Đối với việc thu viện phí thanh toán không dùng tiền mặt thì bệnh viện cũng đã cử cán bộ chuyên trách hướng dẫn tư vấn cho người bệnh”, ông Phan Thanh Tôn cho hay.
Không chỉ triển khai mạnh mẽ tại các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện, ngành Y tế Yên Bái còn chỉ đạo quyết liệt việc thanh toán không dùng tiền mặt trong khám chữa bệnh, cập nhật thông tin cơ bản về y tế vào cơ sở dữ liệu quốc gia, thu thập và làm sạch dữ liệu tiêm chủng…tại các trạm y tế tuyến xã. Qua đó, góp phần không nhỏ vào thực hiện các mục tiêu về cải cách thủ tục hành chính tại các địa phương.
Bác sỹ Đào Thị Ngọc Tuyết, Trưởng trạm Y tế xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cho biết: “Khám, chữa bệnh thì bà con nhân dân cũng giảm rất nhiều về giấy tờ, thủ tục hành chính. Về công tác điều hành, chúng tôi nhận những văn bản qua hệ điều hành từ Trung tâm Y tế huyện về cập nhật, làm thủ tục rất nhanh gọn”.
Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, song thời gian qua, ngành Y tế Yên Bái đã nỗ lực, ưu tiên nhiều nguồn lực để triển khai việc chuyển đổi số. Ông Nguyễn Song Hào, Phó Giám đốc sở Y tế tỉnh Yên Bái cho biết, toàn tỉnh hiện đã có 200 cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tra cứu và khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế cho người dân bằng căn cước công dân gắn chíp và ứng dụng VNeID. Sở Y tế tỉnh đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Yên Bái hoàn thành việc cung cấp thiết bị đọc thẻ chíp đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh bố trí cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn người dân đăng ký khám, chữa bệnh bằng công nghệ số. Tính đến giữa tháng 6/2023, đã có gần 340.000 người dân ở Yên Bái sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp đi khám, chữa bệnh, đạt tỷ lệ hơn 77%.
“Trong thời gian qua, để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030), Sở Y tế Yên Bái đã ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành, quán triệt sâu rộng trong các cấp ủy đảng cũng như tới toàn thể lãnh đạo các đơn vị trong toàn ngành. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chuyên đề về Đề án 06, chính vì vậy mà ngành y tế đã đạt được một số kết quả nổi bật”, ông Nguyễn Song Hào nói.
Phó Giám đốc sở Y tế tỉnh Yên Bái Nguyễn Song Hào cũng cho biết, trước những yêu cầu mới, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục đề ra những giải pháp phù hợp, đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực Y tế, để phục vụ người dân nói chung và người bệnh nói riêng ngày một tốt hơn.