Dạy nghề cho hơn 267.000 lao động nông thôn

86% địa phương đạt tỷ lệ trên 70% người lao động có việc làm sau học nghề.

Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương nhằm sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2011 diễn ra sáng 29/8, tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban chỉ đạo Đề án chủ trì Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu tham dự.

Năm 2011 là năm thứ hai thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, đã có 52 tỉnh - thành phố phê duyệt Đề án cấp tỉnh đến năm 2020. Đồng thời, tập trung kiện toàn bộ máy tổ chức, tăng cường công tác đào tạo và bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức xã; nâng cao năng lực của mạng lưới cơ sở đào tạo nghề…

Trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã tổ chức dạy nghề cho hơn 267.000 lao động nông thôn (đạt 53% kế hoạch năm). 86% địa phương/49 tỉnh, thành (có báo cáo) đạt được tỷ lệ trên 70% người lao động có việc làm sau học nghề. Hoàn thành gần 500 lớp dạy nghề theo các mô hình thí điểm, như: đào tạo nghề và tổ chức việc làm để xây dựng làng nghề, trồng cây chuyên canh, đào tạo nghề đánh bắt xa bờ, dạy nghề ở các xã xây dựng nông thôn mới…

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban chỉ đạo Đề án nêu rõ: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn có rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng không còn con đường nào khác nếu chúng ta muốn phát triển kinh tế nói chung và nông thôn nói riêng theo hướng năng suất cao, chất lượng cao và chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn quốc. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đáp ứng nhu cầu xã hội, nhưng để làm được cần sự phối hợp đồng bộ của tất cả các bộ, ngành, địa phương. Do đó, thông qua hội nghị giao ban này để khái quát thực tiễn, khẳng định mô hình, giới thiệu điển hình tốt, và điều chỉnh chính sách trong quá trình triển khai./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên