ĐBSCL: Mưa trái mùa gây thiệt hại lúa, hoa màu và muối của nông dân

VOV.VN - Trong những ngày qua, tại một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL liên tiếp xuất nhiều trận mưa lớn trái vụ gây khó khăn cho bà con nông dân.

Tại tỉnh Hậu Giang, cơn mưa lớn vào chiều ngày 2/2 vừa qua đã làm nhiều diện tích lúa đông xuân sắp đến ngày thu hoạch của bà con nông dân tại huyện Vị Thủy, Châu Thành A bị ảnh hưởng nặng. Nhiều hecta bị đổ ngã, có nơi ruộng lúa bị ngập hoàn toàn trong nước.

Sản xuất muối ở Bạc Liêu. (Ảnh Khánh Hưng)
Tại Thành phố Cần Thơ, do mưa gió nhiều từ trước Tết Nguyên đán đến nay đã làm cho hơn 2.400 ha lúa đông xuân trong giai đoạn chín, chủ yếu ở các địa phương như huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và quận Thốt Nốt bị đổ ngã, ảnh hưởng đến năng suất. Ngoài ra, ngay sau Tết Nguyên đán, khi nông dân nơi đây bắt đầu thu hoạch lúa Đông Xuân sớm. Việc xuất hiện mưa nhiều trong những ngày qua gây khó khăn và tổn thất trong công tác phơi sấy, tăng cao chi phí thu hoạch nhưng lúa bị giảm chất lượng, giá bán không cao.
Tại tỉnh Bạc Liêu từ trước tết nguyên đán đến nay, những trận mưa lớn kéo dài kèm theo lốc xoáy cũng đã làm đổ ngã nhiều diện tích lúa lắp vụ trên đất nuôi tôm. Ông Trần Văn Ân- Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu cho biết: Năm nay địa phương gieo sạ hơn 9.000 ha lúa lắp vụ trên đất nuôi tôm. Đến thời điểm thu hoạch thì xuất hiện những cơn mưa trái mùa khiến cho từ trước tết nguyên đán đến nay có gần 1.000 ngàn ha lúa bị đổ ngã gây nhiều khó khăn cho bà con trong thu hoạch, làm giảm năng suất và phẩm chất hạt lúa.
Ngay dịp Tết Nguyên đán vừa qua trên địa bàn các tỉnh vùng bán đảo Cà Mau có những cơn mưa trái mùa. Đối với người nuôi tôm, sau thời gian nắng nóng, độ mặn tăng cao, có những cơn mưa để giảm độ mặn đó là niềm vui nhưng riêng với người làm muối thời tiết thất thường từ đầu vụ đến nay khiến bà con bị thiệt hại khá nặng.
Bạc Liêu được biết đến là tỉnh có sản lượng muối đứng đầu ĐBSCL. Hàng năm, đến thời điểm hiện tại người dân đã thu hoạch muối được khoảng một tháng. Tuy nhiên, năm nay những cơn mưa trái mùa đã khiến diêm dân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, thời gian dịp Tết vừa qua, khi muối đã gần đến thời điểm thu hoạch, lại gặp phải những cơn mưa nặng hạt, làm trữ lượng muối giảm mạnh, bà con chưa thể thu hoạch. Hiện nay, giá muối lên tới 24 – 25 ngàn đồng/giạ, cao gấp khoảng 2,4 lần giá muối chính vụ năm trước nhưng diêm dân không có muối bán.
Ông Nguyễn Hoàng Thưa, Phó Chủ tịch HĐQT HTX Diêm nghiệp ấp Doanh Điền (xã Điền Hải, huyện Đông Hải, Bạc Liêu) cho biết: “Nhà tôi thu được gì đâu, đầu mùa tới giờ toàn mưa, nắng có vài bữa. Nước mới có 12 – 13 chữ nước sụp đám mưa tụt xuống 3 – 4 chữ. Mưa làm thiệt hại quá trời, muối phải chờ thời tiết, mà thời tiết xấu quá làm muối đâu có đạt đâu”.
Trái ngược với tâm trạng của diêm dân Bạc Liêu, người nuôi tôm vùng giáp biển của Bán đảo Cà Mau, lại được hưởng lợi từ những cơn mưa vừa qua. Theo người dân địa phương, hiện tại độ mặn trong vuông tôm đang dao động khoảng 25 – 28 phần ngàn, gần vượt ngưỡng cho phép. Cũng nhờ những cơn mùa vừa qua, độ mặn trong các ao nuôi tôm đã giảm bớt.
Riêng đối với mô hình nuôi tôm công nghiệp, vừa vào thời gian chính vụ nên người dân thả nuôi khá nhiều. Mưa trái vụ sẽ làm yếu tố môi trường biến động, người dân cần chú ý xử lý. Tại Cà Mau, theo cơ quan chức năng, diện tích thả nuôi đang đạt khoảng 40 - 50 % trên tổng diện tích khoảng 11.000 ha và đa số đều vừa xuống giống. Đối với độ tuổi con tôm dưới 20 ngày tuổi rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường nên bà con cần chủ động ứng phó.

Lúa bị mưa ngập nước tại huyện Phước Long - Bạc Liêu. (Ảnh Tấn Phong)
Trước thực trạng trên, ông Mã Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Cà Mau khuyến cáo đến người nuôi tôm: “Khuyến cáo người dân trong thời gian tới, đánh vôi bờ, đối với những ao đất. Đo đạc các điều kiện, các yếu tố môi trường thường xuyên để điều chỉnh cho kịp thời. Độ mặn là chính, PH với độ kiềm, rồi các khí độc".
Tại tỉnh Tiền Giang, chiều nay 4/2, trên địa bàn huyện Cái Bè, tiếp tục xảy ra cơn mưa trái mùa. Như vậy, từ đầu tháng 2 cho đến nay, tỉnh Tiền Giang liên tiếp xảy ra nhiều cơn mưa trái mùa làm ngập úng một số diện tích rau màu ở huyện Châu Thành, làm đổ ngã gây khó khăn thu hoạch lúa ở các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang.
Theo ông Võ Văn Thông, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang, mưa trái mùa sẽ còn tiếp diễn nên người dân cần chủ động trong sản xuất: “Theo nhận định của ngành thì tháng 2 này sẽ còn nhiều đợt mưa trái mùa. Những đợt mưa trái mùa kia có thể kéo dài từ 1-2 ngày, nhưng lượng mưa không bằng các trận mưa vừa qua. Mưa này không có ảnh hưởng gì đến lượng mưa chính vụ sắp tới. Bà con vẫn sản xuất bình thường vì năm nay đã nhận định nằm trong Lanina yếu nên mùa mưa năm nay sẽ có khả năng bắt đầu sớm hơn”./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Miền Tây xuất hiện mưa trái mùa với cường độ cao
Miền Tây xuất hiện mưa trái mùa với cường độ cao

Theo người dân, mưa trái mùa là hiện tượng thời tiết khác thường so với nhiều năm trước. 

Miền Tây xuất hiện mưa trái mùa với cường độ cao

Miền Tây xuất hiện mưa trái mùa với cường độ cao

Theo người dân, mưa trái mùa là hiện tượng thời tiết khác thường so với nhiều năm trước.