ĐBSCL tăng tốc tiêm vaccine phòng, chống Covid-19
VOV.VN - Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong khi đó, tỉ lệ người dân ở vùng ĐBSCL tiêm phòng vaccine mũi 3, mũi 4 đạt tỉ lệ còn thấp. Để phòng chống dịch bệnh, việc tiếp tục tiêm phòng vaccine cần được các cấp chính quyền, ngành y tế và người dân quan tâm hơn.
Tỉnh Cà Mau hiện chỉ có TP. Cà Mau và huyện Thới Bình là 2 đơn vị được ghi nhận đạt tiến độ tiêm vaccine nhanh nhất nhưng với tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 4 cũng mới ở mức 33% và 26%. Tỉnh Bạc Liêu đã tiêm mũi 3 cho đối tượng trên 18 tuổi cho hơn 341.200 người, đạt tỷ lệ gần 60%; mũi 4 cho hơn 96.000 người, đạt tỷ lệ gần 17%. Đối với đối tượng từ 12 đến 17 tuổi đã tiêm mũi 3 cho hơn 38.200 người, đạt tỷ lệ hơn 42%.
Tỉnh Tiền Giang đã tiêm được hơn 4,7 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho người từ 5 tuổi trở lên. Trong đó, người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm liều bổ sung đạt 8,4%; liều nhắc lại lần 1 đạt 80,4%; liều nhắc lại lần 2 đạt 3,8%. Tiền Giang đang tăng cường tiêm liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên; đề xuất nhu cầu vaccine và tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 liều nhắc lại cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi. Tại tỉnh Đồng Tháp, tỉnh lệ người dân tiêm mũi 3, mũi 4 cũng không cao.
Gần đây, tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát nên người dân vùng ĐBSCL có tâm lý chủ quan, lơ là, ít quan tâm đến việc tiêm vaccine phòng bệnh. Ngoài ra, không ít người dân có tâm lý lo ngại tác dụng phụ của vaccine, chưa đồng ý tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4); một số người đã mắc bệnh rồi không cần tiêm nữa…
Mặt khác, việc triển khai cụ thể tại một vài nơi chưa thật sự hợp lý cũng khiến tốc độ tiêm chưa cao. Ông Phạm Nguyên Khang, Giám đốc công ty TNHH Thép Minh Trang tại xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết, cá nhân ông và người lao động không ngần ngại, sẵn sàng tiêm phòng.
“Doanh nghiệp đến nay chưa thấy gọi tiêm, công nhân ở đây sẵn sàng nếu có vaccine là đi tiêm. Mình tiêm phòng để có miễn dịch, nghe nói có biển thể mới BA.5 rất nguy hiểm. Thành ra đang đợi, nếu có vaccine là toàn công ty và cả nhà tôi đi tiêm hết, không ngại gì, sẵn sàng tiêm”, ông Phạm Nguyên Khang nói.
Hiện nay, các địa phương trong vùng ĐBSCL đang đẩy mạnh tiến độ tiêm vaccine, nhất là các mũi nhắc lại. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Giám đốc Sở Y tế khẩn trương phối hợp với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau tổ chức thống kê lại từng đối tượng, nhu cầu tiêm vaccine (kể cả số người đi ra, vào tỉnh). Trong đó, phải đảm bảo “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, để thống kê danh sách và tổ chức các bàn tiêm lưu động để tiêm vaccine cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích và vai trò, trách nhiệm trong việc tiêm vaccine.
So với các địa phương vùng ĐBSCL thì tỉ lệ người dân tiêm mũi nhắc lại ở tỉnh Bến Tre đạt cao. Đến nay, tỉnh Bến Tre có số người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 3 là trên 876.000 người, đạt tỉ lệ hơn 92%; mũi 4 là 100.835 người, đạt tỉ lệ gần 31%. Về kinh nghiệm đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng.
Ông Nguyễn Văn Oanh, Phó Giám đốc Sở y tế tỉnh Bến Tre chia sẻ: “Bến Tre tiêm chủng đạt tỉ lệ khá, mũi 3 đứng hàng thứ 3 trong toàn quốc, chủ yếu hệ thống chính trị địa phương làm sao vận động người dân càng nhiều càng tốt, mời liên tục. Thứ 2 là ngành y tế tổ chức tất cả các mũi tiêm thường xuyên hơn, để tạo điều kiện cho người dân rảnh ngày nào đi tiêm ngày đó. Tất cả các điểm tiêm đều triển khai tiêm nên người dân có thể đến tiêm phòng bất cứ nơi nào, xã này qua xã kia, huyện này qua huyện kia vẫn tiêm được, vô bệnh viện vẫn tiêm được. Trong khi khám bệnh, bác sĩ vận động được đúng đối tượng thì vẫn tiêm. Ngay cả bệnh viên tư nhân Minh Đức vẫn phân vaccine về khi người dân đồng ý tiêm”.
Tương tự như Bến Tre, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố khẩn trương thực hiện việc tiêm vaccine phòng Covid-19, bảo đảm tất cả trẻ em từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được tiêm mũi 3 và đối với người đủ 18 tuổi trở lên tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) phải được tiêm phòng đúng quy định. Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức thích hợp và chủ động đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19. Chỉ khi người dân hiểu đúng về tác dụng của tiêm phòng thì công tác này mới có kết quả như mong muốn.
Anh Trần Anh Điền, người dân ngụ TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp sau khi tiêm phòng mũi 4 chia sẻ: "Bản thân tôi đã tiêm mũi 4 rồi, tiêm xong trước mắt bảo vệ sức khỏe cho chính mình, tại vì vaccine cũng có thời hiệu nhất định, khi mà hết thời hiệu thì hiệu quả sẽ giảm dần. Trước những biến chủng mới xuất hiện, để đảm bảo cho bản thân mình cũng như đảm bảo cho những người xung quanh mình thì nên tiêm mũi 4 để đạt được hiệu quả miễn dịch trong cộng đồng của mình tốt nhất có thể".
Với Bạc Liêu, địa phương này sẽ tiêm hết số vaccine được phân bổ. Trước đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam đã ký ban hành Công văn về việc tăng cường công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Trong đó nhấn mạnh, địa phương, đơn vị nào chậm trễ, lơ là, không hoàn thành tiến độ, tỉ lệ tiêm vaccine, để xảy ra dịch bệnh bùng phát, thì Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố đó phải chịu trách nhiệm.
Thực hiện chỉ đạo này, Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu đã đề nghị Lãnh đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh việc tiêm mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên hoàn thành trong Quý II năm 2022; tổ chức tiêm chủng mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi và mũi 3 cho trẻ từ 12-17 tuổi theo quy định của Bộ Y tế.
Bác sĩ CK1 Nguyễn Hoàng Tuấn Anh- Trưởng khoa Phòng chống Bệnh truyền nhiễm- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Hiện tại, các địa phương đều đồng loạt tổ chức tiêm hết tại các điểm tiêm của 64 xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó còn có những điểm tiêm riêng của Trung tâm Y tế, rồi có những điểm tiêm lẻ hỗ trợ trên địa bàn thành phố Bạc Liêu. Hiện tại, số lượng người đồng thuận đi tiêm thì nhiều, với tiến độ tiêm như thế này thì bữa nay sẽ hết vaccine”.
Đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua cho thấy, tiêm phòng vaccine là giải pháp hữu hiệu để phòng, chống dịch Covid-19, trong đó việc tiêm đúng thời điểm, tiêm đủ liều là vấn đề cần thiết để tạo miễn dịch phòng ngừa dịch bệnh. Do đó, người dân vùng ĐBSCL cần nâng cao ý thức, có trách nhiệm, tích cực hợp tác tốt với ngành y tế để tiêm phòng vaccine đủ liều, góp phần ngăn ngừa đại dịch, nhất là khi một số địa phương trong nước đã xuất hiện biến thể mới BA.4, BA.5./.