Đê Bùi 2 "vỡ có kế hoạch": Dân cay đắng nhìn tài sản trôi theo nước lũ
VOV.VN - Toàn bộ khu kinh tế trang trại của hàng trăm hộ dân canh tác đã bị ngập trắng, tài sản, ao cá, vườn cây,...bị chìm và trôi theo nước lũ.
Đê Bùi 2 (Chương Mỹ, Hà Nội) bị vỡ một đoạn vào sáng sớm ngày 12/10 vừa qua. |
Trong khi huyện Chương Mỹ (Hà Nội) ngày 13/10 vẫn đang cố khẳng định đê sông Bùi 2 (đê bối) không vỡ, chỉ “sạt, tràn” và trong phương án tính toán, thì nhiều hộ dân xã Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến vẫn chưa hết bàng hoàng vì nước lũ dâng quá nhanh đã cuốn đi cả cơ nghiệp.
Toàn bộ 2 km đoạn đê bao sông Bùi 2 hiện vẫn đang ngập trong biển nước mênh mông, không phân biệt được đâu là đồng, đâu là đê. Nước ngập trắng đến nóc nhà, chạm gần đến ngọn hàng cây mọc ven đê.
Dân cay đắng nhìn tài sản trôi theo dòng nước...
Chỉ tay về phía cánh đồng trắng băng nước lũ mà trước đó là 2 ao cá hơn 11 ha của gia đình nằm sát ngay cạnh đoạn đê bị vỡ, ông Nguyễn Văn Đề (thôn Yên Trình, xã Hoàng Văn Thụ) cho biết từ chiều 11/10 khi nước dâng mấp mé mặt đê khoảng 10 - 15 cm, gia đình ông đã chắn lưới để bảo vệ ao cá.
Trong khi những người dân khu kinh tế trang trại, chính quyền xã Hoàng Văn Thụ đều khẳng định đê Bùi 2 bị vỡ một đoạn hơn 10m thì huyện Chương Mỹ khăng khăng cho rằng nó chỉ bị sạt, trượt? |
Rạng sáng 12/10, khi thấy nước bên ngoài đê đang lên cao, mấp mé mặt đê, sau đó ông nghe thấy tiếng “ục, ục” rất lớn, ông đoán ngay đê đã vỡ gần đâu đó, nhưng lúc đó chưa sáng rõ, sau 30 phút thì nước ngoài đê rút dần.
“Nước tràn vào quá nhanh, nước trong đồng dâng cao bằng nước ngoài mặt đê, ngập lút 2 ao cá ngót 8 tấn, cá trôi ra sông hết. Mất trắng, riêng tiền cá thiệt hại gần 200 triệu đồng, chưa kể gà, vịt, lợn bị trôi mất”, ông Đề nói.
Người dân thôn Yên Trình bàng hoàng đi thu gom những gì còn sót lại sau khi đê Bùi 2 bị vỡ, toàn bộ tài sản trôi theo dòng nước. |
Còn anh Bạch Văn Mỹ, thôn Yên Trình, xã Hoàng Văn Thụ có trang trại lợn hơn 200 con và 3.000 con gà cách mặt đê Bùi 2 gần 200 m vẫn chưa hết thẫn thờ, bàng hoàng về đêm chạy lũ kinh hoàng này. Là một trong những người biết thông tin vỡ đê đầu tiên, nhưng anh Mỹ vẫn không cứu kịp đàn lợn, gà vì nước dâng quá nhanh. Buổi tối nước đang mấp mé mắt cá chân thì đến rạng sáng, khi đê vỡ, nước tràn băng băng vào ngập đến rốn, rồi đến cổ.
“Không ai báo trước được trận mưa bình thường mà mưa ngập lớn đến như thế này, mất hết tài sản sau một đêm các anh ạ”, anh Bạch Văn Mỹ vẫn không tin tài sản vay mượn và công lao bấy lâu nay vợ chồng vất vả sớm khuya đã mất trắng trong dòng nước.
Cùng với đó, trang trại của gia đình chị Bạch Thị Thêu, ông Ngô Văn Bình, chị Trịnh Thị Bình...cũng ở thôn Yên Trình bị mất trắng hàng chục hecta nuôi thả cá, cùng hàng ngàn con gà, vịt tứ tán theo dòng nước lũ.
Chị Bạch Thị Thêu bàng hoàng kể lại cho phóng viên VOV nghe phút giây thấy nước tràn vào khu trang trại, gia đình chị phải bỏ tất cả lại chạy thoát thân, sáng nhìn tài sản nổi theo dòng nước. |
Vịt nhà tôi gần nghìn con đang đẻ, nước lên chỉ kịp chạy người, còn gà với vịt thì nổi theo dòng nước hết. Gà chết, còn vịt thì biết bơi nhưng dạt mỗi nơi vài con, không thể nào tìm được”, ông Bình cho hay.
Toàn bộ khu kinh tế trang trại của 3 xã Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ và Nam Phương Tiến với hàng trăm hộ dân canh tác, với diện tích khoảng trên 300 héc ta đã bị ngập trắng, ao cá, vườn cây, hoa màu bị chìm trong nước. Chỉ sau một đêm người dân khu kinh tế này trở nên trắng tay.
Nguyễn Văn Đề (thôn Yên Trình, xã Hoàng Văn Thụ) nhìn tài sản hàng trăm triệu phút chốc trôi theo dòng nước lũ. |
“Con đê năm nay mới vừa làm xong, dân chúng tôi hy vọng sẽ chắn lũ cho khu kinh tế mới này. Không ngờ nó bị vỡ, ngập nặng như thế!”, anh Nguyễn Đăng Khoa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ cho biết.
Xã khẳng định đê Bùi 2 bị vỡ
Liên quan đến sự cố vỡ đê, chiều 13/10, phóng viên VOV.VN tiếp tục quay lại hiện trường đoạn đê Bùi 2 bị nước làm vỡ. Lúc này, đoạn đê dài gần 2km từ xã Hoàng Văn Thụ đi Tân Tiến đã không phân biệt được đâu là đường, đâu là ruộng, nước ngập sâu, có chỗ khoảng 50cm.
Ông Lê Trung Hà - Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ khẳng định, sự cố vỡ tuyến đê Bùi 2 xảy ra vào khoảng 6h15’ ngày 12/10. |
Hiện trường đoạn đê Bùi 2 bị vỡ nằm ở khoảng giữa của con đê nối 2 xã nói trên. Lúc này, tại 2 đầu đoạn đê bị vỡ lực lượng chức năng đã dùng cọc gỗ, đá gia cố 2 đầu điểm vỡ để nước không có khả năng làm vỡ to hơn. Hàng trăm mét khối đá hộc cùng 1 máy xúc được điều đến. Nhưng có lẽ do nước ngập sâu nên tạm thời chưa khắc phục được.
Tại UBND xã Hoàng Văn Thụ, ông Lê Trung Hà - Chủ tịch UBND xã khẳng định, sự cố vỡ tuyến đê Bùi 2 xảy ra vào khoảng 6h15’ ngày 12/10. Tuyến đê Bùi 2 vỡ khoảng 15m. Sự cố vỡ đê khiến trên 200 nhà dân bị ngập và ảnh hưởng.
"Trong đêm 11/10, chúng tôi đã di chuyển 900 nhân khẩu trong đó có 129 cụ già và 328 trẻ em ở các vị trí vùng thấp, nguy hiểm bị ảnh hưởng lên vùng cao an toàn", ông Hà cho hay.
Theo ông Hà, đoạn đê Bùi 2 bị vỡ khiến 8 thôn trong xã bị chìm trong biển nước, trong đó các thôn: Văn Sơn, Yên Trình, Thuận Hương bị ngập sâu. Thống kê tạm thời, thiệt hại vào khoảng 40ha hoa màu, 50ha thủy sản, 28 ha lúa, may mắn chưa có thiệt hại về người.
"Từ hôm qua đến nay, chúng tôi đã huy động 500 người tham gia hộ đê và giúp đỡ bà con ở các vị trí nguy hiểm lên vùng cao. Hiện tại đã tạm thời xử lý để khỏi sạt lở thêm", ông Hà cho biết thêm.
Huyện cho rằng “nếu nói vỡ đê thì nghiêm trọng quá”...
Chiều 13/10, ông Trần Ngọc Thông, Chánh văn phòng UBND huyện Chương Mỹ, nhiều lần khẳng định trong tất cả nội dung báo cáo TP và các sở ngành, thông tin chính thức của UBND huyện là đoạn đê bao bị sạt, tràn, không phải vỡ.
Lực lượng chức năng đóng cọc gia cố lại đoạn đê Bùi 2 để không bị vỡ tiếp chiều 12/10. |
“Nếu nói vỡ đê là cả vấn đề nghiêm trọng. Không phải vỡ đê”, ông Thông nói và khẳng định: Nước chảy tràn qua đê nằm trong phương án đã được tính toán, nước lũ dâng cao 7,14 m nên phải để cho tràn giảm áp lực nước cho đê chính. Đây là vị trí xung yếu, trong quá trình nước lũ dâng cao tạo ra các dòng chảy, xoáy và xói tác động đến mặt bê tông, làm đê mất chịu lực và gãy gần 15 m. Nếu nói đê thủng thì nước đang chảy qua khoảng thủng này, nhưng đến thời điểm này đã đổ đá hộc và cắm cọc cừ ngăn nước.
Khi PV cho biết đã ngồi trên thuyền đi qua đoạn đê vỡ, ngoại trừ một phần nhỏ khoảng 3 - 4 m được đổ đá hộc và hơn 2 m cắm cọc cừ, đoạn đê còn lại khi cắm sào xuống vẫn sâu 6 m, vậy đê có bị thủng không, đó là vỡ đê, thủng đê hay sạt trượt? Ông Thông vẫn bảo lưu quan điểm đê bị bục ra, có dòng chảy qua và quan điểm là để nước tự chảy.
Dù có bị vỡ đê Bùi 2 hay là sạt lở thì tài sản của hàng trăm hộ dân khu kinh tế trang trại xã Hoàng Văn Thụ đã bị trôi theo dòng nước. |
Có điều lạ là cả xã, huyện luôn khẳng định rằng tuyến đê mới được làm xong khoảng 3 tháng nay, chất lượng đảm bảo, đã được nghiệm thu. Trong đó có UBND xã Hoàng Văn Thụ, Ban QLDA huyện Chương Mỹ giám sát và ký nghiệm thu công trình. Nhưng khi phóng viên nhiều lần đặt câu hỏi, đơn vị nào thi công tuyến đê này thì cả xã, huyện đều nói không biết công ty nào thi công? “Cái này là do TP làm chủ đầu tư, phải về hỏi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội mà hỏi”?!
Việc đê Bùi 2 bị vỡ một đoạn có lẽ cả người làm chuyên môn hay người dân đều biết và cho rằng đê bị vỡ. Nhưng chính quyền huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội cứ khăng khăng cho rằng “đê chỉ bị sạt trượt, mất chân đê gây sập, thủng chứ không phải vỡ”. Khái niệm “vỡ đê” và “sạt lở đê” đang bị đánh tráo ngay giữa thanh thiên bạch nhật.
Nói như những người dân bị mất tài sản do nước tràn vào trong khu kinh tế trang trại các xã Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến là, sự việc đã đến nước này rồi, dân người ta không yêu cầu khắc phục, giải quyết vấn đề gì, thôi đã ngập rồi thì cứ để tự người dân lo. Nhưng chính quyền nên đối mặt và nhìn thẳng vào sự thật, không nên nói dối./.
Đê “vỡ có kế hoạch”
Tại buổi thông tin về công tác ứng phó với mưa lũ chiều 13/10, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai TP. Hà Nội, cho hay đê hữu Bùi đắp cao đến cao trình dương 6,5 m, khi mực nước sông Bùi vượt báo động 3 thì tràn đê.
Đêm 11, rạng sáng 12/10, đê tràn khoảng 1 km. Khoảng 6 giờ ngày 12/10, 2 đốt bê tông tại đường gia cố cho dân đi có sạt ở phần chân, với áp lực nước cuốn trôi cả 2 đoạn bê tông dài khoảng 10 m.
Trong quá trình tràn, điểm tiếp giáp 2 xã Tân Tiến và Hoàng Văn Thụ đã xói ở phần chân tràn, đẩy nhanh quá trình chảy nước vào trong phần tràn. “Chúng ta đã chủ động đưa nước vào để đảm bảo an toàn đê tả Bùi, trong quá trình tràn một điểm đê bị mất chân, phá luôn cả điểm đó tràn vào vùng chứa lũ. Dân nhìn vào tưởng là vỡ nhưng thực tế là tràn, chúng tôi nói đó là vỡ có kế hoạch”, ông Thịnh khẳng định.
Hình ảnh biển nước sau vỡ đê Bùi 2 ở Chương Mỹ - Hà Nội
Phó Chủ tịch xã: Đê Bùi 2 ở Hà Nội vỡ khoảng 15m
Hà Nội: Vỡ tuyến đê Bùi 2 ở Chương Mỹ, nhà chìm trong nước
Vỡ đê Bùi 2 ở Chương Mỹ, Hà Nội: Cận cảnh 8 thôn chìm trong biển nước