Để học sinh vùng cao không còn gian nan tìm “sóng”

VOV.VN - Bên cạnh việc huy động nguồn lực để các em có đủ máy tính hay điện thoại thông minh, việc bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để có sóng 3G phục vụ cho nhu cầu học tập cũng là mối quan tâm hàng đầu.    

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” đang bước đầu được các địa phương miền núi triển khai, nhằm sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, buộc học sinh phải học theo hình thức trực tuyến.

Với các tỉnh vùng cao, bên cạnh việc huy động nguồn lực để các em có đủ máy tính hay điện thoại thông minh, việc bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để có sóng 3G phục vụ cho nhu cầu học tập cũng là mối quan tâm hàng đầu.

Năm 2020, các em học sinh tại Cao Bằng đã có dịp trải nghiệm việc học tập qua chương trình truyền hình và online qua chiếc điện thoại thông minh. Vậy nhưng, ở tỉnh biên giới còn đầy khó khăn này, không phải học sinh nào cũng đủ điều kiện để theo các lớp học như thế.

Chị Nông Thùy Dương, một phụ huynh học sinh tại huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng cho biết, sóng điện thoại, 3G ở nhiều xóm vùng cao không ổn định, nhất là khu vực gần biên giới, hay thung lũng sâu. “Sóng điện thoại lúc được lúc không, thậm chí là một số vùng điện lưới còn chưa có để chạy tivi hay sạc máy tính... Rất mong những điều khó khăn này sẽ được khắc phục trước, có như thế việc học trực tuyến của các em học sinh mới hiệu quả”, chị Dương mong muốn.

Sóng 3G, 4G không phủ khắp nên khi phải giãn cách do dịch bệnh, các thầy cô giáo chủ yếu cho ôn tập bài cũ, còn với các em tại các thôn bản vùng cao thì cũng chỉ dành thời gian nghỉ để phụ giúp bố mẹ công việc đi nương, làm ruộng.

Cao Bằng hiện còn khá nhiều thôn, bản chưa sử dụng được sóng 3G do địa hình rộng lại chia cắt bởi núi cao. Mặt khác nhiều khu vực vùng sâu, vùng cao vẫn chưa có điện lưới như tại các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc đều có nhiều xã tỉ lệ số hộ được sử dụng điện lưới chưa tới 50%.

Ông Hoàng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Cao Bằng cho biết, tỉnh Cao Bằng sẽ triển khai công tác chuẩn bị cho giai đoạn 2 của chương trình, hướng tới mục tiêu đó là 100% số giáo viên và học sinh, sinh viên diện hộ nghèo, cận nghèo, diện gia đình khó khăn đều có thiết bị, công cụ học trực tuyến.

“Sở TT&TT cũng đang thống kê lại toàn bộ việc phủ sóng 4G đến các thôn bản. Các doanh nghiệp hiện đang rà soát, thống kê. Sau khi có kết quả, Sở TT&TT sẽ có hướng dẫn, chỉ đạo để làm sao phủ sóng 4G đến cơ bản tất cả các thôn bản", ông Sơn cho biết.

Còn tại Bắc Kạn, năm 2020, nhiều em học sinh tại huyện vùng Pác Nặm cũng đã phải làm lán ra lưng đồi để “bắt" 3G. Thiếu điện thoại, từ 4-5 em học sinh có thể dùng chung 1 chiếc, nhưng thiếu sóng thì bài giảng cũng đành bỏ dở. Biện pháp hiệu quả nhất của cả Bắc Kạn và Cao Bằng khi đó vẫn là các thầy cô trèo đèo, lội suối đến từng nhà để giao và hướng dẫn làm bài tập. 

Ông Lô Quang Tuyến, Phó Giám đốc Sở TT&TT Bắc Kạn cho biết, hiện 96% thôn, bản của Bắc Kạn đã có sóng 2G nhưng chỉ khoảng 90% số thôn bản có thể bắt được sóng 3G. Do đó, trước khi triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” địa phương đã yêu cầu ngành viễn thông rà soát hạ tầng kỹ thuật và thống kê khu vực phủ sóng 3G và 4G trên địa bàn.

 "Chúng tôi đang chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục rà soát, làm sao nâng cấp toàn bộ sóng 2G các thôn trên địa bàn toàn tỉnh, nâng cấp lên phát sóng 3G để đáp ứng nhu cầu sóng của người dân. Đồng thời cũng sẽ đáp ứng được quy hoạch về lĩnh vực viễn thông của Bộ TT&TT về việc đến hết 2021 sẽ tắt sóng 2G và cung cấp toàn bộ dịch vụ từ 3G trở lên cho nhân dân trên địa bàn tỉnh", ông Tuyến khẳng định.

Các tỉnh cũng đang triển khai rà soát đối tượng học sinh, sinh viên trong diện cần hỗ trợ theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Dự kiến sơ bộ, tỉnh Bắc Kạn cần huy động khoảng 17.000 chiếc máy tính hoặc thiết bị di động, còn tại Cao Bằng có thể phải lên đến hơn 50.000 chiếc.

Tuy nhiên, các địa phương cũng xác định rõ, để những thiết bị này có thể phục vụ học tập, hạ tầng viễn thông bắt buộc phải đi trước một bước. Có như vậy, các em mới không còn gian nan “bắt sóng” qua đó, chương trình "Sóng và máy tính cho em" mới phát huy hiệu quả một cách thiết thực./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Sóng và máy tính cho em” giúp học sinh hoàn cảnh khó khăn trong học tập
“Sóng và máy tính cho em” giúp học sinh hoàn cảnh khó khăn trong học tập

VOV.VN - Các trường học tại TP. Đà Nẵng đang hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em”, hỗ trợ kịp thời cho những học sinh hoàn cảnh khó khăn. TP hướng tới mục tiêu, học sinh nào cũng có thiết bị học tập trực tuyến khi chưa thể đến trường do dịch bệnh.

“Sóng và máy tính cho em” giúp học sinh hoàn cảnh khó khăn trong học tập

“Sóng và máy tính cho em” giúp học sinh hoàn cảnh khó khăn trong học tập

VOV.VN - Các trường học tại TP. Đà Nẵng đang hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em”, hỗ trợ kịp thời cho những học sinh hoàn cảnh khó khăn. TP hướng tới mục tiêu, học sinh nào cũng có thiết bị học tập trực tuyến khi chưa thể đến trường do dịch bệnh.

Sóng và máy tính cho em - Ước mơ của học sinh nghèo xứ Lạng
Sóng và máy tính cho em - Ước mơ của học sinh nghèo xứ Lạng

VOV.VN - Chương trình “Sóng và máy tính cho em” là cơ hội và động lực giúp ngành giáo dục tỉnh Lạng Sơn nâng cao chất lượng dạy - học, học sinh nghèo có điều kiện tiếp cận công nghệ mới.

Sóng và máy tính cho em - Ước mơ của học sinh nghèo xứ Lạng

Sóng và máy tính cho em - Ước mơ của học sinh nghèo xứ Lạng

VOV.VN - Chương trình “Sóng và máy tính cho em” là cơ hội và động lực giúp ngành giáo dục tỉnh Lạng Sơn nâng cao chất lượng dạy - học, học sinh nghèo có điều kiện tiếp cận công nghệ mới.

“Sóng và máy tính cho em”: Chắp cánh ước mơ học trò nghèo Tây Bắc
“Sóng và máy tính cho em”: Chắp cánh ước mơ học trò nghèo Tây Bắc

VOV.VN - Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, đã có rất nhiều địa phương, tổ chức, đơn vị, cá nhân tiên phong hưởng ứng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước thế hệ tương lai của đất nước.

“Sóng và máy tính cho em”: Chắp cánh ước mơ học trò nghèo Tây Bắc

“Sóng và máy tính cho em”: Chắp cánh ước mơ học trò nghèo Tây Bắc

VOV.VN - Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, đã có rất nhiều địa phương, tổ chức, đơn vị, cá nhân tiên phong hưởng ứng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước thế hệ tương lai của đất nước.