Nga điều vũ khí hạt nhân tới Belarus để ngăn chặn từ xa nguy cơ "thất bại chiến lược"
VOV.VN - Tổng thống Nga Putin vừa cảnh báo phương Tây bằng việc thông báo vào hôm 16/6 rằng lô vũ khí hạt nhân chiến thuật đầu tiên của Nga đã được bố trí tại Belarus nhằm ngăn ngừa nguy cơ một "thất bại chiến lược" ở Ukraine.
Vũ khí hạt nhân Nga đã hiện diện ở Belarus sát Ukraine
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg vào hôm 16/6, ông Putin nói rằng các đầu đạn nói trên sẽ chỉ được sử dụng nếu lãnh thổ Nga bị đe dọa. Ông lặp lại lời đe dọa mà ông thường nhắc tới kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.
Vào tháng 3/2023, ông Putin lần đầu nói rằng Nga có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật sang Belarus. Nga từng sử dụng lãnh thổ Belarus làm bàn đạp tấn công Ukraine cách đây hơn một năm.
Đây là lần đầu tiên Moscow đưa vũ khí hạt nhân ra khỏi Nga kể từ khi Liên Xô tan rã.
Tuần này, ông Putin cho biết, việc chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Belarus sẽ hoàn thành vào cuối mùa hè này hoặc cuối năm 2023.
Ông Putin nói: "Các đầu đạn hạt nhân đầu tiên đã được gửi tới lãnh thổ Belarus. Nhưng mới chỉ là lô đầu tiên. Chúng tôi sẽ hoàn thành công việc này vào cuối mùa hè hoặc cuối năm 2023".
Hạt nhân chiến thuật nhưng mạnh gấp 3 lần bom nguyên tử thả xuống Nhật Bản
Trước đó, theo Reuters vào hôm 13/6, Tổng thống Belarus Lukashenko nói rằng nước ông đang bắt đầu tiếp nhận các đầu đạn của Nga, trong đó có những đầu đạn có sức công phá mạnh gấp 3 lần bom nguyên tử Mỹ thả xuống Nhật Bản vào năm 1945.
Tổng thống Belarus nói kho vũ khí hạt nhân tại nước này bao gồm cả "tên lửa lẫn bom".
Triển vọng hợp tác hạt nhân giữa Moscow và Minsk xuất hiện lần đầu vào tháng 6/2022 khi Tổng thống Putin công bố chuyển giao cho Belarus các tên lửa Iskander-M có khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Khi đó, ông Putin đã nhắc đến khả năng một số máy bay cường kích Su-25 Frogfoot của Belarus có thể được nâng cấp để mang các vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Belarus từng kế thừa một số vũ khí hạt nhân chiến thuật và tên lửa đạn đạo cơ động trên bộ khi Liên Xô sụp đổ nhưng sau đó đã giao trả số vũ khí này cho Nga.
Ý đồ của Tổng thống Putin
Tổng thống Putin liên hệ động thái Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus với việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở nhiều nước châu Âu khác nhau trong các năm vừa qua.
Theo BBC và Reuters, ông Putin cho biết động thái leo thang mới là nhằm ưu tiên "kiềm chế" và gửi thông điệp tới bất cứ nước nào "nghĩ tới việc gây thất bại chiến lược" cho Nga.
Cảnh báo của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh NATO cam kết cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine.
Ông Putin tuyên bố: "Đây chính xác là một yếu tố răn đe để tất cả những ai nghĩ về việc gây thất bại chiến lược cho chúng ta sẽ không lãng quên hoàn cảnh này".
Reuters dẫn lời ông Putin cho biết không còn nữa các cuộc đàm phán về cắt giảm kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Nga (lớn nhất thế giới hiện nay).
Khi được hỏi về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, ông Putin nói rằng Nga không đe dọa toàn thể thế giới nhưng nếu nhà nước Nga gặp nguy hiểm thì "việc sử dụng các biện pháp cực đoan là điều có thể".
>> Xem thêm: Phương Tây đau đầu phân tích ý đồ của Nga về sử dụng vũ khí hạt nhân
Phản ứng của phương Tây
Các quan chức Mỹ và phương Tây nhanh chóng lên tiếng về lời cảnh báo của ông Putin. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu vào hôm 16/6 rằng không có chỉ dấu cho thấy Nga đang chuẩn bị để thực sự sử dụng vũ khí hạt nhân. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng khối quân sự này có chứng kiến một số sự chuẩn bị từ phía Nga nhưng không thấy sự thay đổi đáng kể nào trong "trạng thái hạt nhân của Nga".
Phó Thư ký Báo chí Nhà Trắng Olivia Dalton nói với phóng viên vào hôm 16/6 rằng các tuyên bố trên là thiếu trách nhiệm.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken thì nói như sau tại một cuộc họp báo với Ngoại trưởng Singapore: "Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát sao, cẩn trọng tình hình... Tổng thống Biden tuần này nhắc lại rằng chúng tôi vẫn cam kết bảo vệ NATO, từng mét đất của khối này. Đó là kim chỉ nam của chúng tôi và chúng tôi tập trung vào điều đó"./.