Để nông thôn mới ở vùng cao không chỉ là danh hiệu: Đua tiêu chí hay bệnh thành tích?

VOV.VN - Học sinh thiếu ăn, cô giáo cắm bản bị cắt phụ cấp và người dân có nguy cơ tái nghèo. Đây cũng đang là câu chuyện chung của nhiều thôn, xã vùng cao sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, ra khỏi diện “Đặc biệt khó khăn".

 

Trong phần trước của loạt bài “Để nông thôn mới ở vùng cao không chỉ là danh hiệu” phản ánh những câu chuyện thực tế khi về đích Nông thôn mới ở xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Đó là việc học sinh thiếu ăn, cô giáo cắm bản bị cắt phụ cấp và người dân có nguy cơ tái nghèo. Thực tế, đây cũng đang là câu chuyện chung của nhiều thôn, xã vùng cao sau khi ra khỏi diện “Đặc biệt khó khăn". Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề này? Liệu có dấu hiệu bệnh thành tích, chạy đua để đạt tiêu chí công nhận nông thôn mới hay không?

Từ câu chuyện tại xã điểm Nông thôn mới Huy Giáp, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, chính quyền địa phương thẳng thắn thừa nhận: Thời điểm đánh giá các tiêu chí để về đích NTM và cả thời điểm này, Huy Giáp không thể đạt chuẩn Nông thôn mới, nhất là với các tiêu chí “cứng” như thu nhập, lao động việc làm, tỷ lệ hộ nghèo và hạ tầng kỹ thuật. Nhưng do nóng vội, có phần chạy đua thành tích khiến địa phương này nếm “vị đắng” ngay khi các chính sách hỗ trợ của nhà nước dành cho xã vùng III không còn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng thừa nhận: “Nhiều tiêu chí của Huy Giáp đã đạt rồi, nhưng thực chất vẫn là nợ thôi. Tôi cho rằng đó cũng là bài học về vấn đề bệnh thành tích và một phần cũng do áp lực giao chỉ tiêu từ trên xuống".

Không chỉ ở Huy Giáp, năm 2020, từ một địa phương vùng III, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn cũng “cán đích” Nông thôn mới. Đến nay, mức thu nhập bình quân của xã chưa đến 40 triệu đồng/người/năm và tỉ lệ hộ nghèo lên đến gần 17%. Lãnh đạo xã Khang Ninh đã thẳng thắn thừa nhận nhiều tiêu chí con “non” thậm chí chưa đạt khi địa phương về đích Nông thôn mới. 2 năm qua, Khang Ninh hứng chịu dịch tả lợn châu phi, hạn hán và mưa giông gây thiệt hại hoa màu dẫn đến nhiều hộ rơi vào khó khăn, mất nguồn thu nhập. Đặc biệt, ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, Khang Ninh vẫn có đến 6/15 bản thuộc diện “Đặc biệt khó khăn”, trong đó riêng bản Đồn Đèn có 100% số hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo. Thực tế là vậy, nhưng xã Khang Ninh vẫn được huyện Ba Bể giao nhiệm vụ về đích Nông thôn mới nâng cao. Ông Dương Xuân Giao, Phó Chủ tịch UBND xã Khang Ninh cho biết, trong 2 năm qua dù địa phương có nhiều nỗ lực nhưng cũng chỉ đạt 3/19 tiêu chí theo chuẩn mới.

“Xây dựng NTM nâng cao với xã Khang Ninh gặp nhiều khó khăn, khó khăn nhất là tiêu chí hộ nghèo và thu nhập. Tiêu chí thu nhập ở đây chưa có tính bền vững. Mục tiêu phấn đấu 1-2 năm mà không đạt thì mong các cấp nên xem xét có hướng cho xã như thế nào đấy, chứ cứ theo đuổi mục tiêu mãi không đạt được thì cũng rất áp lực cho chính quyền địa phương”, ông Giao cho hay.

Câu chuyện không có nền tảng vững chắc trong việc phát triển kinh tế - xã hội để rồi nhận “trái đắng” khi về đích Nông thôn mới còn diễn ra ở nhiều địa phương khác nơi vùng cao. Xã biên giới Thị Hoa, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng cũng là một minh chứng điển hình. Trước đây, nguồn thu nhập của người dân Thị Hoa dựa vào cửa khẩu bằng việc tham gia dịch vụ thương mại, bốc vác hàng hóa. Tuy nhiên, khi xã công bố đạt Nông thôn mới cũng là lúc dịch COVID-19 bùng phát khiến việc thông thương ngưng trệ. 

Xã Thị Hoa trở lại đúng bản chất của một xã thuần nông, người dân quay về với cây lúa, cây ngô…đã khiến tiêu chí thu nhập của xã không đạt. Tại  xã biên giới này, nhiều ngôi nhà 2-3 tầng đã hoàn thiện phần thô, thậm chí đã đưa vào sử dụng nhưng nhiều năm qua không thể hoàn thiện do thiếu vốn, nhiều gia đình phải gánh thêm những khoản nợ.

“Không thông biên giới bà con cũng ảnh hưởng rất nhiều. Xã về đích NTM cắt các chế độ đi,bà con gặp khó khăn nên phản ánh rất nhiều. Một số đủ tiền làm nhà xong phần thô, một số người vay mượn cả ngân hàng làm để hy vọng đi bốc vác hàng hóa sẽ trả, nhưng giờ hàng hóa không đi được bà con cũng khó khăn...", anh Nông Văn Phúc, Trưởng xóm Cốc Nhan, xã Thị Hoa nói.

Ông Hoàng Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Thị Hoa cho biết: Dù đã về đích nông thôn mới, nhưng Thị Hoa vẫn có tới 5/9 xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn. Hiện theo các tiêu chí nâng cao thì xã đã mất đi 7 tiêu chí, trong đó có những tiêu chí quan trọng như thu nhập, lao động việc làm và đặc biệt tỉ lệ hộ nghèo của xã lên đến 42%.

“Chúng tôi cũng không lường trước là khi về NTM sẽ mất cái gì, khi Quyết định 861 ra chúng tôi cũng khá bất ngờ. Kiến nghị của xã đó là xã sẽ tiếp tục xây dựng nông thôn mới, nhưng cần có cơ chế đặc thù cho xã vùng cao, biên giới, nhất là khu vực biên giới, đó là dù về đích Nông thôn mới nhưng sẽ động viên, cho người dân hưởng lợi như xã chưa đạt”, ông Chiến cho biết thêm.

Từ các xã Huy Giáp, Thị Hoa (tỉnh Cao Bằng) đến Khang Ninh (tỉnh Bắc Kạn) và một số địa phương khác ở vùng cao cho thấy, nhiều xã đã về đích NTM nhưng chưa có nền tảng kinh tế bền vững, điển hình là có nơi vẫn còn đến gần nửa số thôn, bản diện đặc biệt khó khăn. Đáng nói, cả người dân đến chính quyền đều không lường được hết những khó khăn khi cán đích Nông thôn mới. Nhiều địa phương “chạy đua” đăng ký về đích để được nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật mà thiếu quan tâm đến phát triển sinh kế cho người dân, thậm chí chấp nhận “nợ” tiêu chí để đạt chuẩn.

Bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn bày tỏ: “Quyết 861 là một chính sách rất đúng đắn, chẳng qua chúng ta thực hiện như thế nào. Cách chúng ta thực hiện, cách tuyên truyền cũng có chỗ chưa bài bản. Do vậy, nhiều xã về đích Nông thôn mới thường vẫn nợ tiêu chí, nhất là về tiêu chí thu nhập. Thường thôn vùng cao số nhân khẩu ít trong khi vùng thấp thường nhiều hơn, nên khi cộng lại chia trung bình thì tiêu chí thu nhập đạt. Nên khi về đích NTM, các chính sách không còn được hưởng đã ảnh hưởng trực tiếp đến bà con dân tộc vùng cao".

Theo các quyết định 861 và 612, cả nước có có 406 xã và 6.954 thôn ra khỏi khu vực III, đặc biệt khó khăn, không còn thuộc diện ưu tiên đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Đây phần lớn là các thôn, xã đã đạt chuẩn Nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Tổng số người đang sinh sống trên địa bàn này khoảng 3,2 triệu người, trong đó có khoảng 662.000 người thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách đang được hưởng một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước; như vậy, có khoảng 2,6 triệu người (tương đương 553.000 hộ gia đình) không tiếp tục được hưởng các chính sách áp dụng cho địa bàn đặc biệt khó khăn.

Thực tế từ các địa phương, các quyết định này đã ảnh hưởng đến hàng loạt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển kinh tế cho những vùng vốn thuộc diện đặc biệt khó khăn giai đoạn trước. 

“Khi địa phương công nhận Nông thôn mới thì các chính sách liên quan đến chế độ bảo hiểm, giáo dục, y tế bị ngắt quãng nên tinh thần của người dân cũng như vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các địa phương có sự lo lắng và có sự trầm lắng trong chỉ đạo cũng như trong nhận thức, gây khó khăn trong quá trình thực hiện Nông thôn mới”, ông Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Kạn nói.

Ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho rằng: theo Quyết định 861, địa phương này tăng 22 xã khu vực I so với giai đoạn 2016 - 2020. Là tỉnh nghèo miền núi biên giới, việc cùng lúc có tới 22 xã ra khỏi khu vực II, III sau quyết định đã khiến đời sống của người dân càng trở nên khó khăn hơn.

“Các xã đã hoàn thành nông thôn mới thì một số chính sách an sinh xã hội sẽ không được thụ hưởng, dẫn đến bà con gặp khó khăn trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày, nhất là về bảo hiểm, chăm lo đời sống cho người dân thiểu số miền núi. Với các xã vùng cao, biên giới ở Cao Bằng thu nhập không bền vững, ổn định.…”, ông Hùng cho hay.

Xây dựng nông thôn mới là mục tiêu, nhiệm vụ nhưng nhiều địa phương đã vì chỉ tiêu, thành tích mà chấp nhận đi tắt, làm tắt để được công nhận đạt chuẩn, vô tình khiến nông thôn mới trở thành gánh nặng cho người dân và cán bộ cơ sở. Đây cũng sẽ là bài học cho các địa phương, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn tiếp theo, để các xã Nông thôn mới thực sự là những miền quê đáng sống.    

Có thể thấy sự chủ quan, nóng vội và đâu đó cả bệnh thành tích đã khiến nhiều xã có dấu hiệu “chạy đua” để về đích nông thôn mới, bất chấp thực tế cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn. Vậy đâu sẽ là giải pháp tháo gỡ vấn đề này để quyền lợi của hàng triệu đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao được đảm bảo cũng như giúp việc thực hiện Chương trình MTQG Nông thôn mới tại các địa bàn vùng cao hiệu quả, thực chất hơn Mời quý vị tiếp tục theo dõi phần 3 của loạt bài với nhan đề: “Cần gỡ khó cho hàng nghìn thôn, xã vùng cao”.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Để nông thôn mới ở vùng cao không chỉ là danh hiệu: Vị đắng của... thoát nghèo
Để nông thôn mới ở vùng cao không chỉ là danh hiệu: Vị đắng của... thoát nghèo

VOV.VN - Hơn 3 năm sau khi các quyết định có hiệu lực, tại một số địa phương vùng cao, đời sống người dân vốn khó khăn nay càng gian nan hơn khi không được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước do đã ra khỏi diện vùng “Đặc biệt khó khăn”.

Để nông thôn mới ở vùng cao không chỉ là danh hiệu: Vị đắng của... thoát nghèo

Để nông thôn mới ở vùng cao không chỉ là danh hiệu: Vị đắng của... thoát nghèo

VOV.VN - Hơn 3 năm sau khi các quyết định có hiệu lực, tại một số địa phương vùng cao, đời sống người dân vốn khó khăn nay càng gian nan hơn khi không được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước do đã ra khỏi diện vùng “Đặc biệt khó khăn”.

Xuân Lộc - từ "cánh cửa thép" đến huyện nông thôn mới nâng cao
Xuân Lộc - từ "cánh cửa thép" đến huyện nông thôn mới nâng cao

VOV.VN - Xuân Lộc là vùng đất anh hùng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Hoà bình lập lại, vùng đất này tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng vào trong lao động, sản xuất, xây dựng làm giàu đẹp quê hương.

Xuân Lộc - từ "cánh cửa thép" đến huyện nông thôn mới nâng cao

Xuân Lộc - từ "cánh cửa thép" đến huyện nông thôn mới nâng cao

VOV.VN - Xuân Lộc là vùng đất anh hùng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Hoà bình lập lại, vùng đất này tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng vào trong lao động, sản xuất, xây dựng làm giàu đẹp quê hương.

Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh là hành trình không có điểm kết thúc
Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh là hành trình không có điểm kết thúc

VOV.VN - Trước khi trở thành huyện miền núi, biên giới, dân tộc đầu tiên của cả nước đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) theo tiêu chí giai đoạn 2021 -2025, Bình Liêu là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh với 96% dân tộc thiểu số sinh sống. Nhờ "bệ đỡ" chính quyền và ý chí, nghị lực người dân, Bình Liêu đã thoát nghèo và trở thành điểm sáng về NTM của cả nước.

Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh là hành trình không có điểm kết thúc

Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh là hành trình không có điểm kết thúc

VOV.VN - Trước khi trở thành huyện miền núi, biên giới, dân tộc đầu tiên của cả nước đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) theo tiêu chí giai đoạn 2021 -2025, Bình Liêu là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh với 96% dân tộc thiểu số sinh sống. Nhờ "bệ đỡ" chính quyền và ý chí, nghị lực người dân, Bình Liêu đã thoát nghèo và trở thành điểm sáng về NTM của cả nước.