Để thầy thuốc gắn bó với y tế vùng cao

VOV.VN - Tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc đang diễn ra khá phổ biến ở hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước, từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo xa xôi. Tuy nhiên, trong khó khăn chung ấy vẫn còn những y, bác sĩ tâm huyết với nghề. Làm gì để giữ chân thầy thuốc vùng cao là nội dung bài viết “Để thầy thuốc gắn bó với y tế vùng cao”.

Những tháng cuối năm, trời rét lạnh, cầu sông Vầu nối 2 xã Ba-Tư của huyện Đông Giang nguy cơ bị sập gãy phải rào đóng; con đường tạm vừa đắp xong cũng bị nước lũ cuốn trôi. Không có đường, hơn 1 tháng nay, các y, bác sĩ Trạm Y tế xã Ba phải lội suối đi làm. Khó nhất vẫn là việc vận chuyển, cấp cứu bệnh nhân trong mùa mưa bão. Y sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Trạm Y tế xã Ba không quên cảnh nửa đêm, trời mưa như trút, nước suối dâng cao, chảy xiết, nhân viên y tế đi trước rọi đèn để du kích xã cõng người băng suối đi cấp cứu. Vất vả, hiểm nguy nhưng cứ nghĩ đến việc cứu người là các chị lại quên hết những gian truân thường ngày.

“Cầu gãy nên chúng tôi phải lội suối đi làm, những lúc nước lớn, chảy xiết nguy cơ có thể bị nước trôi rất lớn, chúng tôi buộc phải leo hoặc chui qua cầu. Đường sá không lưu thông, bệnh nhân tới trạm cấp cứu chậm, tính mạng của bệnh nhân nguy hiểm hơn rất nhiều”, Y sĩ Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ.

Bác sĩ Phạm Thị Kim Bằng, Trưởng Trạm Y tế xã Ba cho biết, Trạm đảm nhận việc khám, chữa bệnh cho hơn 600 hộ dân thuộc 2 xã Ba và Tư của huyện Đông Giang nhưng chỉ có 6 biên chế. Đầu năm nay, 2 nhân viên xin chuyển công tác về xuôi nên Trạm chỉ còn 4 người đảm nhận tất cả các công việc từ khám, chữa bệnh đến xử trí cấp cứu, may vá vết thương, sinh đẻ... Hiện đang trong thời kỳ cao điểm sốt siêu vi và sốt xuất huyết, số ca bệnh tăng cao, có ngày lên tới hơn 40 bệnh, càng làm cho nhân viên y tế thêm quá tải.

Bác sĩ Phạm Thị Kim Bằng chia sẻ, việc các y bác sĩ phải trực xuyên ca không còn là chuyện lạ ở Trạm y tế này: “Nhân viên  Y tế mình còn lại có 4 người làm rất vất vả, trực đêm là phải trực đôi nếu không sẽ không xử lý được công việc. Trạm Y tế miền núi đường sá cách trở nên tất cả công việc mình đều phải hết. Báo cáo với lãnh đạo rồi nhưng họ nói năm vừa qua nhân viên y tế chuyển công tác cũng rất nhiều. Hiện tại, Trung tâm thiếu người rất trầm trọng. Ở trên miền núi đời sống khó khăn nên anh em làm cũng nản. Làm nhiều nhưng hưởng về chế độ ưu đãi thì không có. Mấy em làm hơn 10 năm mà lương chỉ 5 triệu đến 5.500 nên không đủ sống”.

Hầu hết nhân viên y tế ở miền núi là người đồng bằng. Không ít trong số họ nhiều năm liền phải  sống cảnh 2 quê. Trường hợp của điều dưỡng Nguyễn Thị Hương Thảo, Trung tâm Y tế huyện Đông Giang là một trong số đó. Gia đình của Thảo ở huyện Đại Lộc, do điều kiện đi lại khó khăn và áp lực công việc hằng ngày nên hơn 10 năm nay chỉ đến cuối tuần Thảo mới về thăm chồng và con trai nhỏ 1 lần. Đôi khi vào những đợt cao điểm dịch bệnh, có khi cả tháng, thậm chí vài tháng chị mới về nhà.

“Công việc ở Trung tâm Y tế huyện Đông Giang rất nhiều mà lương thì thấp, chính sách nhà nước ưu đãi còn hạn chế. Mong muốn cấp trên có sự ưu đãi đặc biệt cho các cán bộ y tế thuộc diện vùng sâu, vùng xa như chúng tôi để giữ chân nhân viên”, điều dưỡng Nguyễn Thị Hương Thảo chia sẻ.

Công việc của nhân viên y tế vốn đã khó, với y tế miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn gấp bội. Đặc biệt, sau 2 năm dịch bệnh Covid-19, ngày càng nhiều người xin chuyển công tác về xuôi, thậm chí bỏ việc khiến cho bài toán nhân lực y tế vùng cao càng thiếu hụt. Bác sĩ Lê Thị Quyết, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Giang cho biết, đơn vị vừa được bổ sung một số chỉ tiêu biên chế tuy nhiên so với thực tế thì vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

“So với biên chế giao thì đủ nhưng so với công việc thì biên chế còn ít nên lực lượng không đảm bảo. Có một chính sách nào đó ưu tiên, ưu ái cho ngành y tế để cán bộ y tế yên tâm, đặc biệt đối với những bệnh viện miền núi như thế này", Bác sĩ Lê Thị Quyết chia sẻ.

Áp lực công việc căng thẳng trong khi chế độ đãi ngộ chưa tương xứng là nguyên nhân chính khiến tình trạng nhân viên y tế bỏ việc diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương. Riêng tại tỉnh Quảng Nam, chỉ 6 tháng đầu năm nay đã có gần 50 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, số y, bác sĩ xin chuyển công tác về xuôi cũng ngày càng nhiều khiến cho công tác chăm sóc sức khỏe vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn.

Ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, ngành vừa tổ chức thi tuyển viên chức cho ngành Y tế, khắc phục tình trạng thiếu y, bác sĩ hiện nay: “Thời gian vừa rồi, ngành cũng đã tổ chức thi tuyển gần 100 bác sĩ và mấy trăm điều dưỡng, dược sĩ Đại học. Tỉnh Quảng Nam cũng đã gặp mặt động viên anh em và tùy tình hình của địa phương bố trí công việc hợp lý. Lãnh đạo các huyện miền núi cũng rất quan tâm đến việc bố trí chỗ ăn ở cho nhân việc ở xa. Ngành cũng đang trình HĐND tỉnh vấn đề hụt thu cho các bệnh viện tuyến huyện. Đặc biệt ở miền núi ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ chi trả lương cho công chức, viên chức, người lao động".

Chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam rất mong Nhà nước sớm có cơ chế, chính sách tuyển dụng, đãi ngộ thỏa đáng để giữ chân nhân viên y tế, đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ công tác ở vùng sâu, vùng xa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Theo chân bác sĩ gần 40 năm bám trụ nơi vùng cao Mù Cang Chải
Theo chân bác sĩ gần 40 năm bám trụ nơi vùng cao Mù Cang Chải

VOV.VN - Đó là những hành trình theo các lối mòn, dốc nối dốc để giành được sự tin tưởng của đồng bào người Mông tại Mù Cang Chải.

Theo chân bác sĩ gần 40 năm bám trụ nơi vùng cao Mù Cang Chải

Theo chân bác sĩ gần 40 năm bám trụ nơi vùng cao Mù Cang Chải

VOV.VN - Đó là những hành trình theo các lối mòn, dốc nối dốc để giành được sự tin tưởng của đồng bào người Mông tại Mù Cang Chải.