Để tránh “bẫy” tuyển dụng
VOV.VN -Do kinh nghiệm còn non nớt, không tìm hiểu kỹ thông tin nên không ít các bạn trẻ bị mất tiền mà vẫn không kiếm được việc làm.
Mất tiền vì những lời đường mật
Chị Thu Lan, sinh viên trường Sư phạm I (Hà Nội) chia sẻ, tháng 6 vừa qua, trong thời gian nghỉ hè rảnh rỗi, chị qua một trung tâm giới thiệu việc làm để tìm kiếm công việc gia sư. Chị được trung tâm giới thiệu cho dạy 2 em, một em năm nay lên lớp 10 và một em học lớp 6. Em học lớp 6, tuần học 2 buổi với học phí 150.000 đồng/buổi (2 tiếng); em học lớp 9 cũng tuần học hai buổi với học phí 200.000 đồng/buổi. Để được nhận lớp, mỗi học sinh chị Lan phải nộp lại nửa tháng lương đầu tiên, tức là chị Lan phải nộp cho trung tâm 1.400.000 đồng.
Các bạn trẻ nên tìm hiểu kỹ thông tin khi tìm việc để tránh mất tiền oan. (Ảnh: KT) |
“Thấy trung tâm đòi nộp tiền luôn trong khi địa chỉ dạy học còn chưa nhận được, tôi cũng ngần ngại. Tuy nhiên nhân viên trung tâm nói rằng, gia đình học sinh thuộc diện khá giả mới trả giá cho gia sư cao hơn mặt bằng chung, chị không nhận là có người khác nhận ngay. Vả lại trung tâm họ sờ sờ ra đó, có vấn đề gì thì quay lại lấy tiền chứ có mất đi đâu mà sợ”- chị Lan chia sẻ.
Nghe nhân viên tư vấn, chị Lan tặc lưỡi nộp tiền. Tuy nhiên đến địa chỉ mà trung tâm cho thì phụ huynh trả lời rằng, thông tin tìm kiếm gia sư họ đăng cách đó 3 - 4 tháng, thời điểm các cháu ôn thi cuối cấp cần người kèm cặp. Giờ thi xong rồi họ cho con nghỉ ngơi và cũng chưa có nhu cầu tìm gia sư. Chị Lan tức tốc quay lại trung tâm đòi tiền thì chủ nhà cho biết, người thuê nhà đã trả lại mặt bằng. Gọi theo số điện thoại họ cho thì máy luôn trong tình trạng thuê bao không liên lạc được.
Còn Hoài Thu, sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân cũng ngấm quả đắng khi mất tiền cho công ty bán hàng đa cấp. Hoài Thu nhớ lại, khi mới vừa chân ướt chân ráo lên Thủ đô học được mấy tháng, chị nhận được tờ rơi mời đến tham dự một hội thảo gần trường sẽ được nhận quà. Do tò mò lại đang có thời gian rảnh, chị rủ một người bạn đi cùng. Đến nơi, chị và bạn được họ phát cho quà tặng là một lọ kem dưỡng da nhỏ. Sau đó, họ mời chào chị bán hàng với lãi suất lên đến 40%. Thêm nữa chưa cần biết có bán được hàng hay không, chỉ cần chị giới thiệu người vào hệ thống là được thưởng nóng ngay 200.000 đồng.
Nghe giới thiệu hấp dẫn, chị Thu muốn gia nhập ngay nhưng bí ở nỗi họ lại yêu cầu chị phải đặt cọc tiền: tiền thẻ và lệ phí gia nhập là 180.000 đồng, tiền theo học mảng khởi nghiệp để trở thành nhà phân phối là 5,6 triệu đồng.
Khi Thu bảo không có tiền, họ chỉ tới địa chỉ cầm đồ để đặt chứng minh nhân dân và thẻ sinh viên. Theo như họ tính, chỉ một tuần sau với số lãi kiếm được là Thu đã có thể chuộc giấy tờ về. Nghe bùi tai, Thu cầm giấy tờ đi đặt. Sau khi nộp tiền cho họ, nhân viên lại tư vấn cho Thu nên nộp thêm 15 triệu đồng để mua sản phẩm ưu đãi, lợi nhuận sẽ cao hơn. Thế là Thu lấy tiền bố mẹ gửi lên cho nộp học phí và vay bạn bè mỗi người một ít để có tiền nộp.
Lãi đâu chả thấy, Thu lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Trước sự đe dọa của nhân viên hiệu cầm đồ vì không có tiền trả, lãi mẹ sinh lãi con, Thu phải cầu cứu bố mẹ. Để cứu con, bố mẹ Thu phải bán mấy con bò mới có tiền trả nợ.
Nên tìm việc làm tại các trung tâm tuyển dụng được cấp phép
Bà Đinh Thị Thu Hoài, Giám đốc Trung tâm đào tạo Kỹ năng sống Insight cảnh báo, với những bạn trẻ còn thiếu kinh nghiệm sống dễ gặp tình huống bị quỵt tiền, bị dẫn vào hoạt động phi pháp, nhẹ thì bán hàng đa cấp, nặng hơn thì vào đường dây kinh doanh buôn bán sản phẩm cấm, thậm chí các bạn nữ còn mắc vào đường dây mua bán người, mại dâm hay vướng vào mối quan hệ tình cảm phức tạp. Vì đi làm thêm, các bạn trẻ thường dễ dãi trong việc thỏa thuận dẫn đến những thiệt thòi vì không có ràng buộc đảm bảo cho quyền lợi cũng như tính mạng, hoàn toàn lép vế trong những tranh chấp.
Bà Thu Hoài cảnh báo, cái gì cũng có giá của nó nên sẽ không có việc gì đơn giản mà mức lương cao. Vì thế, các bạn trẻ phải cẩn thận với những lời mời chào hấp dẫn. Trước khi nhận việc, các bạn trẻ cần tìm hiểu kỹ về nơi đến làm việc: địa chỉ, môi trường làm việc cũng như nguy cơ của ngành nghề. Đừng vì sợ cạnh tranh trong công việc mà giấu giếm bạn bè. Nên chia sẻ với họ cũng như người thân để có những thông tin hay lời khuyên hữu ích. Việc chia sẻ thông tin còn đảm bảo an toàn cho các bạn khi có những bất thường.
Theo ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ- TBXH) năm 2019, Bộ LĐ-TBXH xác định là năm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thị trường lao động.
Vì thế, để tránh các bẫy tuyển dụng, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TBXH Hà Nội) khuyên người lao động nên đến các trung tâm tuyển dụng việc làm đã được cấp giấy phép rõ ràng. Tại các trung tâm này, người lao động sẽ được cung cấp thông tin đầy đủ và không phải mất bất kỳ khoản phí nào./.
Đầu năm, sàn giao dịch việc làm đông nhà tuyển dụng, vắng lao động
Chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng bằng chiêu lừa tuyển dụng