Đề xuất đưa trạm thu phí BOT Cai Lậy vào tuyến tránh
VOV.VN -Sau khi nghiên cứu 5 phương án mà Bộ GT-VT đưa ra, nhiều người dân và doanh nghiệp ở tỉnh Tiền Giang đề nghị di dời trạm thu phí về tuyến tránh Cai Lậy
Sau khi nghiên cứu 5 phương án mà Bộ GT-VT trình Thủ tướng Chính phủ để quyết định giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí BOT Cai Lậy, người dân và doanh nghiệp ở tỉnh Tiền Giang vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, ý kiến chung nhất vẫn là đề nghị di dời trạm thu phí về tuyến tránh Cai Lậy.
Trạm thu phí BOT khi không thu phí.
Ông Phạm Tấn Lộc, một tài xế ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho rằng, ông không đồng tình với 5 phương án mà Bộ GT-VT đưa ra. Trong đó, phương án 1: giữ trạm thu phí trên Quốc lộ 1A càng không hợp lý. Theo ông Lộc trạm thu phí đặt trên Quốc lộ 1 A vừa cản trở giao thông vừa không công bằng đối với các phương tiện không đi vào tuyến tránh:
“5 phương án về BOT Cai Lậy, tôi không đồng ý phương án nào hết. Vì BOT làm đường tránh mới thì phải vô đường tránh thu tiền. Ví dụ đường kia đông quá thì Nhà nước cấm bảng để cho xe tải nặng đi vào trong. Chứ 5 phương án đưa ra tôi chưa thấy phương án nào hợp lý”.
" Điểm nóng " trạm thu phí BOT Cai Lậy vào tháng 11 năm 2017. |
Còn ông Nguyễn Kim Tấn, chủ một doanh nghiệp có nhiều phương tiện vận tải ở Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cũng cho rằng nhà đầu tư phải di dời trạm thu phí về tuyến tránh; đồng thời đề xuất Nhà nước trích ngân sách hỗ trợ cho nhà đầu tư đảm bảo sớm thu hồi vốn.
Ông Tấn chia sẻ: “Trong các phương án tôi thấy phương án dời trạm thu phí vào đường tránh là hợp lý nhất. Nếu nhà đầu tư thu được thì kéo dài thời gian. Nhà đầu tư thu không được thì Nhà nước hỗ trợ".
Qua nghiên cứu 5 phương án của Bộ Giao thông đưa ra để trình Thủ tướng Chính phủ về trạm thu phí BOT Cai Lậy, ông Nguyễn Văn Bé Ba, Giám đốc HTX vận tải thủy bộ TP Mỹ Tho cho rằng, phía Bộ GT-VT đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để tìm ra phương án tối ưu. Tuy nhiên theo ông, cũng nên đưa trạm thu phí về tuyến tránh, sau đó hạn chế phương tiện có trọng tải lớn đi trên Quốc lộ 1A để giảm “ thất thu” cho nhà đầu tư.
Về phía chính quyền và ngành chức năng tỉnh Tiền Giang thì chưa có ý kiến về 5 phương án của Bộ Giao thông vận tải đưa ra.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trả lời với một số phóng viên báo chí rằng: Việc chọn phương án nào để xử lý BOT Cai Lậy là thuộc thẩm quyền của Chính phủ chứ UBND tỉnh không có thẩm quyền. Nói về tính khả thi nên chọn phương án xử lý nào trong các phương án mà Bộ GTVT đã đề xuất thì ông xin phép từ chối câu trả lời này.
Đêm ở trạm thu phí BOT Cai Lậy. |
Hiện nay, trạm thu phí BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đang tiếp tục xả trạm. Mỗi ngày, có hàng chục ngàn xe ô tô đi qua lại Quốc lộ 1A khu vực tỉnh Tiền Giang. Trong đó có hàng ngàn xe ô tô các loại đi rẽ vào tuyến tránh Cai Lậy để tránh ùn ứ giao thông trên Quốc lộ 1A đoạn Thị xã Cai Lậy. Giới lái xe ô tô, doanh nghiệp vận tải và người dân vùng ĐBSCL mong quyết định sáng suốt, hợp tình, hợp lý của Thủ tướng Chính phủ đối với trạm thu phí BOT Cai Lậy, trên cở sở hài hòa lợi ích, trách nhiệm giữa nhà đầu tư và khách hàng của họ khi điều khiển phương tiện qua đoạn đường này./. Trình Thủ tướng 5 phương án xử lý BOT Cai Lậy
Bộ trưởng GTVT: “Tôi không tư túi khi ký dự án BOT Cai Lậy”
Dời trạm BOT Cai Lậy vào tuyến tránh là giải pháp căn cơ