Đề xuất mất bằng lái xe phải thi lại: Bộ GTVT xin đừng xa dân hơn nữa
VOV.VN - Đề xuất “làm mất bằng lái xe phải thi lại” là một đề xuất sai, sai về cả trách nhiệm hoạch định chính sách và vấn đề tư duy chính sách.
Đề xuất của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể "làm mất bằng lái xe phải thi lại" nhằm tránh tình trạng một số trường hợp lợi dụng việc cấp lại bằng lái để xin thêm đang tạo ra cơn bão ý kiến trái chiều từ dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, khó khăn ở đây là do sự phối hợp giữa hai cơ quan quản lý nhà nước, không thể khó không làm được mà đẩy cái khó cho người dân. Hay nói thật là “tư duy chính sách đang có vấn đề”.
Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX - Ảnh minh họa. |
“Tư duy chính sách đang có vấn đề”
Ông Lê Hồng Sơn - Nguyên Cục trưởng cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp cho rằng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đang đảm nhiệm một lĩnh vực nóng, rất nhiều vấn đề nóng. Bộ trưởng đang đi tìm những giải pháp mới. Có những giải pháp rất hay, ví dụ như nếu như để lái xe sử dụng chất ma túy hoặc vi phạm kỷ luật lao động dẫn tới tai nạn giao thông thì phải quy trách nhiệm đối với chủ phương tiện để có thể xử lý.
Tuy nhiên với đề xuất “làm mất bằng lái xe phải thi lại” là một cái sai, sai về cả trách nhiệm hoạch định chính sách và vấn đề tư duy chính sách.
"Tôi phản đối chủ trương này. Trình độ của quan chức, nhất là quan chức cao cấp có thẩm quyền, trách nhiệm khi hoạch định chính sách, vấn đề tư duy chính sách, kể cả trách nhiệm phát ngôn về chính sách ở tầm cao đang có vấn đề!", ông Sơn nói.
Nhiều người cho rằng, với đề xuất “làm mất bằng lái xe phải thi lại” là một cái sai, sai về cả trách nhiệm hoạch định chính sách và vấn đề tư duy chính sách. |
Đồng thời, ông Sơn cho rằng mất giấy phép lái xe có thể do nhiều nguyên nhân, có thể là nguyên nhân khách quan hoặc nguyên nhân chủ quan, thậm chí có trường hợp bị hủy hoại tự nhiên vậy thì tại sao lại bắt người ta thi lại được. Còn có những trường hợp tuy có giấy phép lái xe nhưng lại có những vi phạm, gây tai nạn do trình độ của người có giấy phép đó không đạt chuẩn, mình phải tìm ra cách để xử lý chỗ này.
Theo ông Sơn, việc chấn chỉnh, xử lý nghiêm lực lượng đào tạo sát hạch, cung cấp bằng lái xe, chống tiêu cực, chống tham nhũng mới là điều tiên quyết. Đây là những việc cần tập trung xử lý chống tiêu cực.
Còn theo Luật sư Vũ Công Dũng, Trưởng Văn phòng luật sư Bảo Hiến cho rằng, đề xuất trên là không phù hợp với quy định hiện hành bởi theo Khoản 2 Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định, người có Giấy phép lái xe bị mất thì được cấp lại nếu không phát hiện giấy phép lái xe đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý; có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, thì được cấp lại giấy phép lái xe.
Cũng theo Luật sư Vũ Công Dũng, để hạn chế tiêu cực việc cấp lại bằng lái xe thứ hai thì phải do chính cơ quan nhà nước có thẩm quyền tìm ra cách thức khả dĩ nhất và chấm dứt việc này. Bởi trong thực tế, có hiện tượng một số người cố ý báo mất hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu giữ nhưng lại báo mất để làm thêm bằng lái xe lần hai, lần ba để thực hiện hành vi vi phạm luật giao thông.
“Theo tôi để hạn chế vấn đề này thì cơ quan chức năng cần áp dụng việc mã hóa bằng lái xe như Căn cước công dân hiện nay và lực lượng chức năng phải được cung cấp thiết bị kiểm tra việc này. Nếu phát việc giả báo mất để làm thêm bằng lái xe thì cần xử lý thật nặng và có thể tước bằng lái xe vĩnh viễn. Có thể việc thực hiện tuy khó và triển khai có tốn kém nhưng không được đổ việc khó quản đó nên người dân”, Trưởng Văn phòng luật sư Bảo Hiến nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho rằng cần áp dụng công nghệ số vào việc quản lý bằng lái xe như căn cước công dân hiện nay. Đồng thời, ông cũng cho rằng, nguyên nhân của việc một số trường hợp lợi dụng việc cấp lại bằng lái để xin cấp thêm bằng lái xe lần hai, lần ba nguyên nhân chính là do sự phối hợp không hiệu quả giữa hai cơ quan quản lý nhà nước mà ở đây là Bộ GTVT và Bộ Công an, hiện chỉ mang tính đối phó. Cơ quan Công an có thông tin về quản lý bằng lái xe nhưng lại không muốn công khai, không liên thông với Bộ GTVT để Bộ GTVT biết. Nếu có sự liên thông thì việc quản lý sẽ rất dễ dàng.
“Cách giải quyết ở đây rất đơn giản, Cục Cảnh sát giao thông sẽ phải có sự liên thông và công khai trên toàn quốc về việc tạm giữ giấy phép lái xe. Chứ không thể không phối hợp được với nhau mà đẩy cái khó cho người dân”, ông Thanh cho biết thêm.
Bộ GTVT áp dụng công nghệ 4.0 hay 0.4?
Cũng liên quan đến phát ngôn gây "dậy sóng" của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, nhiều người dân khi được hỏi đã cho rằng đề xuất của người đứng đầu Bộ GTVT là vô cùng bất hợp lý. Bằng lái và hồ sơ gốc đã có từ trước, nếu mất thì chỉ cần căn cứ theo đó để cấp lại.
Thời gian tới, Tổng cục Đường bộ sẽ triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX. |
“Nay nếu mỗi lần mất là một lần phải đi học lại thì sẽ rất mất thời gian, tiền bạc. Hơn nữa, việc lưu trữ hồ sơ gốc trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay là việc quá đơn giản, tại sao lại không thể căn cứ vào hồ sơ gốc để cấp lại cho người dân nếu bằng lái xe bị thất lạc”, anh Nam (quận Hai Bà Trưng) nói.
Có ý kiến cho rằng nhiều nước trên thế giới vẫn thực hiện việc cấp, đổi bằng, đề xuất của Bộ GTVT là đi ngược với xu thế. Nếu chỉ vì để đối phó với những người muốn gian lận, lợi dụng để xin thêm bằng thứ 2, thứ 3 mà bắt tất cả những người mất bằng lái đi thi để cấp lại thì đó là một việc quá máy móc, cứng nhắc, không cần thiết.
Bằng lái xe có thể bị mất vì nhiều nguyên nhân, trong đó có những lý do bất khả kháng như mất cắp, mất vì thiên tai, vì sơ ý làm rơi, vì hỏa hoạn…nếu ai làm mất bằng mà cũng phải đi thi lại mới được cấp bằng lái mới thì sẽ tốn biết bao nhiêu thời gian, tiền của.
Hiện nay ở Việt Nam có đến 11 loại bằng lái cấp cho người tham gia giao thông, trong đó riêng loại bằng lái xe hạng F còn chia ra 5 thành phần khác nhau, trong khi đó Bộ GTVT cũng chưa thể giải thích được liệu những tiêu cực tại các trung tâm sát hạch có thuyên giảm hay không.
Tình trạng mất an toàn giao thông phức tạp như thời gian qua có phần nguyên nhân không nhỏ từ việc cấp bằng lái cho những người không đạt yêu cầu. Câu chuyện tiêu cực trong các trung tâm đào tạo lái xe đã được nhắc rất nhiều. Đây là vấn đề mà các lãnh đạo Bộ GTVT, cụ thể là Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần phải thực hiện quyết liệt hơn.
Bộ GTVT cần thấy rõ trách nhiệm của mình để có hướng xử lý, kéo người dân gần với mình, đừng đẩy khó về dân, đẩy người dân xa bộ hơn./.