“Đến Trường Sa, bạn sẽ khóc đấy!“
VOV.VN - Đến Trường Sa, không chỉ phụ nữ mà cả những người đàn ông mạnh mẽ cũng dâng trào cảm xúc mỗi khi lên thăm đảo và chia tay những người lính nơi đây.
Chúng tôi, những người trong đoàn công tác số 9 năm 2019 ra thăm và làm việc tại Trường Sa đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi tận mắt chứng kiến những hy sinh, gian khổ của các chiến sĩ trên các đảo chìm, nhà giàn…
Đến Trường Sa, bạn sẽ khóc đấy! Câu nói của rất nhiều người đã từng đến Trường Sa nói với tôi trước lúc lên đường. Tôi tưởng, chỉ phụ nữ, những người làm mẹ mới dâng tràn cảm xúc mãnh liệt khi đến và chia tay Trường Sa. Thế nhưng, cả những người đàn ông mạnh mẽ, những người làm trong lực lượng vũ trang, an ninh, công an…cũng dâng dâng cảm xúc khi mỗi lần lên đảo thăm và chia tay các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ trên đảo Tốc Tan C. |
Đảo Tốc Tan C, một đảo chìm nhỏ nhất trong các đảo mà chúng tôi đã đến, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhiều so với các Đảo khác, nhưng tinh thần lạc quan, sẵn sàng chiến đấu luôn sẵn có ở các cán bộ, chiến sỹ. Ngồi bên các chiến sĩ trẻ măng, nhiều người trong số đó lần đầu tiên sống xa nhà, có biết bao chuyện buồn vui để nói.
Câu chuyện của chiến sĩ Võ Minh Tuấn khiến nhiều người xúc động. Anh Tuấn nhận được tin mẹ mất khi đang trên đường ra đảo Tốc Tan C nhận nhiệm vụ. Chiến sĩ Võ Minh Tuấn cho biết, khi ra đến đảo, đồng đội của anh đã tổ chức một lễ truy điệu giản dị, ấm cũng, giúp anh nguôi ngoai phần nào nỗi đau mất mát to lớn này. Đến nay, mẹ đã mất được hơn 100 ngày nhưng anh Tuấn vẫn chưa thể về thắp hương, chịu tang mẹ.
Ngay khi biết được hoàn cảnh của chiến sĩ Võ Minh Tuấn, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương Phạm Tấn Công thay mặt đoàn công tác số 9 cho biết, đảng ủy khối và các doanh nghiệp thành viên sẽ có sự chia sẻ, động viên với gia đình anh Võ Minh Tuấn.
Tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ đảo Tốc Tan C |
Như đã hứa với Chiến sỹ Đảo Tốc Tan C và Đoàn công tác, ngay sau khi kết thúc chuyến công tác tại Huyện Đảo Trường Sa, bà Phạm Thu Hiền – Phó Bí thư thường trực đảng ủy Tổng Công ty Thép Việt Nam đã thay mặt cho Đảng uỷ TCT Thép Việt Nam vào Ấp Rạch Bắp, xã An Tây, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương thăm và thắp hương cho mẹ Chiến sĩ Võ Minh Tuấn.
Bà Hiền cho biết, gia đình Tuấn hiện rất khó khăn (nhà tạm, cấp 4, chỉ có vài vật dụng sơ sài). Bố Tuấn là công nhân Công ty Cao su Dầu Tiếng, thu nhập rất thấp (khoảng 2-3 triệu đồng/tháng). Tuấn có 1 em gái nhỏ, đang học lớp 4.
Bà Phạm Thu Hiền chia sẻ: “Hy vọng những thông tin này sẽ đến được với các thành viên trong Đoàn công tác số 9 và những người yêu mến Trường Sa, để mỗi người hãy có một hành động nhỏ, chung tay giúp đỡ gia đình Tuấn vượt qua khó khăn, giúp Tuấn yên tâm làm nhiệm vụ nơi hải đảo. Đó cũng sẽ là những việc làm cụ thể nhất, thiết thực nhất như khẩu hiệu mà chúng ta đã đồng thanh hô vang khi con tàu HQ 561 nhổ neo tạm biệt Đảo Trường Sa lớn “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước””.
Bà Phạm Thu Hiền - Phó Bí thư đảng ủy Tổng Công ty Thép (thứ 1, bên phải) trong chuyến công tác đến đảo Tốc Tan C. |
Sau khi kết thúc chuyến công tác, các thành viên trong đoàn công tác số 9 và các chiến sĩ trên tàu Hải quân 561 vẫn duy trì liên lạc. Trong mấy ngày qua, các thành viên trong đoàn chia sẻ thông tin về anh Trần Văn Trường, dược sĩ của tàu 561 – người đã đồng hành với đoàn công tác trong suốt hải trình 8 ngày.
Thời điểm đoàn công tác đến Trường Sa, vợ của anh Trường đang mang song thai - kết quả của rất nhiều lần cấy ống nghiệm. Sau khi kết thúc hành trình của đoàn công tác số 9 cũng là lúc vợ anh Trường sinh non, 2 em bé (1 em bé có cân nặng là 0,5kg; 1 em bé có cân nặng 1kg) đang trong giai đoạn nguy kịch và cần phải chuyển gấp từ Nha Trang vào Bệnh viện Nhi đồng 2 để cứu chữa.
Do đặc thù công việc nên anh Trường thường xuyên vắng nhà, hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, các thành viên trong đoàn công tác đã kêu gọi giúp đỡ gia đình anh Trường. Anh Trường cho biết, những ngày qua nhận được sự ủng hộ, chia sẻ về vật chất của mọi người với gia đình anh mà chưa biết cách nào để cảm ơn. Sự giúp đỡ, chia sẻ của mọi người lúc này giúp anh thêm yên tâm công tác.
Ngay khi biết thông tin về 2 bé con anh Trường, ông Đặng Hoàng Phúc – thành viên câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu” cho biết, các thành viên trong nhóm ở Sài Gòn đã vào bệnh viện thăm hai bé.
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều những câu chuyện về gia đình của các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở nơi biên giới, hải đảo xa xôi. Họ - những người “thay chúng ta đang vượt qua ngọn sóng, vươn tới chân trời, giữ lấy nơi biên cương chưa bình yên của mọi người”, đang có những hi sinh rất lặng thầm.
Khi nói về cuộc sống, những hy sinh của những người lính Trường Sa, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân Nhân dân Việt Nam, Đại tá Nguyễn Công Sơn chia sẻ: Đó là những hy sinh rất thầm lặng của những người lính hải quân. Có những đồng đội, vợ sinh con hàng năm trời bố mới biết mặt con; có người đang làm nhiệm vụ thì nhận tin mẹ mất mà cả năm mới ghé qua nhà thắp cho mẹ nén nhang rồi lại đi ngay… Nhiều lắm những câu chuyện cảm động về sự hi sinh thầm lặng của những người bảo vệ biển đảo quê hương mà không phải ai cũng có dịp được tỏ bày./.