ĐHQG Hà Nội cho học sinh thi thử Đánh giá năng lực
VOV.VN - Đề thi được tổ hợp ngẫu nhiên, gần 4.000 câu hỏi đã được chuẩn hóa, cân bằng độ khó, độ phân biệt là tương đương nhau.
Ngày 14/3, tại Thái Nguyên, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức thi thử bài thi Đánh giá năng lực cho hơn 100 em học sinh của trường THPT Đại Từ. Đây là buổi “tập dượt” trong công tác đổi mới tuyển sinh đại học của ĐHQGHN bắt đầu từ năm 2015.
Bài thi Đánh giá năng lực gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian làm bài (được mặc định trong máy tính) là 195 phút. Bài thi gồm 3 phần riêng biệt với thời gian hạn định của từng phần khác nhau vì thí sinh phải lần lượt làm từng phần. Đó là phần 1 – tư duy định lượng (kiến thức Toán), phần 2 – tư duy định tính (kiến thức Ngữ văn) và phần 2 với 2 nội dung: Tư duy định lượng 2 (Khoa học tự nhiên) và Tư duy định tính 2 (Khoa học xã hội).
Theo PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐHQGHN, lý do chọn trường THPT Đại Từ để thi thử bởi đây là khu vực miền núi, qua đó, có để có sự đánh giá toàn diện bên cạnh đối tượng học sinh khu vực thành thị, nông thôn, cũng như ĐHQGHN mong muốn nhận được sự phản hồi từ học sinh và xã hội để từng bước hoàn thiện bộ đề thi.
PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn cho biết, ĐHQGHN đã công bố bộ đề mẫu trên các trang mạng của ĐHQGHN tại website của Viettel Study, cũng như để giúp thí sinh có thể làm thử bộ đề mẫu này. Đề thi được tổ hợp ngẫu nhiên, gần 4.000 câu hỏi đã được chuẩn hóa, cân bằng độ khó, độ phân biệt là tương đương nhau. Thí sinh sau khi kết thúc bài thi biết ngay kết quả điểm và đứng thứ bao nhiêu trong danh sách những người tham gia thi.
Ông Nguyễn Kim Sơn cũng nhấn mạnh, việc lấy kết quả để tuyển sinh vào ĐHQGHN chỉ là một trong những mục đích của bài thi. Điều quan trọng là đánh giá năng lực của học sinh, tạo điều kiện cho thí sinh tích lũy kinh nghiệm, bởi các em được thi 2 đợt trong năm và mỗi kỳ thi đều không có phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh.
Đa số học sinh trường THPT Đại Từ sau khi kết thúc bài thi đều đánh giá cao triết lý, hình thức, định hướng của bộ đề thi đánh giá năng lực; bộ đề tổng hợp rất toàn diện, không đánh đố mà còn phát huy tính năng động, sáng tạo của thí sinh, nhiều hỏi phải vận dụng kỹ năng sống để làm bài; đồng thời mong muốn bộ đề thi của ĐHQGHN trong tương lai sẽ trở thành công cụ tích cực để đánh giá, tuyển chọn thí sinh./.