ĐHQG Hà Nội: Khoa học phải hướng tới vị nhân sinh
(VOV) -ĐHQG Hà Nội sẽ tập trung trí tuệ hướng tới nghiên cứu khoa học giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã trao Quyết định bổ nhiệm Giám đốc Đại học quốc gia (ĐHQG) Hà Nội cho PGS.TS Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trên cương vị là người đứng đầu cơ sở đại học lớn của đất nước, ông Phùng Xuân Nhạ cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng ông sẽ bắt tay làm ngay là rà soát và xây dựng một mô hình ĐHQG tiên tiến, hiện đại, đa ngành, đa lĩnh vực, theo chuẩn mực quốc tế; phát triển ĐHQG Hà Nội theo hướng đại học nghiên cứu.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Phùng Xuân Nhạ.
PV: Với đặc thù là đại học nghiên cứu, ông có thể cho biết ĐHQG Hà Nội sẽ tập trung vào nghiên cứu những lĩnh vực nào và làm sao để những nghiên cứu đó ứng dụng được vào thực tiễn?
Ông Phùng Xuân Nhạ: Với vị thế một đại học đa ngành, đa lĩnh vực, ĐHQG Hà Nội có 4 lĩnh vực rất quan trọng là: Khoa học tự nhiên và sự sống; Khoa học xã hội - nhân văn và kinh tế; Khoa học kỹ thuật - công nghệ; và Khoa học liên ngành, liên lĩnh vực.
Để thực hiện các chương trình này, trước hết phải phụ thuộc vào con người. ĐHQG Hà Nội phải xây dựng những nhóm nghiên cứu mạnh để tương thích với các lĩnh vực khoa học công nghệ đó. Rất mừng là vừa qua Thủ tướng cũng như các Bộ, ngành rất ủng hộ giao cho ĐHQG Hà Nội thí điểm Đề án thu hút và đãi ngộ các nhà khoa học tài năng, có trình độ cao ở trong và ngoài nước để triển khai những nhiệm vụ khoa học công nghệ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm và làm việc tại ĐHQG Hà Nội ngày 18/3 |
Thứ 2, điều không thể thiếu được đó là các hệ thống trang thiết bị, phòng thí nghiệm. Bởi vì con người có giỏi mà hệ thống này không thuận tiện, không đầy đủ thì sẽ không phát huy được.
Thứ 3, vấn đề rất quan trọng đó là tạo môi trường thân thiện, sáng tạo. Những nhà khoa học đôi khi không phải vì vật chất, mà họ cần một môi trường được tôn trọng, được sáng tạo và họ thấy thành quả của mình được ghi nhận, đánh giá và bảo vệ.
Đặc thù của khoa học là cái mới mẻ, sáng tạo ra những thứ mà trước đó không có, cho nên người lãnh đạo phải thấu hiểu và tạo điều kiện cho các nhà khoa học. Những tư tưởng mới, thậm chí rất là lập dị, là “khùng”, nhưng người lãnh đạo không tạo điều kiện và bảo vệ họ thì những hoài bão, sáng tạo đó sẽ bị thui chột.
Việc đứng đầu một cơ sở giáo dục đào tạo về khoa học công nghệ lớn, nơi tập trung các nhà khoa học hàng đầu, theo tôi, tạo môi trường sáng tạo và bảo vệ các nhà khoa học là một trong những nhiệm vụ ưu tiên. Có như vậy các nhà khoa học mới phát huy được tâm huyết, cống hiến, đưa ra được những ý tưởng, sáng chế, giải pháp hữu ích cho đất nước.
PV: ĐHQG Hà Nội sẽ phát huy quyền tự chủ như thế nào để có thể nâng cao được chất lượng đào tạo nguồn nhân lực?
Ông Phùng Xuân Nhạ: Đối với giáo dục đại học, đặc biệt là những đại học lớn như ĐHQG Hà Nội, một đại học nghiên cứu, thì tính tự chủ là rất cao. Đấy cũng là một thuộc tính của những đại học trên thế giới. Được Đảng và Nhà nước quan tâm, gần đây là Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục đại học - có nội dung rất quan trọng là xác định vị trí pháp lý và chức năng, nhiệm vụ của ĐHQG là một trung tâm đào tạo khoa học công nghệ chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, gắn với tự chủ.
PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Giám đốc ĐHQG Hà Nội |
Như vậy tự chủ ở đây gắn liền với trách nhiệm giải trình, trước hết là giải trình với những người tham gia học tập, nghiên cứu; sau đó là với xã hội về chất lượng sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đây thực sự là cái nhiệm vụ rất lớn, bởi vì càng được tự chủ cao thì trách nhiệm phải càng lớn, tính giải trình với xã hội, với cộng đồng càng lớn. Anh phải chịu trách nhiệm với chất lượng mà anh cung cấp.
Để làm được điều đó, trước hết phải chuyển biến trong tư duy của các nhà khoa học. Tôi có một định hướng rất lớn, đó là khoa học không phải vị khoa học – tức làm để thỏa mãn sự đam mê, mà tới đây chúng tôi tập trung trí tuệ để hướng tới khoa học vị nhân sinh - phát huy được tiềm năng, trí tuệ, giải quyết được những vấn đề thực tiễn. Và qua đó, thực tiễn là tiêu chuẩn, động lực để thúc đẩy các nhà khoa học; đồng thời vị thế của một đại học mới có được trong cộng đồng.
Chúng tôi phấn khởi vì các nhà khoa học rất ủng hộ, vì chỉ có thực tiễn mới là tiêu chuẩn đánh giá và chỉ có thực tiễn mới là động lực để các nhà khoa học sáng tạo thật sự. Khi được cộng đồng chia sẻ và trân trọng, thì các nhà khoa học mới thực sự thấy được chỗ đứng đích thực của mình.
PV: Chủ trương đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo được ĐHQG Hà Nội triển khai như thế nào và tập trung vào những vấn đề cốt lõi gì, thưa ông?
Ông Phùng Xuân Nhạ: ĐHQG Hà Nội vừa là cơ sở giáo dục đào tạo, vừa là cơ sở nghiên cứu khoa học. Do vậy, chúng tôi phải triển khai đồng thời Kết luận của Trung ương khóa 6, cũng như Nghị quyết Trung ương khóa 6 về giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ. Theo đó, Ban lãnh đạo ĐHQG Hà Nội rất tích cực xây dựng 5 chương trình hành động rất cụ thể. Từng chương trình đều gắn với những mục tiêu sản phẩm cụ thể; có phân công, phân nhiệm rõ và có mốc thời gian đánh giá, sản phẩm đánh giá; căn cứ vào đó để chúng tôi phân bổ nguồn lực.
Với nhiệm vụ là giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ cao, được thể hiện thông qua những kế hoạch rất cụ thể, và năm tài chính này, tôi kết hợp phân bổ nguồn lực gắn với sản phẩm. Thông qua đó, chúng tôi đang thu hút được tương đối đông các nguồn lực từ xã hội hóa. Đó là 3 nhà: nhà khoa học, Nhà nước và người sử dụng. Ba nhà đó ngồi cùng với nhau thì sản phẩm mới có chất lượng thực sự được.
Vốn của Nhà nước tôi nghĩ cần tập trung nhiều vào những đầu tư cơ bản và chi phí thường xuyên; còn những sản phẩm khoa học ứng dụng, chúng tôi kêu gọi từ phía các tập đoàn, doanh nghiệp. Qua việc đặt hàng, các nhà khoa học sẽ có những sáng tạo thực sự đi vào cuộc sống. Theo đó chúng tôi cũng thu hút thêm được nguồn lực và vị thế của ĐHQG Hà Nội được khẳng định cao hơn.
Sinh viên ĐHQG Hà Nội tham gia tư vấn tuyển sinh |
PV: Một thực tế hiện nay là sinh viên tốt nghiệp đại học nói chung rất khó khăn trong vấn đề tìm việc làm, ĐHQG Hà Nội có chiến lược nào để nguồn nhân lực sau khi được đào tạo sẽ được xã hội đón nhận?
Ông Phùng Xuân Nhạ: Đây thực sự là vấn đề lớn và ĐHQG Hà Nội cũng không nằm ngoài tình trạng này. Xét về số lượng sinh viên chất lượng cao so với các cơ sở giáo dục đào tạo khác trong cả nước, thì ĐHQG Hà Nội có ưu thế hơn; nhưng so với tỉ lệ chung của sinh viên được đào tạo thì còn rất nhiều vấn đề bất cập.
Do đó, trước hết chúng tôi củng cố và đẩy mạnh xây dựng một trung tâm, tiến tới là viện nghiên cứu, đánh giá nhu cầu việc làm của các đối tượng sử dụng, từ đó có dự báo về nhu cầu sử dụng lao động. Bởi vì không ai làm tốt hơn việc nắm bắt nhu cầu đầu ra sản phẩm của mình bằng chính người sản xuất. ĐHQG Hà Nội chỉ đạo các đơn vị thành viên phải tiến hành nghiên cứu thật rõ các nhu cầu, từ khu vực Nhà nước cũng như các doanh nghiệp, để từ đó thiết kế mục tiêu, nội dung của chương trình giảng dạy.
Vừa qua ĐHQG Hà Nội đã đổi mới toàn bộ hàng trăm ngành, chuyên ngành đào tạo theo hướng từng bước gắn với thực tiễn. Đương nhiên là những lĩnh vực khoa học cơ bản vẫn phải có những đặc thù riêng. Chúng tôi ưu tiên những nội dung có gắn với thực tiễn, để làm sao người học khi ra trường thích ứng được với thị trường lao động. Trong quá trình đó, chúng tôi mời các nhà tuyển dụng, các doanh nghiệp hoặc người sử dụng lao động tham gia cùng chúng tôi đánh giá yêu cầu việc làm.
ĐHQG Hà Nội là cơ sở đầu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại, cho nên chúng tôi bắt đầu yêu cầu sinh viên tốt nghiệp ĐHQG Hà Nội phải có những kỹ năng bắt buộc. Chúng tôi đã xây dựng dự án tương đối lớn là đào tạo 100 kỹ năng mềm cho sinh viên. Theo đó, sinh viên phải có được chứng chỉ này, quan trọng hơn là phải vượt qua những kỹ năng cơ bản thì mới được cấp bằng tốt nghiệp. Đây cũng là một trong những giải pháp để rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và xã hội.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Điều 8 của Luật Giáo dục đại học có những quy định:
- Đại học quốc gia là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển.
- Đại học quốc gia có quyền chủ động cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy. Đại học quốc gia chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các Bộ, ngành khác và Ủy ban nhân dân các cấp nơi đại học quốc gia đặt địa điểm, trong phạm vi chức năng theo quy định của Chính phủ và phù hợp với pháp luật.
Đại học quốc gia được làm việc trực tiếp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để giải quyết những vấn đề liên quan đến đại học quốc gia. Khi cần thiết, giám đốc đại học quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến hoạt động và phát triển của đại học quốc gia.