Di dời nhà máy thép Gia Sàng khỏi thành phố Thái Nguyên
VOV.VN -Theo quy hoạch của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035, khu vực sản xuất gây ô nhiễm, nhà máy rải rác trong đô thị sẽ được di dời, chuyển đổi thành đô thị...
Từ đống đổ nát, Thép Gia Sàng đang từng bước vươn lên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, UBND tỉnh Thái Nguyên và những quyết sách đúng đắn của những người đứng đầu doanh nghiệp.
Công nhân Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng làm việc tại nhà xưởng cũ nát.
Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng (Công ty Gia Sàng) tiền thân là Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng do Cộng hòa Dân chủ Đức giúp đỡ Việt Nam xây dựng, với tổng diện tích mặt bằng hơn 24ha, được đưa vào sản xuất năm 1975. Từng được ví là “cánh chim đầu đàn” của ngành thép Việt Nam sau giải phóng, với quy mô và công nghệ thuộc loại lớn và hiện đại nhất miền Bắc.
Đã có thời kỳ, thép Gia Sàng được ví là “ngôi sao” của ngành do có quy mô và công nghệ thuộc loại lớn và hiện đại nhất miền Bắc. Nhưng, nhiều năm qua doanh nghiệp này rơi vào thua lỗ và nợ nần, đứng trước nguy cơ phá sản.
Lao dốc sau cổ phần hóa
Năm 2007, Thép Gia Sàng (GSS) cổ phần hóa với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Nhiều người hy vọng doanh nghiệp sẽ làm ăn bứt phá nhưng những chính sách sai lầm cùng khả năng quản trị yếu kém đã khiến GSS rơi vào thua lỗ, chồng chất nợ nần.
Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng buộc phải dừng sản xuất. |
Tính đến tháng 10/2014, tổng nợ của Thép Gia Sàng lên tới 120 tỷ đồng và không còn khả năng thanh toán. Trong đó, nhiều khoản nợ lớn, như nợ ngân hàng gần 54 tỷ đồng, nợ thuế hơn 10 tỷ đồng, nợ lương, BHXH, BHYT của người lao động hơn 29,3 tỷ đồng, nợ đối tác 30 tỷ đồng…
Nợ lớn như vậy, từ đầu năm 2013, toàn bộ hoạt động sản xuất của GSS phải tạm dừng khiến gần 500 công nhân bị mất việc.
Tình hình của Thép Gia Sàng càng thêm khó khăn khi ngày 28/8/2014, Chi cục Thi hành án dân sự TP Thái Nguyên đã ra quyết định cưỡng chế giao tài sản trúng giá đấu thầu cho đơn vị đã trúng thầu đấu giá tài sản của GSS để thi hành án do GSS bị ngân hàng kiện ra tòa dân sự.
Trong khi đó, hàng trăm lao động đang làm việc và đã nghỉ việc liên tiếp gửi đơn thư kêu cứu, đòi chế độ suốt nhiều năm.
Tự cứu mình
Năm 2016, Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng tham gia đấu giá tài sản Nhà máy Gia Sàng và đã trúng đấu giá, nộp cho cơ quan thi hành án số tiền hơn 57 tỷ đồng. Thế nhưng số tiền này chưa đủ trả các khoản nợ vay ngân hàng, chưa nói đến hơn 17 tỷ đồng nợ lương và bảo hiểm của người lao động suốt nhiều năm.
Nhà xưởng cũ nát, không đảm bảo. |
Với sự hợp tác, đầu tư của Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng, việc phục hồi sản xuất của Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng đã có hướng đi mới, góp phần ổn định an ninh trật tự xã hội tại địa phương
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh chủ trì tổ chức nhiều buổi làm việc liên ngành với tập thể người lao động và đại diện ngân hàng, cơ quan thi hành án… Ngân hàng đã cam kết chỉ thu hồi 38 tỷ đồng, còn lại hơn 17 tỷ đồng trả lại cho công ty để giải quyết ngay quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, đến nay sự việc vẫn bế tắc vì những giải pháp trên chưa được thực thi.
Ông Bùi Long Xuyên, Tổng giám đốc Thép Gia Sàng cho biết, đã đề nghị Công ty Thái Hưng cho vay 8 tỷ đồng để thanh toán một phần nợ gốc bảo hiểm, nợ lương và các khoản trợ cấp cho người lao động, tuy nhiên, chưa được sự đồng ý của một số thành viên Hội đồng quản trị.
Tương lai sẽ là khu đô thị sầm uất thay khu vực bị ô nhiễm hiện nay. |
Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua, Công ty Thái Hưng đã thực hiện đúng cam kết. Tính đến ngày 28/12/2016, công ty đã giúp Thép Gia Sàng hoàn thành tổng mức đầu tư là 151 tỷ đồng, hoạt động trở lại, cho ra những thanh thép đầu tiên sau 4 năm dừng hoạt động. Song do quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, thiết bị mất mát nhiều nên nhà máy phải dừng sản xuất sau thời gian ngắn.
Từ tháng 7/2017, lãnh đạo Thép Gia Sàng nhiều lần họp tìm giải pháp sau đó đề xuất phương án cải tạo, nâng công suất lên 500.000 tấn/năm với công nghệ hiện đại đồng thời di dời nhà máy. Phương án trên đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt. Khu đất địa điểm Nhà máy Gia Sàng cũ được Công ty Thái Hưng xin chủ trương thực hiện dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng và đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt.
Vì mục tiêu phát triển bền vững
Theo lãnh đạo Thép Gia Sàng, doanh nghiệp không nâng cấp nhà máy tại chỗ là do theo Quyết định số 2846/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20/12/2016, về việc điều chỉnh quy hoạch chung TP Thái Nguyên đến năm 2035, đã chỉ rõ đến năm 2035, “các khu vực sản xuất gây ô nhiễm, nhà máy xí nghiệp nhỏ lẻ, rải rác trong khu vực đô thị sẽ được di dời, quỹ đất hiện có được chuyển đổi thành các chức năng dân dụng phục vụ đô thị”.
Bên cạnh đó, với hạ tầng công nghệ cũ, chỉ vài tháng sau khi phục hồi sản xuất, chính người lao động ở Gia Sàng nhận thấy tiếp tục sản xuất là thất bại. Không thể duy ý chí tiếp tục ném tiền vào một dự án bất khả thi. Vì thế, giữa năm 2017, chính ban lãnh đạo và đại diện người lao động ở Gia Sàng đã họp bàn để đưa ra phương án cải tạo, nâng cấp gắn với di dời nhà máy, tổng đầu tư hơn 834 tỷ đồng, công suất 500 nghìn tấn thép/năm.
Mặt khác, theo quy hoạch tại Quyết định 694/QĐ-BCT của Bộ Công thương thì dây chuyền cán thép công suất tối thiểu phải 500 nghìn tấn/năm. Đến năm 2020, cơ bản loại bỏ các nhà máy công suất nhỏ.
Liên quan dự án Thái Hưng Eco City, theo lãnh đạo Thép Gia Sàng, hiện dự án mới dừng ở việc được phê duyệt xong quy hoạch 1/500 và đang triển khai các bước tiếp theo nên thông tin đã phân lô bán nền là hoàn toàn sai sự thật./.
Đê hữu sông Cầu ở Thái Nguyên bị đào bới, mong manh trước lũ
“Trái đắng” BOT Thái Nguyên - Chợ Mới
Công ty Gang thép Thái Nguyên tính khởi kiện Tổng thầu Trung Quốc