Đi lễ ngày mồng Một Tết

Đi lễ trong thời khắc vừa tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới để cầu mong nhiều điều may mắn, cũng như cảm nhận sự thay đổi của đất trời, vạn vật…

Sau khi thưởng thức màn bắn pháo hoa rực rỡ tiễn biệt năm cũ Tân Mão, đón chào năm mới Nhâm Thìn, hàng vạn người dân Thủ đô nô nức tới các chùa, đền, di tích… để dâng hương khấn lễ, cầu mong cho bản thân, gia đình… được an lành, may mắn; cũng như cảm nhận sự thay đổi của đất trời trong khoảnh khắc thiêng liêng của đầu năm mới.

Trong dòng người chen chân vào đền Lư Giang (quận Hoàng Mai, Hà Nội), đôi vợ chồng trẻ Tuấn Tú và Lê Thị Hà ở khu đô thị Đền Lừ hồ hởi cho biết: “Chúng mình vừa mới cưới nhau, có ý định sinh em bé trong năm Nhâm Thìn này. Giao thừa xong, hai vợ chồng muốn “xông đền” trước để cầu cho một năm mới an lành, vợ chồng hạnh phúc, gặp nhiều điều may mắn, công việc được hanh thông”.

Còn bạn Lê Thị Oanh, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Em cầu mong cho ông bà em được khoẻ mạnh, sống lâu; bố mẹ khoẻ mạnh, gia đình hạnh phúc; còn bản thân em chỉ mong có sức khoẻ tốt để học tập được tiến bộ, năm tới ra trường có việc làm như ý”.

Anh Nguyễn Thế Cầm, đang học tập tại Áo, về nước ăn Tết cùng gia đình cho biết, xù xa quê nhưng những ngày Tết, anh nhớ nhất là khoảnh khắc đón giao thừa xong, bạn bè rủ nhau đi lễ chùa. Năm nay anh đã 38 tuổi rồi, chưa lập gia đình nên anh quyết định lên chùa Hà tại Cầu Giấy để cầu duyên, hy vọng năm Nhâm Thìn sẽ gặp được một nửa còn lại của mình.

Đi lễ ngày mồng Một Tết với hy vọng một năm an lành

Cụ Vũ Thị Thái, ở phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, dù năm nay đã ngót nghét 80 và thời điểm giao thừa rất rét mướt, nhưng cụ vẫn “bắt” đứa cháu ngoại đi xem pháo hoa xong là đèo bà lên chùa Mơ Táo (phường Mai Động) khấn lễ. Cụ Thái cho biết, năm nào đón giao thừa xong cụ cũng lên chùa cầu sức khoẻ, gia đình con cháu được hạnh phúc, làm ăn tấn tới. “Bà chỉ cầu cho sức khoẻ để được sống vui, sống khoẻ, sống có ích mà thưởng thức quà các  con cháu biếu thôi”, bà lão cười tươi.

Tại đình làng Hoàng Mai, các cụ cao tuổi ở phường Hoàng Văn Thụ đã chuẩn bị chu đáo lễ vật, hương hoa, sớ… từ trước giao thừa, chỉ khi trên loa phường phát đi lời chúc Tết của Chủ tịch nước, các cụ mới cùng con cháu dâng hương lên các vị Thần để cầu cho dân làng một năm mới nhiều niềm vui và thắng lợi mới.

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Lợi, ở phường Minh Khai thì năm nào cũng thế, cứ giao thừa xong là cả gia đình lên Phủ Tây Hồ hành lễ, cầu mong cho đại gia đình một năm mới với nhiều niềm vui mới. Theo ông Lợi, đi lễ đầu năm, nhất là ngày mồng Một Tết đã trở thành nét đẹp truyền thống của người dân ta. Ngày đầu năm là rất quan trọng, bởi trong suy nghĩ của mỗi người, đi lễ để giúp ta gạt bỏ những vận hạn của năm cũ, hướng tới những điều may mắn trong năm mới.

Đón giao thừa xong cho đến những ngày Tết, những địa chỉ như Phủ Tây Hồ, chùa Bồ Đề, chùa Trấn Vũ, chùa Phúc Khánh, chùa Quán Sứ… lúc nào cũng nườm nượp người dân đến hành lễ, vãn cảnh. Xa trung tâm Hà Nội hơn là chùa Hương, đền Bà Chúa Kho… cũng là điểm hẹn của người dân khắp nơi về hành lễ.

Trong khoảnh khắc tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới, mọi người đều thành tâm cầu mong cho một năm mới an lành, rũ bỏ những “xui xẻo” của năm cũ; cung tiến tiền của với hy vọng sẽ gặp được nhiều điều may mắn. Việc “cúng sao”, “giải hạn” cũng được tiến hành với nghi thức nhà chùa trang nghiêm, thành tâm.

Trong làn khói hương, mỗi người một mong muốn, chắp tay thành tâm nơi của Phật trong thời điểm “giao ban” của đất trời mà thấy lòng nhẹ nhõm, phấn khởi, tin tưởng ở những điều tốt đẹp sẽ tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên