Địa chất phức tạp, cản trở tiến độ khắc phục sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió
VOV.VN - Vụ sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió, trên Đèo Cả những ngày qua đã khiến cho tuyến đường sắt Bắc Nam bị đình trệ. Điều này tiếp tục gióng lên hồi chuông về sự xuống cấp nghiêm trọng tại nhiều vị trí trên tuyến đường sắt huyết mạch này. Đến nay công tác khắc phục sự sự cố lở đá được thực hiện đến đâu?
Dự kiến bao giờ tuyến đường sắt qua khu vực này thông xe và vận hành trở lại? Các nguy cơ sạt lở khác trên tuyến đường sắt này là gì? Xung quanh nội dung này, PV VOV Giao thông đã có kết nối trực tiếp với ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam – người đang trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục tại hiện trường.
PV: Xin ông cho biết tình hình khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió đến thời điểm hiện nay?
Ông Hoàng Gia Khánh: Ngay sau khi sự cố xảy ra, ngành đường sắt, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tham gia vào công tác cứu chữa để khẩn trương thông hầm một cách sớm nhất. Tuy nhiên do điều kiện địa chất ở trên núi hết sức khó khăn, phức tạp; điều kiện thi công cũng rất khó khăn khi mà đường hầm chật và dài.
Chính vì vậy, công tác thi công khắc phục sự cố gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các bộ ngành, địa phương liên quan tập trung phối hợp xử lý điểm sụt trượt này.
Đến giờ phút này, các chuyên gia của Bộ GTVT, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát đã có mặt tại hiện trường, đang trực tiếp nghiên cứu và đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhất để khẩn trương giải quyết. Hiện nhà thầu đang tập trung nhiều mũi thi công nhưng với điều kiện phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người lao động trong quá trình thi công.
PV: Ông có thể cho biết cụ thể giải pháp xử lý sạt lở hiện nay tại hầm Bãi Gió?
Ông Hoàng Gia Khánh: Hiện nay, chúng tôi vừa tổ chức khoan khảo sát để đánh giá tình hình thực tế từ trên đỉnh núi xuống đỉnh hầm; mặt khác ở dưới hầm tiếp tục gia cố để làm cứng hệ thống bệ đỡ, tránh trường hợp sụt trượt tiếp theo.
Trong quá trình khảo sát, đánh giá sẽ đưa ra từng phương án để phù hợp với điều kiện thực tế trong quá trình thi công.
PV: Theo tiến độ như hiện nay dự kiến khi nào sẽ thông tuyến đường sắt qua hầm Bãi Gió?
Ông Hoàng Gia Khánh: Chúng tôi đang cố gắng thi công 24/24h, nghĩa là công trường liên tục hoạt động, với quân số lên tới gần 200 người, chia ra nhiều mũi thi công khác nhau.
Hiện nay chưa có số liệu đánh giá chính xác, nhưng theo tôi cũng phải hết tuần này thì mới có thể hoàn thành công tác khắc phục. Dự kiến là vậy nhưng trong quá trình thực hiện có thể sẽ phát sinh thêm.
PV: Sự cố sạt lở hầm Bãi Gió những ngày qua đã ảnh hưởng tới hoạt động của tuyến đường sắt Bắc – Nam như thế nào? Giải pháp của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trong việc hỗ trợ hành khách trung chuyển qua vị trí sạt lở như thế nào?
Ông Hoàng Gia Khánh: Tuyến đường này đã bị ách tắc, vì vậy sẽ không vận chuyển được hàng hóa từ Bắc vào Nam, chúng tôi cũng đang nghiên cứu tạm dừng các đoàn tàu chuyên tuyến trong thời gian này.
Còn đối với vận tải hành khách chúng tôi vẫn tổ chức chạy tàu bình thường, thực hiện việc chuyển tải hành khách ở hai đầu, ở 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, phạm vi chuyển tải khoảng 50km, thời gian chuyển tải tương đương với thời gian chạy tàu từ ga Giã (Khánh Hòa) và ga Tuy hòa (Phú Yên).
Dịp này hành khách sẽ vất vả một chút vì phải chuyển tải một nhịp, nhưng ngành đường sắt đang nỗ lực, cố gắng hết sức để đảm bảo tối đa cho việc vận tải hành khách thuận lợi nhất và phục vụ hành khách được tốt nhất.
Trong quá trình triển khai thực hiện các lực lượng như: C08 (Cục CSGT), công an thuộc 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa đã phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty Đường sắt VN và các cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức phân luồng, đảm bảo ATGT trong quá trình thi công và đảm bảo công tác ANTT trong quá trình chuyển tải hành khách.
PV: Qua vụ việc này cho thấy nguy cơ mất ATGT trên tuyến đường sắt này là rất cao. Bởi lẽ tuyến đường sắt Bắc – Nam đã được đầu tư hơn 100 năm, qua khảo sát hàng năm các nguy cơ mất ATGT cụ thể trên tuyến hiện nay thế nào?
Ông Hoàng Gia Khánh: Hiện nay tuyến đường sắt Bắc Nam là tuyến đường độc đạo được đầu tư từ thời Pháp, đi qua nhiều tỉnh, thành phố và đi qua nhiều vị trí xung yếu.
Những năm gần đây Bộ GTVT đã quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng thông qua các dự án đầu tư công trung hạn, hạ tầng đường sắt đang dần dần được nâng cao.
Tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều điểm xung yếu cần phải bố trí kinh phí để đầu tư nâng cấp, đặc biệt là các vị trí hầm yếu, các vị trí đường qua đèo như: Hầm Hải Vân, hầm Đèo Cả là những tuyến độc đạo, không có đường bộ tiếp cận, chỉ duy nhất có đường sắt. Đây là một trong các tuyến đường hiểm trở cần phải sớm được đầu tư nâng cấp để đảm bảo an toàn đường sắt.
PV: Xin cảm ơn ông!.