Dịch bệnh kéo dài, không thể tính bằng tuần mà ít nhất tính bằng tháng
VOV.VN - Theo nhận định của Ban chỉ đạo quốc gia và các chuyên gia y tế, dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài, không thể tính bằng tuần mà ít nhất là tính bằng tháng.
Việt Nam đã bước sang ngày thứ 4 không ghi nhân ca mắc mới Covid-19. Đây là lần đầu tiên có được kết quả này trong gia đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch bệnh ở nước ta. Tuy nhiên, theo nhận định của Ban chỉ đạo quốc gia và các chuyên gia y tế, dịch bệnh sẽ còn kéo dài, không thể tính bằng tuần mà ít nhất là tính bằng tháng.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, cần kiểm soát tốt tình hình, chung sống an toàn với dịch bệnh để phát triển kinh tế, đồng thời điều chỉnh lối sống theo hướng tích cực. Đây là những vấn đề mà cả nước cần thực hiện trong giai đoạn này để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo ổn định và phát triển kinh tế. Trong đó việc kiểm soát Covid-19 ở nước ta hiện nay cần được đặt trong bối cảnh dịch bệnh này còn kéo dài và sẽ có những ca mắc mới, xâm nhập từ nước ngoài hoặc ngay trong cộng đồng nên không được chủ quan.
“Chúng ta phải khẳng định với nhau 1 tinh thần là dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài dù có lúc, có nơi dịch lắng xuống. Thời gian kéo dài của dịch bệnh chắc chắn không tính bằng tuần, mà phải tính ít nhất bằng tháng, Do vậy, cần tiếp tục chống dịch không để dịch lan rộng nhưng đồng thời phải ổn định và phát triển. Trong việc thực hiện mục tiêu kép này thì phải quán triển mục tiêu trên hết là phải kiểm soát được dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan rộng gây tử vong nhiều. Một nước đang phát triển như Việt Nam, nếu có nhiều người mắc Covid-19 như phương Tây thì chắc chắn tỷ lệ tử vong sẽ cao hơn” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Còn theo các chuyên gia y tế, cùng với việc thực hiện 5 nguyên tắc chống dịch là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, thì “cách ly xã hội theo đợt là phương án cần thiết hiện nay. Bởi, virus gây bệnh Covid-19 vẫn tiềm ẩn trong cộng đồng, nếu nới lỏng thì rất dễ lây lan. Trong khi trên thế giới vẫn chưa có thuốc đặt trị và vaccine phòng bệnh này.
Ông Trần Đắc Phu, cố vẫn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, nhận định, tình huống xấu nhất là tiếp tục phải giãn cách xã hội, còn nếu không thì nới lỏng hơn nhưng vẫn phải đảm bảo các biện pháp chống dicjg vì dịch bệnh sẽ còn kéo dài trên thế giới. Không phải nới lỏng ngay một lúc mà phải tùy từng tình hình, nhưng đều hạn chế tập trung đông người, không ra đường khi không cần thiết. Trong tình huống xấu thì phải gia tăng các biện pháp giãn cách xã hội…
Phương án cách ly xã hội theo đợt đang được thực hiện tại Singapore. Nước này từng đạt được thành công tương tự như Việt Nam khi ngăn chặn được sự lây lan dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn 1 với chỉ vài trăm ca mắc trong thời gian dài. Tuy nhiên, sau đó, Singapore nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội thì số ca mắc gia tăng mạnh, vượt qua mốc 4.500 ca. Do đó, Chính phủ nước này đang phải áp dụng lệnh phong tỏa trở lại trong một tháng./.