Dịch Covid-19: Khu vực cách ly vì sao phải “an toàn tuyệt đối“?
VOV.VN -Chúng tôi bày tỏ ý định được “tiếp cận” với khu cách ly đặc biệt, Đại tá Phú từ chối bằng một giải thích ngắn gọn: “vì sự an toàn cho tất cả mọi người”
11h trưa 2/3, chúng tôi đến khu cách ly người về từ vùng dịch của Bộ Tư lệnh thủ đô tại trường quân sự Sơn Tây. Đại tá Nguyễn Mạnh Phú, Phó Hiệu trưởng, Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo chống dịch Covid-19 của trường, đón chúng tôi bằng ánh nhìn nghiêm nghị: “Các đồng chí phải chủ động phòng tránh lây nhiễm virus bằng cách đeo khẩu trang, dùng nước diệt khuẩn”.
Hàng rào cách ly tuyến 1 và tuyến 2 ở trường quân sự Sơn Tây |
Sau khi tuân thủ các quy định để phòng chống nhiễm khuẩn, điểm đầu tiên chúng tôi được Đại tá Phú giới thiệu là khu cách ly số 2 – nơi chuẩn bị công tác hậu cần, ăn uống cho toàn bộ số người trong 2 khu cách ly. Thời điểm chúng tôi tới, hàng trăm suất ăn trưa đã được nhà bếp đóng gói trong những bọc nilon to, chuẩn bị chuyển vào khu cách ly số 1 hay còn gọi là khu cách ly đặc biệt, nơi hơn 750 người Việt Nam và Hàn Quốc về Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài được đưa về đây thực hiện cách ly, giám sát y tế 14 ngày theo quy định.
Khi chúng tôi bày tỏ ý định được “tiếp cận” với khu cách ly đặc biệt, Đại tá Phú từ chối bằng một lời giải thích rất ngắn gọn: “vì sự an toàn cho tất cả mọi người”. Vì thế, chúng tôi chỉ có thể đứng bên ngoài hàng rào khu cách ly đặc biệt để dõi vào.
Theo quy định, những người cách ly không được phép ra khỏi phòng để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên, khi trời hửng nắng, một số người vẫn có thể ra ngoài vận động, chơi thể thao nhưng phải tuân thủ nghiêm việc đeo khẩu trang phòng dịch bệnh. |
Khu cách ly đặc biệt gồm 2 tòa nhà 5 tầng, mỗi tầng 9 phòng (gồm 8 phòng ngủ và 1 phòng sinh hoạt chung), giữa 2 tòa nhà là một sân rộng. Vì chuẩn bị đến giờ cơm trưa nên cả khu vực sân rộng khá vắng vẻ, chỉ lác đác một vài thanh niên đi lại trong sân trước khi về phòng ăn trưa. Trên các tầng, bà con tranh thủ ngày nắng gió phơi quần áo. Nhiều tiếng nói cười vang lên giữa không gian yên tĩnh, vắng lặng.
Sát với hàng rào ở cổng khu vực cách ly đặc biệt, một chiếc bàn lớn đã được kê sẵn. Theo quan sát của chúng tôi, các chiến sĩ ở khu cách ly số 2 nhanh chóng chuyển và xếp lên bàn các túi nilon đựng suất ăn sắp sẵn cho từng phòng. Trước khi đưa vào khu cách ly đặc biệt, các chiến sĩ tiến hành phun nước nóng bên ngoài các túi nilon để khử khuẩn.
Cán bộ, chiến sĩ làm công tác phục vụ trong khu vực cách ly |
Những cán bộ, chiến sĩ làm công tác phục vụ tại khu vực cách ly đặc biệt (bao gồm các cán bộ chiến sĩ của trường và của Tiểu đoàn Thông tin 610 (Bộ Tư lệnh Thủ đô) lên tăng cường), sẽ là những người trực tiếp mang các suất ăn lên cho người cách ly. Trước mỗi cửa phòng được kê một chiếc bàn để đặt các suất ăn. Sau khi ăn xong, toàn bộ rác thải được bỏ vào một thùng nhựa để các chiến sĩ thu gom mang đi tiêu hủy. Ngoài nhiệm vụ mang suất ăn lên phòng, các chiến sĩ còn làm nhiệm vụ trung chuyển hàng, quà do thân nhân những người đang cách ly gửi đến.
Chia sẻ với phóng viên, chiến sĩ Vương Thành Nam, cho biết, anh có mặt ở đây từ khi khu cách ly bắt đầu tiếp nhận người về. Cũng như những người phải cách ly, các anh cũng phải “cách ly” cùng họ trong thời gian 14 ngày. Trước khi được điều động lên đây tăng cường, Nam và các đồng đội đã được phổ biến, quán triệt tinh thần nên “thấy bình thường chẳng có gì đáng ngại cả”.
“Là một người lính, chúng tôi xác định phải hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nhiệm vụ lần này cũng vậy, thậm chí có những nhiệm vụ khó khăn, vất vả hơn nhiều. Để thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi được trang bị quần áo bảo hộ y tế, được phổ biến rất kỹ về các phương pháp để phòng tránh lây nhiễm virus nên chúng tôi hoàn toàn yên tâm”, Nam chia sẻ.
Chuyển suất ăn lên cho công dân cách ly |
Sau những giờ làm nhiệm vụ, các anh dành thời gian liên lạc qua điện thoại về nhà để thông báo tình hình cho bố mẹ, vợ con yên tâm.
Chiến sĩ Nguyễn Tuấn Tú cùng nằm trong quân số tăng cường của Tiểu đoàn Thông tin 610, cho biết, khi nhận nhiệm vụ lên đây, anh chỉ báo với bố mẹ mình phải đi công tác. Bởi với anh, khoảng thời gian “cách ly” cùng với những người dân ở khu cách ly cũng giống như những nhiệm vụ đột xuất mà người lính vẫn thường được giao. Nên khi được lựa chọn vào đội quân này, Tú coi đó là một vinh dự của người lính và vui vẻ nhận nhiệm vụ.
Ngoài các chiến sĩ làm công tác phục vụ, khu vực cách ly đặc biệt còn có lực lượng Y tế dự phòng làm nhiệm vụ phun khử khuẩn liên tục, hàng ngày; có các y bác sĩ của bệnh viện Sơn Tây và Sở Y tế Hà Nội phối hợp với bác sĩ của trường thăm khám 4 lần/ngày cho toàn bộ công dân.
Chia sẻ thêm, Đại tá Phú cho biết, công tác cách ly những ngày qua đã được toàn thể cán bộ chiến sĩ thực hiện nghiêm. 100% cán bộ chiến sĩ phục vụ ở khu vực cách ly đặc biệt đều phải mặc đồ bảo hộ. Người ở tuyến 1 (khu vực cách ly đặc biệt) sẽ cách ly với tuyến 2, người ở tuyến 2 được cách ly với người ở khu vực an toàn.
Những người hoạt động ở tuyến 2 cũng phải tuân thủ quá trình cách ly trong 14 ngày và có thể nhiều hơn. Toàn bộ hàng hóa, người, xe ở khu vực an toàn, trước khi vào khu vực cách ly đều phải tiến hành phun khử khuẩn.
Còn ở khu vực cách ly đặc biệt, chỉ có chuyển vào và sau đó tiêu hủy chứ không có chuyển ra. 5 hố lớn để tiêu hủy mọi rác thải ở khu vực cách ly đặc biệt đã được chuẩn bị sẵn.
Rác thải được đổ xuống hố, tưới xăng đốt. Đốt xong tiếp tục rắc vôi bột, kết thúc quá trình tiêu hủy và khử khuẩn. “Do vậy chúng tôi có thể nói rằng toàn bộ quá trình cách ly ở đây an toàn hoàn toàn”, Đại tá Phú khẳng định./.
Cận cảnh khu cách ly “nghiêm ngặt” tại Trường Quân sự Sơn Tây