Dịch sốt xuất huyết: Vì sao đội xung kích phường bỏ lọt bọ gậy?
VOV.VN - Những ngày gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết giảm nhẹ, nhưng dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh.
Những ngày gần đây, mỗi ngày Hà Nội phát hiện từ 440 đến 500 bệnh nhân sốt xuất huyết. Mặc dù số ca mắc giảm nhẹ nhưng dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh. Trong khi đó, ngày 20/8, kiểm tra thực tế tại phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội, đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Y tế đã phát hiện 4 ổ bọ gậy tại 2 hộ dân. Điều đáng nói là đội xung kích của phường Thụy Khuê đã từng đến 2 nhà này để tìm diệt bọ gậy nhưng vẫn bỏ sót. Kết quả các đội xung kích diệt bọ gậy xử lý được 210.000 dụng cụ chứa nước có bọ gậy liệu trong báo cáo của Hà Nội liệu có đáng tin?
Tìm thấy ổ bọ gậy trong bình nước trồng cây phát lộc.
Là thành viên trong đoàn kiểm tra của Bộ trưởng Bộ Y tế, ngày 20/8, các chuyên gia của Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng trung ương đã giám sát mật độ muỗi cũng như ổ bọ gậy tại nhà số 5 và nhà số 9, ngõ 282, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ. Chủ nhà khẳng định không có bọ gậy vì đội xung kích của phường vừa đến nhưng không tìm được ổ bọ gậy nào. Tuy nhiên, khi các chuyên gia phát hiện mỗi nhà có 2 ổ bọ gậy, lúc đó gia đình mới cho hay, đội xung kích không kiểm tra hết các tầng của nhà dân nên đã bỏ sót.
Tiến sỹ Vũ Đức Chính, Viện sốt rét Ký sinh trùng, côn trùng trung ương cho biết, tại nhà số 5, tìm thấy một ổ rất nhiều bọ gậy trong lọ trồng cây phất lộc đặt trên lan can. Ổ bọ gậy thứ 2 nằm ở dưới họng thoát nước có đọng nước.
Ổ bọ gậy được tìm thấy trong họng ống thoát nước. |
Theo Sở Y tế Hà Nội, các quận, huyện của thành phố đã thành lập được 26.038 đội xung kích diệt bọ gậy với hơn 63.000 người tham gia. Các đội này thường xuyên hoạt động tại các ổ dịch. Thành phố cũng thành lập các nhóm giám sát hoạt động của các đội xung kích này. Tuy nhiên, ông Đào Đắc Hùng, Tổ trưởng tổ dân phố 48, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai cho biết, các đội xung kích được hình thành từ tháng 7 nhưng cách đây 3 ngày UBND phường mới ra quyết định thành lập và không tổ chức tập huấn cho các thành viên. Tổ dân phố có hơn chục bệnh nhân sốt xuất huyết nhưng cơ quan chức năng cũng không đến phun hóa chất diệt muỗi và khu chợ tạm cũng chưa được phun.
Ông Đào Đắc Hùng cho rằng: “Khi đến mức khẩn cấp, địa phương mới cuống cuồng chống dịch, thành lập đội xung kích nên không đến nơi đến chốn. Nước đến chân mới nhảy thì làm gì có hiệu quả, chỉ là thành lập cho có ban, có bệ chứ không bài bản”.
Số người mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội có dấu hiệu chững lại
Qua kết quả kiểm tra thực tế, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng thừa nhận nhiều đội xung kích hoạt động kém hiệu quả: “Hoạt động của đội xung kích cần phải được củng cố thêm. Trên thực tế không phải tất cả các đội đều thực hiện tốt. Một số nơi vẫn dùng những người yếu, người già đi diệt bọ gậy. Tuy nhiên, ở dưới quận huyện mà tìm được những người khỏe thì cũng không phải dễ. Những người trong đội xung kích diệt bọ gậy theo quyết định 73 được bồi dưỡng 100.000 đồng/1 ngày”.
Việc chuyên gia Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương tìm thấy 4 ổ bọ gậy trong nhà dân đã lộ rõ đội xung kích diệt bọ gậy tại ngõ 282, phường Thụy Khuê hoạt động kém hiệu quả.
Còn tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, đội xung kích được thành lập cấp tập, không qua tập huấn, không được nhận thù lao như trong quy định của thành phố. Nếu không chấn chỉnh thực trạng này và không chống dịch sốt xuất huyết một cách thực chất thì dịch bệnh sẽ còn bùng phát mạnh.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã phát hiện gần 19.000 bệnh nhân sốt xuất huyết, cao nhất cả nước và vượt đỉnh dịch 10 năm trở lại đây. Dịch đang có xu hướng giảm nhẹ nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh./.
Nguy cơ lây nhiễm chéo vì quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết
Hà Nội có 12 nơi báo động đỏ về sốt xuất huyết