Dịch tay chân miệng: Hơn 10.000 người mắc bệnh/tháng

Số ca mắc gia tăng một phần do công tác phòng chống tại các địa phương chưa quyết liệt, trang thiết bị còn thiếu và người dân còn “lơ mơ” về dịch.

Tử vong do không được điều trị tại chỗ

Tại Hội nghị bàn công tác phòng chống bệnh tay chân miệng (TCM) tại các tỉnh miền Trung và miền Nam, được tổ chức tại TP HCM ngày 20/11 vừa qua, ông Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết: “2011 là năm bệnh TCM tăng cao nhất, với 90.189 ca từ đầu năm đến nay. Bệnh đã lan khắp 63 tỉnh, thành làm 153 trường hợp tử vong. Trong tháng 5, số ca bắt đầu tăng nhanh và lên đỉnh từ tháng 9, khi có hơn 20.000 ca mắc trong tháng. Sau đó tháng 10 và 11, số người mắc bệnh giảm xuống còn hơn 10.000 ca/tháng.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, hiện 17 tỉnh bệnh TCM giảm là TP HCM, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Tháp… song lại có tới 11 tỉnh, thành tăng như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… Bộ Y tế cho biết, số ca mắc ở khu vực phía Nam gấp đôi miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên cộng lại. Trong 58.000 ca ở khu vực phía Nam, TP HCM chiếm 11.245 ca và có tới 29 trường hợp tử vong.

Trẻ mắc TCM được điều trị tại BV Nhi đồng 1

TS. Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho biết, tại TP HCM và khu vực phía Nam, số ca mắc TCM đã có chiều hướng giảm, nhưng tỷ lệ tử vong cao. Tuýp virus gây bệnh TCM là EV71 có độc tính cao, diễn tiến bệnh nhanh. “Phân tích cho thấy 65% số ca mắc, 90% tử vong tập trung ở khu vực phía Nam. So với năm 2009 số tử vong cao hơn gấp 5 lần, so với năm 2010 đã vượt đỉnh lên 20 lần”, ông Hữu cho biết.

Bênh cạnh đó, các chuyên gia cũng khẳng định, việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân TCM còn tồn tại nhiều vấn đề. BS. Tăng Chí Thượng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM đưa ra bằng chứng: Có 14,6% trường hợp chuyển viện từ các tuyến bị chẩn đoán sai thành bệnh hô hấp (như viêm phổi, hen phế quản, sốt nhiễm trùng…). Trong số 20 trường hợp chuyển viện, thì 10 trường hợp chuyển viện không an toàn trong tình trạng sốc nặng, suy hô hấp… đặc biệt có trường hợp tử vong trên đường chuyển viện. Ngoài ra có 33% các trường hợp nhập viện khi bệnh đã chuyển biến nặng. Đây là những trường hợp nhập viện trễ do người nhà không nhận biết được dấu hiệu nặng cảnh báo.

“Điều trị bệnh TCM nặng đòi hỏi phương tiện hiện đại. Với ca TCM nặng độ 3-4, nếu chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên thì nguy cơ tử vong rất cao, vì vậy việc điều trị tại chỗ là rất cần thiết. Ngay từ bây giờ các bệnh viện tuyến dưới phải bắt tay vào đầu tư để tránh những trường hợp đáng tiếc, đồng thời để giảm tải cho tuyến cuối”, BS. Tăng Chí Thượng khẳng định.

PGS. TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thì lo ngại khó kiểm soát tình trạng người lành mang bệnh trong cộng đồng. Bởi 1 điều tra mới đây cho thấy, có hơn 50% số người lành mang vi trùng gây bệnh này trong cộng đồng.

Cần quyết liệt từ địa phương

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, bệnh TCM ở nước ta diễn biến tương tự các nước trong khu vực như Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc. Tuy nhiên, số ca ở nước ta tăng lên một phần do công tác phòng chống tại các địa phương chưa quyết liệt, công tác truyền thông hạn chế, lúng túng trong xử lý các ca mắc ở giai đoạn đầu.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến hướng dẫn người dân rửa tay đúng cách

Khi kiểm tra tại Ninh Thuận cuối tuần trước, địa phương vừa công bố dịch TCM, Bộ Y tế đánh giá vệ sinh cho trẻ nhỏ còn kém. Không chỉ tay chân trẻ nhiễm bẩn, mà chính những người chăm sóc trẻ cũng không sạch sẽ, nhiều người không rửa tay bằng xà phòng khi cho trẻ ăn hoặc sau khi trẻ đi vệ sinh, đồ chơi của trẻ cũng ít khi được rửa sạch. 

Tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Ninh Thuận, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cùng Bộ Y tế phát động Chiến dịch rửa tay bằng xà phòng để nâng cao ý thức phòng chống dịch TCM cho cán bộ ngành y tế và cộng đồng. Ngay sau lễ phát động rửa tay bằng xà phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cùng lãnh đạo các vụ, cục trực thuộc Bộ Y tế trực tiếp thị sát các thôn, xã có trẻ mắc TCM.

Kiểm tra việc tuyên truyền kiến thức phòng bệnh và ý thức của người dân, Bộ trưởng và đoàn công tác đã tới thôn Phước Thiện 1 (xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước), nơi có nhiều trẻ mắc bệnh TCM. Tại đây, Bộ trưởng nhận định, hầu hết các bà mẹ có con nhỏ tại địa phương chỉ biết về bệnh TCM sau khi có con mắc bệnh. Họ có biết về việc rửa tay phòng bệnh, nhưng biết chưa tường tận và chưa thực hành rửa tay khi chăm sóc trẻ, nhất là không chú ý rửa tay cho trẻ.

Để phòng bệnh hiệu quả, người đứng đầu Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế, trường mầm non phải có xà bông rửa tay. Đồng thời xây dựng các trung tâm huấn luyện điều trị bệnh TCM tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: Phải đẩy mạnh tuyên truyền đúng địa chỉ theo khẩu hiệu “3 sạch, 4 biết”. 3 sạch là ăn uống sạch, ở sạch và đồ chơi trẻ sạch; 4 biết là phải nói cho người dân rõ đối tượng nguy cơ mắc TCM là trẻ dưới 5 tuổi, đường lây qua tiêu hóa, nguy cơ bệnh mắc nhiều theo mùa, theo vùng, không có thuốc đặc hiệu nên tốt nhất phải dự phòng.

Từ nay đến hết 15/12 tới, lãnh đạo chính quyền các địa phương, từ tỉnh, huyện, xã phải trực tiếp giám sát xem người dân đã thực hiện “3 sạch, 4 biết” đến đâu. Sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời công tác phòng ngừa, điều trị” - Phó Thủ tướng chỉ đạo./.

Chữa TCM bằng nước ozon là chưa có cơ sở!

Trả lời báo chí về việc TS. Vật lý Nguyễn Văn Khải áp dụng chữa TCM tại Ninh Thuận bằng nước ozon, tạo ra từ quá trình điện phân muối, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đây là việc làm rất đáng hoan nghênh, song 1 sản phẩm sử dụng cho sức khỏe phải tuân thủ quy định kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt, thử nghiệm lâm sàng trước khi sử dụng đại trà cho con người. Sau đó, Hội đồng Đạo đức y sinh học thẩm định, đánh giá trước khi sử dụng chứ không thể đùa giỡn với tính mạng con người.

TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng cho biết, công trình của TS. Khải chỉ là bài thuốc hỗ trợ điều trị giai đoạn 1 bệnh tay chân miệng chứ không có tác dụng vào tế bào diệt virus này, thậm chí gây ảnh hưởng đến thần kinh.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên