3 bài học từ giai đoạn đầu đại dịch Covid-19 đến nay đã “lỗi thời”

VOV.VN - Theo Vox, tình hình Covid-19 hiện tại rất khác so với nửa đầu năm 2020, thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát, bởi vậy cần có cần những cách tiếp cận mới để phù hợp với diễn biến của dịch bệnh.

Quay trở lại vào đầu năm 2020, khi nghe về đại dịch đang bùng phát và các lệnh phong tỏa, nhiều người có thể đã nghĩ: “Tôi thực sự không muốn mắc Covid-19, vì vậy tôi sẽ rất thận trọng và đợi cho đến khi virus biến mất, sau đó cuộc sống của tôi sẽ trở lại bình thường”.

Những thông điệp về sức khỏe cộng đồng dường như ủng hộ chiến lược “chờ đợi” này. Người dân được yêu cầu ở nhà, hạn chế ra đường, nỗ lực “làm phẳng đường cong” đại dịch để không khiến các bệnh viện địa phương quá tải và cố gắng bảo vệ bản thân cho đến khi có vaccine.

Hiện tại, thế giới đã có vaccine ngừa Covid-19. Nhưng thực tế lại ảm đạm hơn những gì chúng ta mong đợi. “Covid-19 sẽ không biến mất. Nó sẽ trở thành bệnh đặc hữu”, Krutika Kuppalli, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Nam Carolina, cho biết. Điều này có nghĩa là virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục lưu hành trong một bộ phận dân số trên toàn cầu trong nhiều năm, nhưng sẽ giảm xuống mức có thể kiểm soát được.

Điều quan trọng là một bệnh truyền nhiễm được coi là căn bệnh đặc hữu khi tỷ lệ lây nhiễm phải ổn định qua các năm, mặc dù dự kiến số ca mắc bệnh sẽ tăng vào mùa đông.

Tuy nhiên, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đã khiến số ca mắc Covid-19 tăng đột biến. Trong khi đó, phần lớn dân số trên toàn cầu vẫn chưa có miễn dịch, cho dù nhờ tiêm chủng hay từng mắc bệnh, bởi vậy, tỷ lệ lây nhiễm vẫn còn khá cao.

“Cần nhớ rằng chúng ta vẫn đang ở trong một đại dịch. Vẫn chưa đến thời điểm chúng ta coi Covid-19 như một bệnh đặc hữu. Khi chúng ta đạt đến điểm đó, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều, nhưng chúng ta vẫn chưa ở mức đó”, Jen Kates, giám đốc chính sách về y tế và HIV toàn cầu tại tổ chức Kaiser Family Foundation, cho biết.

Đây là một trong những lý do tại sao nhiều người không biết nên nghĩ như thế nào về đại dịch trong thời điểm hiện tại. Mỹ đã trải qua giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19 và những thông điệp trong giai đoạn đó sẽ không thể áp dụng cho giai đoạn hiện tại của đại dịch. Nhưng thế giới cũng chưa ở trong giai đoạn coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, vì vậy không thể hành động như thể Covid-19 giống như bệnh cảm lạnh hoặc cúm. 

Vox đã chỉ ra 3 bài học được rút ra trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, nhưng có thể sẽ không còn phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện tại.

Tập trung vào số ca mắc bệnh thay vì số ca nhập viện và tử vong

Vào đầu năm 2020, mọi người đều nói về R0 (hệ số lây nhiễm), con số cho biết trung bình một người mắc bệnh sẽ lây nhiễm cho bao nhiêu người khác. Đối với phiên bản SARS-CoV-2 đầu tiên, các chuyên gia ước tính R0 từ 2-3. Nói cách khác, 1 người nhiễm virus có thể lây truyền cho 2-3 người khác.  

Số ca mắc bệnh đã trở thành số liệu chính mà công chúng sử dụng để nói về mức độ nghiêm trọng của đại dịch. Các chuyên gia y tế đã đưa ra một mục tiêu rõ ràng, đó là ngăn chặn sự gia tăng đột biến số ca mắc bệnh để “làm phẳng đường cong” đại dịch. Người dân đã hình thành thói quen kiểm tra số ca mắc Covid-19 ở địa phương mỗi ngày. Nhiều người hình thành thói quen về nhận thức, coi tất cả các bệnh lây nhiễm đều nguy hiểm.

Điều này có ý nghĩa vào thời điểm đầu đại dịch, bởi khi đó vẫn chưa có vaccine và tỷ lệ lây nhiễm cao sẽ dẫn đến nhiều ca nhập viện và tử vong hơn.

Theo Amesh Adalja, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, tại một quốc gia đã tiêm chủng đầy đủ hoặc tiêm 1 liều cho người dân, số ca mắc bệnh không còn là thước đo chính nên tập trung vào.

“Nếu tiếp tục theo dõi số ca mắc bệnh của một căn bệnh hô hấp đặc hữu thì kết quả sẽ không đi đến đâu. Chúng ta sẽ luôn có một số cấp độ cơ bản của dịch bệnh”, ông Adalja nói.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là số ca mắc bệnh hoàn toàn không quan trọng. Thứ nhất, một số người có thể sẽ mắc “Covid kéo dài” (Long Covid) - hội chứng sau mắc Covid-19 hoặc di chứng sau giai đoạn mắc Covid-19 cấp tính. Tình trạng này thường không được nhắc đến thường xuyên như các ca nhập viện và tử vong do Covid-19, nhưng nó cũng rất quan trọng.

Thứ hai, biến thể Delta có khả năng lây truyền cao hơn so với phiên bản gốc của SARS-CoV-2, với R0 hiện được ước tính từ 6-7, vì vậy nó có thể lây lan nhanh chóng ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp. “R0 rất quan trọng khi xem xét các khu vực phần lớn người dân chưa được tiêm chủng như bang Missouri hoặc một số quận ở bang Mississippi”, ông Adalja thừa nhận.

“Chúng ta phải tránh chỉ tập trung vào số ca bệnh và thực sự nên nhìn vào sự quá tải của bệnh viện. Số ca nhập viện có tăng lên không? Các bệnh viện có đang báo cáo tình trạng quá tải không? Đó mới là điều quan trọng”, ông Adalja nói.

Vào năm 2020, khi thế giới chưa có vaccine để ngăn ngừa hoặc làm giảm tình trạng bệnh nghiêm trọng, tỷ lệ lây nhiễm cao khiến dịch bệnh ngày càng lan rộng. “Cách duy nhất để thay đổi điều đó là tìm các biện pháp để đưa R0 xuống dưới 1. Đó là lý do tại sao nhiều quốc gia đã áp dụng lệnh phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Tất cả những biện pháp đó được thực hiện để giảm áp lực cho hệ thống y tế và dành thời gian cho các nước nghiên cứu vaccine”, bà Kates nói. Hiện tại, thế giới đã có vaccine Covid-19 với hiệu quả cao, mục tiêu mới rất rõ ràng, nhưng khác so với năm 2020. “Mục tiêu là tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt, bởi điều này sẽ giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong do Covid-19”.

Cố gắng loại bỏ rủi ro thay vì giảm thiểu

Khi nói đến HIV/AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục khác, nhiều chuyên gia y tế đã áp dụng một phương pháp gọi là giảm thiểu tác hại. Họ nhận ra rằng việc thúc đẩy cách tiếp cận “không rủi ro” (tránh tất cả các hoạt động liên quan đến bất kỳ rủi ro nào) là không hiệu quả. Mọi người cần có niềm vui trong cuộc sống, vì vậy, điều tốt nhất cần làm là giảm thiểu tác hại, thay vì chỉ mong mọi người tránh hoàn toàn các rủi ro.  

“Tôi nghĩ những gì đã xảy ra trong thời kỳ đầu của đại dịch là nhiều chuyên gia y tế đã áp dụng phương pháp không rủi ro. Cách tiếp cận đó về cơ bản đã nói với mọi người rằng: đừng làm bất cứ điều gì, không điều gì trong số đó là an toàn, không có mức độ rủi ro nào có thể chấp nhận được”, ông Adalja nói.

Cách tiếp cận “không rủi ro” này là một phản ứng dễ hiểu vào thời điểm đầu đại dịch, khi ​​các bệnh viện ở những nơi như thành phố New York rơi vào khủng hoảng và vẫn có ít thông tin về virus SARS-CoV-2.

Nhiều tháng đã trôi qua, một số chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng nhược điểm của phương pháp này là nghiêm trọng. Một số chuyên gia khác tiếp tục thúc đẩy việc giảm thiểu tác hại và quan điểm của họ đã được chấp nhận ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, cách tiếp cận không rủi ro được áp dụng từ đầu đại dịch, đối với một số người rất khó thay đổi. Suy nghĩ này hoàn toàn có thể hiểu được với những tổn thương mà nhiều người đã trải qua. Tuy nhiên, có thể SARS-CoV-2 sẽ luôn lưu hành ở một mức độ nhất định và mọi người phải học cách chấp nhận một số rủi ro.

Trẻ em ít bị tổn thương bởi Covid-19 hơn người lớn

Dù đầu năm 2020 là khoảng thời gian đại dịch bắt đầu bùng phát, nhưng một thông điệp an ủi mà mọi người liên tục nhận được, đó là trẻ em ít có khả năng bị bệnh nặng do Covid-19. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nặng là người cao tuổi và những người bị suy giảm hệ miễn dịch.

Vox nhận định rằng, đúng là nguy cơ trẻ em mắc bệnh nặng tương đối thấp, nhưng có 2 điều đã thay đổi.

Đầu tiên, người lớn đủ điều kiện để được tiêm chủng, trong khi trẻ em dưới 12 tuổi, chiếm khoảng 50 triệu người ở Mỹ, thì chưa thể tiêm vaccine. Vì vậy, trong khi người lớn đã quen với suy nghĩ mình dễ bị tổn thương hơn so với trẻ em vào năm 2020, những người trưởng thành đã tiêm chủng hiện tại có “lá chắn” bảo vệ trước Covid-19, nhưng trẻ em thì vẫn chưa.

Thứ hai, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đã khiến nhiều trẻ em phải nhập viện hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây trong đại dịch. “Trên khắp đất nước, số ca mắc Covid-19 ở trẻ em đang tăng vọt cùng với số ca bệnh ở người lớn chưa tiêm vaccine. Số ca nhập viện ở trẻ em cũng tăng cao. Trong tuần cuối cùng của tháng 7, Mỹ ghi nhận gần 72.000 trẻ em mắc Covid-19”, Katherine J. Wu viết trong một bài báo đăng trên Atlantic.

“Khi xem xét các loại virus gây bệnh về đường hô hấp khác như cúm và RSV (virus hợp bào hô hấp), tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ em cao hơn Covid-19”, ông Adalja nói.

Kates cho biết, bà chưa sẵn sàng xem xét Covid-19 giống như bệnh cúm vì vẫn thấy sự gia tăng lớn về số ca mắc bệnh. Đây vẫn chưa phải là căn bệnh đặc hữu.

“Tỷ lệ lây nhiễm vẫn cao và tôi nghĩ rằng đó là một đề xuất mạo hiểm vào thời điểm này. Trẻ em có thể lây lan virus SARS-CoV-2. Bởi vậy, khi trẻ em vẫn chưa được tiêm chủng, chúng tôi đang cố gắng làm giảm nguy cơ phơi nhiễm, không chỉ cho trẻ em mà cho tất cả những người khác. Khoảng 50% dân số Mỹ vẫn chưa được tiêm chủng đầy đủ”, bà Kates cho biết.

Điều này không có nghĩa là cha mẹ nên giữ con của họ ở nhà mọi lúc. Như đã đề cập ở trên, cách tiếp cận không rủi ro sẽ phải nhường chỗ cho việc giảm thiểu tác hại.

Chuyên gia Kates cho rằng, điều tốt nhất cha mẹ có thể làm để bảo vệ trẻ em là bản thân đi tiêm chủng đầy đủ và khuyến khích người khác tiêm chủng đầy đủ. Bà Kates cũng khuyến cáo rằng các bậc phụ huynh đã tiêm chủng đầy đủ nên đeo khẩu trang trong nhà và ở những nơi công cộng, ngay cả khi thành phố hoặc tiểu bang của họ không yêu cầu, để giảm nguy cơ lây nhiễm và lây truyền virus sang trẻ em./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Canh bạc” của Anh thành hay bại sau 1 tháng dỡ bỏ mọi hạn chế vì Covid-19?
“Canh bạc” của Anh thành hay bại sau 1 tháng dỡ bỏ mọi hạn chế vì Covid-19?

VOV.VN - Một tháng sau khi Anh dỡ bỏ mọi hạn chế phòng Covid-19 vào ngày 19/7, trong khi chiến dịch tiêm chủng vẫn tiếp tục được triển khai, nước này đang chứng kiến một số hệ quả của việc mở cửa trở lại.

“Canh bạc” của Anh thành hay bại sau 1 tháng dỡ bỏ mọi hạn chế vì Covid-19?

“Canh bạc” của Anh thành hay bại sau 1 tháng dỡ bỏ mọi hạn chế vì Covid-19?

VOV.VN - Một tháng sau khi Anh dỡ bỏ mọi hạn chế phòng Covid-19 vào ngày 19/7, trong khi chiến dịch tiêm chủng vẫn tiếp tục được triển khai, nước này đang chứng kiến một số hệ quả của việc mở cửa trở lại.

Sự gia tăng các ca mắc Covid-19 dù đã tiêm vaccine có thực sự đáng ngại?
Sự gia tăng các ca mắc Covid-19 dù đã tiêm vaccine có thực sự đáng ngại?

VOV.VN - Vaccine Covid-19 có thể không tạo ra chiếc áo giáp “bất khả chiến bại” trước virus SARS-CoV-2 nhưng có thể giúp chúng ta giảm đáng kể tỷ lệ tử vong trong cuộc chiến với đại dịch khốc liệt này.

Sự gia tăng các ca mắc Covid-19 dù đã tiêm vaccine có thực sự đáng ngại?

Sự gia tăng các ca mắc Covid-19 dù đã tiêm vaccine có thực sự đáng ngại?

VOV.VN - Vaccine Covid-19 có thể không tạo ra chiếc áo giáp “bất khả chiến bại” trước virus SARS-CoV-2 nhưng có thể giúp chúng ta giảm đáng kể tỷ lệ tử vong trong cuộc chiến với đại dịch khốc liệt này.

Biến thể Delta tiếp tục “lộng hành”, đã đến lúc cần vaccine Covid-19 mới?
Biến thể Delta tiếp tục “lộng hành”, đã đến lúc cần vaccine Covid-19 mới?

VOV.VN - Ngày càng có nhiều người mắc Covid-19 dù đã được tiêm chủng đầy đủ cùng với sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Delta đặt ra câu hỏi liệu đã đến lúc chúng ta cần tiêm mũi tăng cường, hay thậm chí là loại vaccine mới hay chưa?

Biến thể Delta tiếp tục “lộng hành”, đã đến lúc cần vaccine Covid-19 mới?

Biến thể Delta tiếp tục “lộng hành”, đã đến lúc cần vaccine Covid-19 mới?

VOV.VN - Ngày càng có nhiều người mắc Covid-19 dù đã được tiêm chủng đầy đủ cùng với sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Delta đặt ra câu hỏi liệu đã đến lúc chúng ta cần tiêm mũi tăng cường, hay thậm chí là loại vaccine mới hay chưa?