Điện Biên: Bao giờ rừng Mường Phăng thôi “nhỏ máu“?
VOV.VN - Lực lượng kiểm lâm chuyên trách thiếu và yếu, dân cư phân bố chưa hợp lý... là những nguyên nhân cơ bản khiến tình trạng chặt phá rừng chưa chấm dứt.
Ngày 30/10/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1976 phê duyệt rừng Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên vào quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Tháng 7/2015, UBND tỉnh Điện Biên cũng đã ban hành Quyết định số 611 về việc giao hơn 1.000ha đất rừng đặc dụng giai đoạn 1 tại địa bàn các xã Mường Phăng, Pá Khoang, huyện Điện Biên cho chủ rừng là Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng.
Quyết định này cũng nêu rõ trách nhiệm của chủ rừng trong công tác bảo vệ môi trường.
Tình trạng người dân chặt trộm gỗ nhỏ lẻ vẫn thường xuyên diễn ra. |
Việc hơn 8.100 m2 rừng đặc dụng Mường Phăng thuộc khu vực bản Đông Mệt, xã Pá Khoang, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên liên tiếp bị chặt phá nghiêm trọng trong 3 tháng qua được chủ rừng lý giải, là do lực lượng mỏng, cơ quan liên tục xảy ra biến động về con người.
Trong khi đó, theo Quyết định 1976, các khu rừng đặc dụng sau khi được cấp thẩm quyền xác lập, thành lập bộ máy quản lý phải được ưu tiên cung cấp đầy đủ nguồn lực, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để đảm bảo hoạt động có hiệu quả.
Đồng thời đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thực thi pháp luật của các ban quản lý khu rừng đặc dụng, nâng cao nhận thức trách nhiệm, sự phối hợp quản lý của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư vùng đệm các khu rừng đặc dụng.
Bảng so sánh tình hình biến đổi về số lượng và chất lượng rừng do Ban quản lý rừng Di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng cung cấp. |
Tuy nhiên đối với rừng Mường Phăng, đại diện chủ rừng là ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng cho biết, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư vùng đệm là rất khó, bởi 47 bản của 2 xã Mường Phăng, Pá Khoang đa phần là đồng bào dân tộc, sinh sống xen kẽ với rừng, dựa vào rừng.
Bà con vẫn giữ nhiều phong tục tập quán liên quan đến rừng, nên tình trạng trộm cây rừng nhỏ lẻ vẫn thường xuyên diễn ra.
Hơn nữa, đơn vị cũng không đủ lực lượng rải ra để bám sát thường xuyên, cũng chỉ có lực lượng tuần tra, kiểm tra theo lịch, kế hoạch.
Cũng theo ông Cường, hàng năm, đơn vị luôn chú trọng việc tuyên truyền cho người dân về công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng; Tham mưu cho chính quyền địa phương củng cố lại ban phòng chống cháy rừng cấp xã và thành lập các tổ đội phòng chống cháy rừng ở các thôn, bản. Đồng thời, khoán lại rừng cho từng nhóm cộng đồng quản lý để hưởng dịch vụ chi trả môi trường rừng.
Tuy nhiên, việc tố giác hành vi phá rừng rất khó, bởi liên quan đến vấn đề anh em, gia đình họ hàng...
Do vậy, từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn vẫn xảy ra 3 vụ người dân vào rừng chặt trộm cây nhỏ lẻ mà không xác định được thủ phạm, tang vật thu về 4m3 gỗ giao cho lực lượng kiểm lâm xử lý.
Ông Phạm Văn Khiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết: "Hiện nay tổng số diện tích rừng cần phải quản lý là hơn 4.000ha. Tuy nhiên việc tham mưu cho chính quyền, phối hợp với chủ rừng thì chúng tôi mới chỉ bố trí được 3 công chức kiểm lâm.
Theo quy định đối với rừng đặc dụng là 500 ha trở lên thì xem xét bố trí 1 biên chế, như vậy vẫn còn thiếu. Thứ 2 là các hoạt động tuần tra bảo vệ khu rừng này cũng rất phức tạp, sống xen kẽ trong khu rừng rất là nhiều hộ dân do vậy việc phát hiện hành vi chặt hạ cây rừng hoặc có hành vi lấn chiếm đất rừng để canh tác là cũng rất khó khăn.
Thời gian qua chúng tôi đã xây dựng quy ước, tuy nhiên quy ước cũng chưa đi vào thực tiễn của đời sống. Do vậy chúng tôi thấy rằng việc quản lý bảo vệ rừng phải có sự tham gia của người dân thì mới thành công".
Nhiều hộ dân sống xen kẽ trong khu rừng, do vậy việc phát hiện hành vi chặt hạ cây rừng, hoặc có hành vi lấn chiếm đất rừng để canh tác cũng rất khó khăn.
|
Vấn đề càng bất cập ở chỗ, theo Luật bảo vệ và phát triển rừng, chỉ những khu rừng đặc dụng có diện tích từ 15.000ha trở lên mới được thành lập hạt kiểm lâm. Vậy với diện tích được giao hiện nay, tỉnh Điện Biên chưa đủ điều kiện để làm việc này.
Ông Lò Quang Chiêu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết khu rừng này tổng diện tích rừng tự nhiên chỉ có 5.000 ha. Trong đó có 4.500ha là đất có rừng.
Hiện nay những diện tích này không được thành lập hạt kiểm lâm tại ban quản lý, chủ yếu là kiểm lâm của huyện tự cử người cắm.
Theo điều 37, Luật bảo vệ và phát triển rừng, trách nhiệm đầu tiên để xảy ra các vụ phá rừng trên địa bàn thuộc về chủ rừng.
Tuy nhiên, việc phá rừng ở Mường Phăng đã diễn ra 3 tháng, nhưng sự việc này mới được xử lý ở việc lập biên bản và đình chỉ hành vi vi phạm.
Với những khó khăn như vừa nêu, câu hỏi đặt ra là đến bao giờ, rừng đặc dụng Mường Phăng mới được quản lý nghiêm ngặt, để gỗ rừng Mường Phăng thôi “nhỏ máu”?/.