Điện Biên Phủ trên không: Tiết lộ cách đánh bại B52

(VOV) -Hội nghị 10 người của Bộ tổng tham mưu trước chiến dịch đã đưa ra phương án bắn hạ B52.

Trước khi bước vào chiến dịch phòng không tháng 12/1972, đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược mà chủ yếu bằng máy bay B52 của Mỹ vào thủ đô Hà Nội, TP Hải Phòng và một số địa phương khác trên miền Bắc, dưới sự tài trí của Trung ương Đảng và quân uỷ Trung ương, quân và dân ta đã hoàn toàn chủ động nắm bắt được toàn bộ kế hoạch ngay từ cấp cao nhất của đối phương.

Đây là một yếu tố đặc biệt quan trọng để chúng ta giành toàn thắng trong trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội.

Phải đánh trúng B52

Ra đời từ năm 1952, B52 được mệnh danh là “siêu pháo đài bay” - trụ cột của không quân Mỹ.

Ngày 6/4/1972, Mỹ huy động không quân, hải quân mở chiến dịch đánh phá trở lại miền Bắc. Ngày 10/4/1972, chúng cho B52 đánh phá TP Vinh (Nghệ An). Ngày 6/4/1972, đánh phá TP Hải Phòng; ngày 9/5/1972, thả thuỷ lôi, phong toả các cảng ven biển và các cửa sông.

 

B52 bay cao trên 10km, đánh đêm là chính, sử dụng rất nhiều loại nhiễu điện từ phức tạp (Ảnh tư liệu)

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đứng trước thử thách cực kỳ gay go và quyết liệt.

Trước tình hình đó, Bộ Tổng tham mưu tổ chức hội nghị bàn phương pháp tác chiến.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh - nguyên Phó Cục trưởng Cục tác chiến kể lại, thì hội nghị chỉ có 10 người, song ý kiến thảo luận rất sôi nổi. Những câu hỏi nêu ra là: Mỹ có đưa B52 ném bom Hà Nội và vùng lân cận không, nếu đưa thì thời điểm nào? Ta có bắn rơi được B52 không, cách đánh ra sao? công tác chuẩn bị cho đánh thắng…

Đồng chí Mạc Lâm, cán bộ Cục 2 sau khi thông báo hoạt động của B52 trên chiến trường Đông Dương đã nhấn mạnh, B52 bay cao trên 10km, đánh đêm là chính, sử dụng rất nhiều loại nhiễu điện từ phức tạp, nhưng giặc lái rất lo sợ khi bay vào vùng trời phía Bắc Việt Nam và nhất là chúng ngại đánh ban ngày.

“Phải đánh trúng B52”, lời nói chắc chắn như đinh đóng cột của Tư lệnh quân chủng phòng không không quân Lê Văn Chi tạo thêm cú hích mới cho hội nghị. Phải giải quyết cả kỹ thuật và chiến thuật, cơ động hợp lý, phòng tránh kịp thời, tên lửa cố gắng đánh trước lúc B52 cắt bom, phát hiện đánh cả máy bay chỉ huy của chúng.

Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học kỹ thuật Nhà nước Trần Đại Nghĩa nêu ý kiến, muốn khắc phục các loại nhiễu điện từ, các biện pháp kỹ thuật cần nhất là có các trắc thủ giỏi. Nếu địch đánh ban đêm, ta có thể thả pháo sáng để quan sát B52.

Một nhà khoa học tự nhiên có tiếng tưởng ông đưa ra những biện pháp xử lý kỹ thuật thì thật bất ngờ và chí lý khi ông lại nêu vấn đề con người là quyết định.

Phó Tổng tham mưu trưởng Phùng Thế Tài kết luận và chỉ thị cần phải đẩy mạnh nghiên cứu cách đánh B52 bằng lực lượng và vũ khí hiện có của quân chủng phòng không không quân, đánh trúng bắn rơi được máy bay B52 là nhiệm vụ cấp bách, là yêu cầu cao về quân sự, chính trị ngoại giao.

Quân chủng phòng không không quân phải được chuẩn bị chi tiết cả con người và vũ khí cho chiến thắng B52.

Ngay sau hội nghị, Bộ tổng tham mưu chỉ thị cho quân chủng phòng không không quân thực hiện gấp việc nghiên cứu tiếp và triển khai kế hoạch đánh B52, biên soạn tài liệu huấn luyện và tập huấn B52 trong các tình huống phức tạp.

Tiếp đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Quân uỷ Trung ương - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp làm việc phòng không không quân, tư lệnh các binh chủng radar tên lửa, không quân, và sư đoàn trưởng sư đoàn phòng không Hà Nội xác định phương hướng tác chiến chiến chiến dịch phòng không đánh B52 bảo vệ Hà Nội.

Tháng 9/1972, Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh quân chủng phòng không không quân bổ sung và hoàn thiện phương án mới đánh B52 được gọi là: Phương án tháng 9.

Phương án xác định những vấn đề cơ bản về nghệ thuật chiến dịch phòng không, như phán đoán phương án, âm mưu thủ đoạn, hướng vào mục tiêu tiến công của địch, quyết định sử dụng lực lượng và cách đánh của ta.

Cùng với việc chỉ đạo hoàn thành phương án đánh B52, Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo quân chủng phòng không không quân khẩn trương xây dựng thế trận, điều chỉnh lực lượng, nhanh chóng hoàn thành mạng lưới phòng không 3 thứ quân nhiều tầng, nhiều hướng, có trọng điểm, vào hai khu vực, Hà Nội và Hải Phòng.

Ngày 24/11/1972, Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, cùng các phó Tổng tham mưu trưởng Trần Quý Hai, Vương Thừa Vũ, Cao Văn Khánh, Phùng Thế Tài, trực tiếp nghe Tư lệnh Lê Văn Chi, Chính uỷ Hoàng Phương, Phó Tư lệnh Nguyễn Quang Bích, Phó Chính uỷ quân chủng phòng không không quân Nguyễn Xuân Mậu báo cáo lần cuối kế hoạch phòng không đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng.

Tổng tham mưu trưởng phê chuẩn kế hoạch và lệnh cho quân chủng tiếp tục hoàn thiện công tác chuẩn bị kế hoạch chiến đấu trước ngày 3/12/1972.

Hạ 3 máy bay B52 trong đêm đầu

Đúng như nhận định của ta, sau khi trúng cử Tổng thống, Nixon ráo riết chuẩn bị hành động phiêu lưu mới về quân sự, Mỹ đặc biệt gia tăng số phi vụ B52 đánh phá các tuyến giao thông ở khu 4, tăng cường trinh sát chuẩn bị đánh phá bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng.

Ngày 14/12/1972, Nixon chính thức thông qua kế hoạch tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội và Hải Phòng.

Ngày 15 và 16/12/1972, qua theo dõi hoạt động trinh sát của máy bay Mỹ ở khu vực Hà Nội, Hải Phòng tăng lên đột ngột, cùng lúc qua trung tâm trinh sát kỹ thuật Cục 2, Bộ Tổng tham mưu nắm được địch phát lệnh báo động đối với phi công lái máy bay B52 ở Guam, và đề nghị cơ quan khí tượng báo cáo tình hình thời tiết ở miền Bắc Việt Nam trong những ngày tới. Một số tàu cứu hộ của Mỹ, được lệnh di chuyển lên vĩ tuyến 21.

8h ngày 17/12/1972, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho bộ đội phòng không không quân chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất, đề phòng máy bay B52 đánh đêm từ vĩ tuyến 20 trở ra.

16h ngày 18/12/1972, Bộ Tổng tham mưu thông báo cho quân chủng phòng không không quân biết có 33 máy bay B52 xuất kích từ sân bay đảo Guam, nhiều khả năng đánh phá miền Bắc.

Quân chủng phòng không không quân nhận định chắc chắn B52 sẽ đánh vào Hà Nội và ra lệnh cho các đơn vị hoàn thành công tác chuẩn bị đánh B52 trước 17 giờ.

Tới 19h10’ ngày 18/12/1972, Trung đoàn radar 291 ở Nghệ An phát hiện được nhiễu cùng nhiều tốp B52 đang bay trên không phận Lào lên phía Bắc Việt Nam.

Nhận được báo cáo từ sở chỉ huy quân chủng phòng không không quân, B52 đang bay vào Hà Nội, Cục Tác chiến báo cáo ngay Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương xin ý kiến và được Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đồng ý phát lệnh báo động cho Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Bộ Giao thông vận tải và một số tỉnh miền Bắc.

Lúc đó là 19h15’, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu phó Phùng Thế Tài, Cục trưởng Cục tác chiến Vũ Lăng có mặt tại sở chỉ huy, tổng hành dinh cùng tập thể cán bộ chiến sĩ trong kíp trực bước vào trận đánh lớn với không quân Mỹ.

Và từ 19h40’ ngày 18/12/1972, Mỹ đã huy động 93 lần chiếc B52, và 135 lần  chiếc máy bay chiến thuật đánh liên tiếp 3 đợt vào các mục tiêu ở Hà Nội, và các vùng phụ cận. Đường bay của máy bay B52 Mỹ vào đánh phá Hà Nội đúng như dự kiến của ta.

Trong đêm 18/12/1972, đêm mở đầu chiến dịch phòng không Hà Nội, quân và dân đã bắn rơi 3 máy bay B52 của Mỹ.

Trong 12 ngày đêm của chiến dịch, Mỹ đã huy động 740 lần chiếc B52, hơn 1000 lần chiếc máy bay chiến thuật có F111, sử dụng các khí tài điện từ, gây nhiễu hiện đại, đánh tập trung ồ ạt gần 20.000 tấn bom xuống các mục tiêu kinh tế, quân sự ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, và một số nơi khác.

Để đánh bại chiến dịch của không quân Mỹ, ta đã huy động 6 trung đoàn tên lửa phòng không, 4 trung đoàn không quân tiêm kích, 16 trung đoàn và 22 tiểu đoàn pháo phòng không, 4 trung đoàn radar, 346 đơn vị, pháo và súng máy phòng không của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ.

Bằng chiến dịch phòng không Hà Nội, Hải Phòng quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ, bắn rơi 81 máy bay, có 34 chiếc máy bay B52, 5 chiếc F111, diệt và bắt nhiều giặc lái.

Bị tổn thất lớn và không đạt mục đích, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom đánh phá từ Bắc vĩ tuyến từ 20 trở ra, đàm phán hội nghị Paris, và kết thúc chiến tranh phá hoại thứ hai đối với miền Bắc Việt Nam.

Cùng với cuộc tiến công chiến lược mùa hè của quân và dân miền Nam, chiến dịch phòng không Hà Nội, Hải Phòng là đòn chiến lược có ý nghĩa quyết định buộc Mỹ phải ký hiệp định Paris năm 1973 về Việt Nam rút hết quân Mỹ về nước.

Diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, 12 ngày đêm cuối năm 1972 gần giống như những gì mà hội nghị trước đó mà chúng ta đã dự báo. Chúng ta đánh B52 hoàn toàn trong thế chủ động./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Điện Biên Phủ trên không: Giáng sinh kinh hoàng
Điện Biên Phủ trên không: Giáng sinh kinh hoàng

(VOV) -Không giữ lời hứa, đúng dịp Giáng sinh, pháo đài bay Mỹ xuất kích 116 lần, đánh phá dữ dội miền Bắc, gây bao tang tóc đau thương

Điện Biên Phủ trên không: Giáng sinh kinh hoàng

Điện Biên Phủ trên không: Giáng sinh kinh hoàng

(VOV) -Không giữ lời hứa, đúng dịp Giáng sinh, pháo đài bay Mỹ xuất kích 116 lần, đánh phá dữ dội miền Bắc, gây bao tang tóc đau thương

Điện Biên Phủ trên không: Ký ức đau thương
Điện Biên Phủ trên không: Ký ức đau thương

(VOV) -Nghệ sỹ nhiếp ảnh Mai Nam đến giờ không thể quên được hình ảnh một nữ bác sỹ bị trúng bom chết ngay trước ngày cưới.

Điện Biên Phủ trên không: Ký ức đau thương

Điện Biên Phủ trên không: Ký ức đau thương

(VOV) -Nghệ sỹ nhiếp ảnh Mai Nam đến giờ không thể quên được hình ảnh một nữ bác sỹ bị trúng bom chết ngay trước ngày cưới.

Viết tiếp bản hùng ca "Điện Biên Phủ trên không"
Viết tiếp bản hùng ca "Điện Biên Phủ trên không"

(VOV) - Chương trình nhằm kết nối lớp trẻ 40 năm trước và lớp trẻ hiện nay.

Viết tiếp bản hùng ca "Điện Biên Phủ trên không"

Viết tiếp bản hùng ca "Điện Biên Phủ trên không"

(VOV) - Chương trình nhằm kết nối lớp trẻ 40 năm trước và lớp trẻ hiện nay.