Điều chỉnh quy hoạch TP.HCM cần bền vững, ít tác động đến môi trường, di sản
VOV.VN - Điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM phải nhấn mạnh các điểm như phát triển bền vững, ít tác động đến môi trường và di sản.
TP.HCM cũng cần đặt ra mục tiêu tăng trưởng hai con số để làm động lực phát triển cho TP và cả nước. Ngoài ra, cần chú ý vấn đề văn hóa, hồn đô thị. Đó là nhiều góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội nghị lấy ý kiến chuyên gia giữa kỳ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 do UBND TP.HCM tổ chức sáng nay (25/11).
6 định hướng chiến lược
Theo đơn vị tư vấn, có ba phương án về tầm nhìn phát triển TP.HCM. Thứ nhất, TP.HCM là Thành phố hợp lưu, nơi thiên nhiên giao thoa, nhân tài hội tụ và cơ hội lan tỏa. Một Thành phố đầy sức sống, nơi thiên nhiên và sự tiện ích lan tỏa đến từng không gian sống trong bán kính 15 – 20 phút di chuyển. Đây cũng là nơi mà các doanh nghiệp, doanh nhân và du khách có thể kết nối từ cảng biển, sân bay đến rừng ngập mặn trong vòng 15 – 20 phút.
Thứ hai, TP.HCM là TP năng động, hội tụ và lan tỏa và thứ ba là TP.HCM phát triển ngang tầm với các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng sống cao; là hạt nhân của vùng TP.HCM và vùng Đông Nam bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.
Bà Phạm Thị Huệ Linh, Giám đốc Trung tâm quy hoạch xây dựng 4, đại diện đơn vị tư vấn cho biết,TP.HCM nằm ở tâm điểm của vùng kinh tế có quy mô rất lớn. Trong bán kính 15 km – 30 km tập trung nhiều đô thị, trung tâm kinh tế với quy mô phát triển mạnh mẽ. Vai trò, vị thế của TP.HCM là hạt nhân, cực lan tỏa cho cả vùng.
Tại hội nghị, Tiến sĩ khoa học – KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá, mục tiêu rất nhiều nhưng cần nhấn mạnh các điểm như phát triển bền vững, ít tác động đến môi trường và di sản; phát triển kinh tế cần đặt ra mục tiêu tăng trưởng GRDP hai con số, qua đó giúp cho GDP cả nước tăng trưởng hai con số. Hiện nay, Luật Quy hoạch đã "cởi trói" nhiều để tạo điều kiện phát triển như quy hoạch tích hợp giữa kinh tế xã hội và xây dựng đô thị.
KTS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất 6 chiến lược cho TP.HCM. Thứ nhất là phát triển hệ thống đô thị đa trung tâm với các mục tiêu như: cung ứng đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho mọi khu đô thị lớn nhỏ; chuyển hướng chủ đạo phát triển khu nhà ở cao tầng ưu tiên về phía vùng đất cao.
Thứ hai là phát triển kinh tế biển với logistic liên kết vùng; thứ ba là quy hoạch khu đô thị TOD theo tư duy kinh tế thị trường. Tiếp theo là quy hoạch kết nối khu trung tâm và kết nối không gian ngầm; kế đến là phát triển không gian xanh và đô thị ven sông Sài Gòn; cuối cùng là bảo tồn di sản 300 năm và khu trung tâm lịch sử.
TSKH – KTS Ngô Viết Nam Sơn nghĩ rằng 6 định hướng chiến lược này sẽ là các điểm mới, đem lại giá trị mà ngay từ đầu đã đặt vấn đề, đó là phát triển bền vững, ít tác động môi trường và bên cạnh đó là phát triển kinh tế.
Quan tâm văn hóa, cái hồn của đô thị
Các đại biểu cũng nêu một số vấn đề khác như TP.HCM phải phát triển ra hướng biển Đông, nhưng cần làm rõ hệ thống nối kết giao thông từ cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với trung tâm, các vùng lân cận như thế nào. Ngoài ra, các ý kiến làm rõ thêm việc phát triển không gian ngầm; kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu; hệ thống cấp thoát nước…
Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam lưu ý quy hoạch chung cần chú ý đến vấn đề văn hóa. Dù là thành phố hội nhập nhưng phải có đặc trưng riêng, có cái hồn của đô thị. Ngoài ra, cần chuẩn bị một kế hoạch để thực hiện quy hoạch.
"Câu chuyện này rất cẩn thận, nếu không chừng quy hoạch đúng nhưng kế hoạch không đi theo được, đi nửa đường bể kế hoạch, bể cả quy hoạch. Chưa thấy đơn vị tư vấn đặt ra, cái này rất quan trọng, quy hoạch chung phải có một kế hoạch tương ứng", ông Nguyễn Trường Lưu nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM hướng đến thực hiện các mục tiêu đã được nêu trong Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về Đông Nam Bộ, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển TP.HCM với những vai trò, sứ mạng của TP.HCM, làm sao qua điều chỉnh quy hoạch phải khẳng định được rõ nét, vị trí vai trò của TP.HCM trong vùng, của cả nước và trong khu vực. Nhiệm vụ của hội nghị giữa kỳ là phải kiến tạo những không gian mới, những động lực mới và đề xuất những cơ chế, chính sách, cách làm để quy hoạch chung của TP.HCM thật sự khả thi.
Ông Phan Văn Mãi đề nghị Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP và đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ các ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học; phân nhóm, dự kiến nội dung tiếp thu để hoàn thiện quy hoạch, phản hồi các ý kiến mới:
"Khi chúng ta còn có ý kiến mới, ý kiến khác nhau thì cần phải trao qua đổi lại và có thông tin. Như thế các chuyên gia, nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu và góp ý cho chúng ta. Cho nên các vấn đề liên quan tầm nhìn, phương án, các ý kiến mới, phải cân nhắc để có phương án tiếp thu cho phù hợp"- ông Phan Văn Mãi nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thêm, TP sẽ cố gắng đảm bảo tiến độ chung; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ báo cáo cuối kỳ để trình Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ TP, trình HĐND TP.HCM vào cuối tháng 12/2023. Sau đó, TP sẽ hoàn thiện hồ sơ và dự kiến trình Bộ Xây dựng vào tháng 1/2024.