Đổ thải xây dựng tràn lan ở Bắc Kạn
VOV.VN - Hầu hết số thải này được đổ bừa bãi ra môi trường, trong khi các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương hầu như bất lực trong công tác quản lý.
Thời gian qua, hoạt động xây dựng tại thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn diễn ra khá sôi động, kèm theo đó là một lượng lớn phế thải xây dựng, chủ yếu là các loại đất đá phát sinh trong quá trình san ủi mặt bằng.
Một bãi đổ đất thải mới hình thành ngay phía trên khu vực có dân cư sinh sống tại tổ 8A, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn |
Năm 2018, một đơn vị xây dựng đã thỏa thuận với người dân, đổ những đống đất thải ngang lưng đồi khu vực tổ 8A, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn. Chỉ sau vài trận mưa đầu mùa năm nay, bùn đất đã theo dòng nước chảy xuống khu vực dân cư.
Bà Trịnh Thị Phiếm, một người dân ở đây cho biết: "Chưa cần đến mưa to, gọi là mưa bé thôi vẫn tụt mùn xuống đây nên không có lối đi nên tôi phải hót. Trước còn ít chứ từ ngày đổ nhiều thì nó có nhiều, đất mượn càng cao bao nhiêu thì trôi dễ bấy nhiêu, trước đất đồi không thì còn có cỏ giữ, chứ giờ đất kia thì chỉ bước không cũng tụt chứ chưa nói mưa nữa".
Sau vài trận mưa đầu mùa, phần sân của gia đình bà Trịnh Thị Phiếm tại tổ 8A, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn bị bùn đất từ bãi đổ đất thải tràn xuống phủ kín. |
Tình trạng đổ đất, đá phế thải tràn lan cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống nhiều hộ dân khác, song các ngành chức năng vẫn chưa có phương án xử lý hữu hiệu, nhất là đối với các loại chất thải rắn như vôi vữa, gạch, ngói vụn... bị đổ trộm dọc theo bờ sông Cầu, đoạn qua thành phố Bắc Kạn.
Theo những người dân ở đây, khi xây dựng nhà cửa, các chủ công trình thường thuê người vận chuyển phế thải xây dựng đi chỗ khác; còn mang đi đâu, đổ chỗ nào thì họ không quan tâm.
Ông Hà Đức Trường, Trưởng phòng Quản lý Đô thị thành phố Bắc Kạn thừa nhận: "Đổ thải công trình hiện thành phố khó khăn nhất vấn đề này, vừa rồi thành phố có hướng và phòng Quản lý đô thị cũng đề xuất tìm một điểm đổ và quy hoạch 1 khu làm nơi đổ đất thải cho các công trình nhưng cũng rất khó. Một là liên quan đến tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Và cũng muốn bàn, đề xuất có một khu vực quy hoạch đổ thải, nhà nước có thể bỏ tiền trước sau đó các gia đình, tổ chức cá nhân có nhu cầu đổ sẽ thu tiền, nhưng hiện vẫn chưa thống nhất được vấn đề này".
Mặc dù cơ quan chức năng của thành phố Bắc Kạn đã xử phạt một số trường hợp đổ trái phép phế thải xây dựng ra bờ sông Cầu, nhưng mỗi tháng vẫn có hàng chục ngàn m3 đất đá từ việc san lấp mặt bằng được doanh nghiệp và người dân đổ tràn lan tại các khu vực đồi bãi.
Điển hình là phía sau trường Cao đẳng nghề dân tộc nội trú tỉnh, thuộc địa phận xã Nông Thượng (giáp phường Phùng Chí Kiên thành phố Bắc Kạn), sau nhiều năm, hàng triệu m3 đất đá phế thải đã tạo thành một ngọn đồi mới.
Bãi đổ thải tự phát khổng lồ hình thành ngay phía sau trường Cao đẳng Nghề dân tộc nội trú tỉnh Bắc Kạn. |
Khu vực này cũng vi phạm chỉ giới đổ đất được cấp phép nhưng sự việc cũng chỉ dừng lại ở mức lập biên bản. Nhiều trường hợp vi phạm khi đổ đất đá thải khác cũng chỉ bị xử lý tương tự mà không có quyết định phạt hành chính nào được đưa ra.
Lý giải tình trạng này, ông Nguyễn Duy Diệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn cho rằng: "Hiện nay chúng ta chưa có chế tài nào xử lý, văn bản quy phạm pháp luật để căn cứ vào đó vẫn chưa có. Trong quá trình kiểm tra, khi có hiện tượng đổ thải hoặc đổ vượt, thành phố cũng chỉ giao cho đội kiểm tra đô thị kiểm tra, lập biên bản tạm dừng nhưng xử lý gặp nhiều khó khăn".
Đoạn sông Cầu qua tổ Thác Giềng, phường Xuất Hóa đang có nguy cơ bị vùi lấp do doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân để đổ đất ở ven sông. |
Bờ sông Cầu đoạn qua trung tâm thành phố Bắc Kạn cũng trở thành điểm đổ trộm chất thải từ các công trình xây dựng. |
Bài học nhãn tiền về quản lý và xử lý rác thải trên thế giới