Đổ xô đi học thuê tại chức
Giá mỗi buổi học dao động từ 30.000-60.000 đồng, nhiều sinh viên chọn việc đi học thuê để có thêm thu nhập bất chấp nguy cơ bị phát hiện.
Hình thức thuê học đa dạng: theo ngày, theo tuần, theo tháng, hoặc "hợp đồng" dài hạn. Nhiệm vụ của người học thuê là đến điểm danh và chép bài kiểm tra cho “thân chủ”. Hầu hết người đi học thuê là sinh viên chính quy của các trường ĐH, CĐ “trống giờ” vào buổi tối, với mong muốn có thêm chút tiền trang trải cho việc học hành.
Chị Nguyễn Thị Ngân (30 tuổi), là nhân viên của một công ty liên doanh nước ngoài, vì chỉ có bằng Cao đẳng nên chị quyết định thi và đi học thêm hệ tại chức trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Khi mới vào học, chị Ngân thường đến lớp và trả bài khá đầy đủ. Trong thời gian học, chị thấy trong lớp của mình thường xuyên có những gương mặt lạ. “Ban đầu cũng chẳng để ý làm gì, nhưng buổi học nào cũng thấy có một vài người lạ đến lớp ngồi học mấy buổi rồi thôi, vài tuần sau lại thấy xuất hiện. Hỏi ra mới biết các bạn ấy đi học thuê theo ngày cho một số học viên trong lớp...”, chị Ngân cho biết.
Đi làm cả tuần, áp lực công việc, cộng thêm gánh nặng gia đình và đứa con nhỏ chưa đầy 2 tuổi, chị Ngân không còn “mặn mà” với việc cắp cặp đi học đều đặn vào các buổi tối như trước. Được chị đồng nghiệp, cũng đang theo học một lớp tại chức ở Đại học Công đoàn “gợi ý”, chị quyết định thuê một sinh viên học hộ. Mục tiêu của chị Ngân là "không mất điểm chuyên cần” và "khi kiểm tra đột xuất thì không bị thiếu bài và không bị khó khăn lúc thi hết môn".
Học thuê tại chức đang trở thành nhu cầu hiện nay |
Nguyễn Thị Khuyên (sinh viên năm thứ 3, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) là một sinh viên chuyên đi học thuê cho hệ tại chức. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, Khuyên học thuê ở Học viện Hành chính Quốc gia với mức thù lao 40.000 đồng/buổi. “Việc học thuê khá nhàn, chỉ cần đến lớp đúng giờ chờ thầy, cô điểm danh xong là có thể tìm cách ra về, tuy nhiên cũng lo bị kỉ luật nếu chẳng may bị phát hiện”, Khuyên cho biết.
Một sinh viên của trường Đại học Công nghệ cũng đi học thuê tại chức chia sẻ một nỗi lo khác: “Đi học thuê không đúng chuyên nghành mình theo học nên không hiểu biết gì, nhiều khi có bài kiểm tra đột xuất phải “ngó nghiêng” đau cả cổ mới hoàn thành xong bài kiểm tra cho thân chủ... Đi học không hiệu quả, mất uy tín, sợ không được thuê tiếp...”.
Sinh viên này cho biết thêm: “Đi dạy gia sư 2 tiếng đồng hồ cũng chỉ được 40.000-50.000 đồng là cùng, lại mất 50% tháng lương đầu với trung tâm gia sư, làm các công việc khác thì lại mất quá nhiều thời gian. Việc đi học thuê là khá hợp lý, chỉ việc đến lớp ngồi 2 tiếng hết giờ đi về và nhận tiền...”.
Hình thức kỷ luật dành cho người đi học thuê và thuê học rất nghiêm khắc, bị đình chỉ học hoặc nặng hơn là bị đuổi học… nhưng nhu cầu thuê và nhu cầu muốn được thuê vẫn rất lớn.
Khi “cung” và “cầu” gặp nhau
Trong vai những sinh viên cần tìm mối đi học thuê, chúng tôi gặp chị Lan (sinh viên năm thứ 3, khoa Quản lý nhân lực, trường Đại học Lao động Xã hội). Biết mục đích của chúng tôi, chị đon đả: “Em có học được thứ bảy, chủ nhật hàng tuần không chị giới thiệu cho, học cho bạn chị, 60.000 đồng/buổi”. Rồi chị không quên xin tôi số điện thoại để phòng khi đi công tác xa hay có việc bận sẽ “có nhời” nhờ đến.
Trong các lớp tại chức còn có cả “đầu mối” cung cấp người học thuê. Một sinh viên hệ tại chức trường Đào tạo Cán bộ phụ nữ tiết lộ: “Lớp học của mình có một chị chuyên về việc học thuê. Ai trong lớp có nhu cầu chỉ cần nói với chị ấy một câu là có người đi học cho ngay...”. Không những thế, “dịch vụ" học thuê còn được mời chào, quảng cáo công khai. Những tờ rơi “nhận học thay” ngang nhiên được trưng bày ở cổng của bất kì trường ĐH, CĐ nào, với những lời “hứa hẹn, đảm bảo chất lượng cao như đinh đóng cột”.
Ngay cổng phụ của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Thủy Lợi, Đại học Công đoàn, Học viện Bưu chính - Viễn thông, Đại học Kiến trúc..., cạnh những tờ rơi quảng cáo dịch vụ, việc làm thêm cho sinh viên, còn có những tờ rơi quảng cáo rất đặc biệt. Những tờ rơi này được viết tay, sau đó được photo và dán ở nhiều nơi, với nội dung: “Nhận học thay tất cả các ngày trong tuần, tất cả các bậc học. Đảm bảo uy tín, chất lượng. Có nhu cầu xin liên hệ theo số điện thoại ... Rất hân hạnh được phục vụ”.
Tình trạng học thuê tại chức xảy ra ở hầu hết các trường. Đã có nhiều trường hợp bị phát hiện và phải chịu kỷ luật. Gần đây nhất là trường hợp đau lòng của một nữ sinh trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo nhà trẻ Trung ương. Nữ sinh này đi học thuê tại chức ngay trong trường đang theo học, bị phát hiện đồng thời nhận mức kỷ luật đình chỉ thực tập, cộng thêm “cú sốc” bị người yêu phụ bạc, đã nhảy xuống sông Hồng tự tử. Một trường hợp khác là Hoàng Thị Phượng, sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Thương mại, cũng theo bạn bè đi học thuê cho sinh viên tại chức Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Bị Ban Thanh tra phát hiện, Phượng bị kỷ luật, đình chỉ học một học kỳ và phải viết bản tường trình về hành vi đi học thuê trái phép, viết bản kiểm điểm nộp lên Văn phòng khoa.../.