Doanh nghiệp bít lối đi, người dân ở Đà Nẵng hết đường ra biển

VOV.VN - Những ngày gần đây, Tập đoàn Trung Thủy (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) đã tự ý dựng rào chắn bít các lối ra biển. 

Sau khi lãnh đạo thành phố trực tiếp xuống kiểm tra, chỉ đạo tháo dỡ bờ rào thì Tập đoàn này lại vin vào lý do công trình đang thi công, không phận sự miễn vào. Hàng trăm hộ dân ven biển Nam Ô, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng càng thêm bức xúc.

Người dân tự mở lối xuống biển.

Như tin đã đưa, sáng 21/3, nhiều người dân ven biển Nam Ô thuộc Tổ 42 phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng tụ tập tại rào chắn khu vực dự án của Công ty cổ phần Trung Thủy Đà Nẵng để phản đối việc doanh nghiệp này tự ý ngăn lối xuống biển.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã đến tận nơi kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp này phải tháo dỡ rào chắn, mở lối xuống biển cho người dân.
Gần 1 tuần sau, khi chúng tôi trở lại địa điểm này thì lớp rào chắn kiên cố đã được tháo dỡ nhưng thay vào đó là một thanh chắn barie, có người bảo vệ, bên cạnh đặt biển báo “công trình đang thi công, không phận sự miễn vào. Xin lỗi vì sự bất tiện này”.
Theo ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng thànhphố Đà Nẵng, dự án này hiện vẫn chưa được cấp phép xây dựng. Trong thời gian chưa thi công, chủ đầu tư phải tạo điều kiện cho người dân xuống biển.
“Dự án này Sở xây dựng chưa cấp phép xây dựng bất cứ một hạng mục nào cả. Cho nên việc chủ đầu tư làm những hàng rào tạm ngăn các khu đất trống trong thời gian chưa thi công thì cần sự đồng ý của chính quyền địa phương và sự thống nhất của người dân”, ông Vũ Quang Hùng nói.

Hàng rào kiên cố được dựng lên chắn ngang lối xuống biển.
Hàng trăm hộ dân ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu thành phố Đà Nẵng, mưu sinh bằng nghề biển, bây giờ, doanh nghiệp bịt lối ra biển gây nhiều khó khăn cho cuộc sống người dân.
Bà Huỳnh Thị Hoa, người dân Tổ 50, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu lo lắng, hầu hết bà con ở đây sống nhờ biển, đến mùa rong biển, mỗi ngày một người cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng.
Đường ra biển trước đây rộng thênh thang, nay Công ty cổ phần Trung Thủy Đà Nẵng tự ý bít lối ra biển, sử dụng cho riêng mình là bất hợp lý.
Theo bà Hoa, những ngày qua người dân nơi đây liên tục phản đối và tự phá dỡ rào chắn, mở đường ra biển mưu sinh: “Chúng tôi tự phá ra, chứ không phải họ tự giác tháo. Không những không mở rào, họ còn chằng đá, chắn lối đi. Dân ở đây vẫn còn làm biển thì họ vẫn phải lên xuống. Nhưng vừa rồi họ có ý rào lại, dân phản đối không cho. Người dân ở đây sống bằng nghề biển, nếu như bị cấm biển sẽ không biết sống ra sao”.
Theo người dân địa phương, làng Nam Ô hình thành trong quá trình mở đất phương Nam. Hiện, nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích tâm linh. Đó là, Di tích Dinh Âm hồn, Lăng Cá Ông, Miếu Bà Liễu Hạnh.
Bà Nguyễn Thị Liễu và nhiều người gắn bó lâu đời với mảnh đất Nam Ô tỏ ra lo lắng khi nghe tin 3 di tích này nằm trong vệt giải tỏa thuộc dự án Lacasta Nam Ô resort của Công ty cổ phần Trung Thủy.
Bà Liễu đề nghị chính quyền và ngành chức năng xem xét giữ lại cụm di tích này nhằm bảo tồn tín ngưỡng tâm linh truyền thống mà nhân dân và các chư phái tộc Nam Ô đang gìn giữ.
Bà Nguyễn Thị Liễu bộc bạch: “Ở đây dân của địa phương lúc nào cũng tôn trọng Miếu Bà và Lăng Ông là cổ tích mấy mươi năm gắn với nghề biển. Mà giờ giải tỏa, dân cũng hoang mang. Mong muốn của người dân là nhà có thể rời đi, nhưng Miếu bà, Lăng Ông hoặc chùa phải ở lại. Vì sự tích mấy chục ngàn năm thì vẫn phải để y đó chứ không thể rời đi được”.

Ghềnh đá Nam Ô nằm phía sau lối chắn xuống biển.
Lối xuống biển ở tổ 42 vẫn bị chắn.
Người dân làng Nam Ô lo ngại Dự án triển khai không chỉ bịt lối ra biển mà còn làm biến dạng các Di tích nơi đây. Ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cho rằng: “Trong phê duyệt thiết kế về xây dựng có chừa 3 lối xuống biển cho dân. Một lối dành cho 3 Di tích Lăng Cá ông, Miếu Bà Liễu Hạnh và Dinh Cô hồn, một lối ở sát mép núi và một lối nữa ở cuối đường Nguyễn Tất Thành. Trong vòng bán kính 400m mà chừa 3 lối đi là rất thuận lợi cho dân”.
Thành phố Đà Nẵng đã từng trả giá đắt cho những dự án san lấp, bít đường ra biển. Thiết nghĩ, chính quyền và ngành chức năng cần cẩn trọng hơn khi tiến hành cấp phép cho các dự án đầu tư khu vực ven biển./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bị bịt lối đi, nhân viên siêu thị Big C Đà Nẵng tụ tập phản đối
Bị bịt lối đi, nhân viên siêu thị Big C Đà Nẵng tụ tập phản đối

VOV.VN -Công an TP.Đà Nẵng huy động hàng trăm cảnh sát để đảm bảo an ninh trật tự khi nhân viên Big C Đà Nẵng tụ tập phản đối việc bị bịt lối đi.

Bị bịt lối đi, nhân viên siêu thị Big C Đà Nẵng tụ tập phản đối

Bị bịt lối đi, nhân viên siêu thị Big C Đà Nẵng tụ tập phản đối

VOV.VN -Công an TP.Đà Nẵng huy động hàng trăm cảnh sát để đảm bảo an ninh trật tự khi nhân viên Big C Đà Nẵng tụ tập phản đối việc bị bịt lối đi.

Vì đâu Big C Đà Nẵng bị bịt lối ra vào?
Vì đâu Big C Đà Nẵng bị bịt lối ra vào?

VOV.VN - Công ty Cổ phần Đức Mạnh đã bịt lối vào tầng hầm của siêu thị Big C Đà Nẵng, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh tại Trung tâm.

Vì đâu Big C Đà Nẵng bị bịt lối ra vào?

Vì đâu Big C Đà Nẵng bị bịt lối ra vào?

VOV.VN - Công ty Cổ phần Đức Mạnh đã bịt lối vào tầng hầm của siêu thị Big C Đà Nẵng, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh tại Trung tâm.