Doanh nghiệp CNTT trả lương “khủng” vẫn khó tuyển người cuối năm

VOV.VN - Mức lương dành cho kỹ sư ngành CNTT thường ở mức trên 10 triệu, thậm chí, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả đến 5.000 USD/tháng, nhưng vẫn khó tuyển dụng đủ lao động.

Ông Phạm Hữu Hậu, phòng Nhân sự công ty FPT Software cho biết, hiện công ty đang có nhu cầu tuyển dụng không giới hạn lập trình viên ở các trình độ khác nhau từ thực tập sinh, có dưới 1 năm kinh nghiệm đến những người đã có kinh nghiệm dày dặn. Các ứng viên trúng tuyển sẽ nhận mức lương theo năng lực, vị trí việc làm cụ thể. Với những sinh viên mới ra trường, mức lương trung bình thường từ 5-10 triệu đồng/tháng, ứng viên đã có kinh nghiệm, nhiều vị trí có thể lên đến 5.000 USD/tháng.

Dù lương thưởng hấp dẫn, áp dụng tuyển dụng bằng nhiều kênh khác nhau như đến trực tiếp các trường đại học, các sàn giao dịch việc làm, tuyển dụng online, nhưng doanh nghiệp này vẫn chưa tuyển đủ lao động thời điểm cuối năm.

Ông Phạm Hữu Hậu cho biết, tình trạng thiếu lao động là vấn đề chung của nhiều doanh nghiệp CNTT hiện nay. Đặc biệt, thời điểm cuối năm nay, khi dịch Covid-19 dần ổn định, các dự án bắt đầu khởi động lại, nhiều doanh nghiệp sẽ tuyển thêm nhân sự để đáp ứng nhu cầu cuối năm. Bản thân các doanh nghiệp cũng phải cạnh tranh để tuyển được người.

Cũng theo ông Hậu, một nghiên cứu của FPT cho thấy, hàng năm, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các công ty về CNTT tăng từ 40-50%, trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu tuyển dụng tăng khoảng 30%. Hiện thị trường lao động đang thiếu khoảng 200.000 nhân lực về CNTT, tuy nhiên các trường đại học đào tạo  ngành này vẫn chưa chưa đáp ứng đủ về số lượng. Bên cạnh đó, một tỷ lệ lớn nguồn nhân lực sau đào tạo chưa thể làm việc ngay, doanh nghiệp vẫn mất thời gian đào tạo lại. 

“Có khoảng 60% sinh viên mới ra trường chúng tôi phải đào tạo lại, 40% có thể làm việc được ngay. Những ứng viên này còn thiếu nhiều về kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, viết CV. Tại các trường học đa số đào tạo những kiến thức chung cơ bản, trong khi thực tế mỗi doanh nghiệp lại yêu cầu cao hơn ở các mức độ khác nhau, nên phần lớn phải đào tạo lại. Những sinh viên vừa ra trường đã làm việc được ngay hầu hết đã có thời gian dài thực tập từ năm thứ 2, thứ 3 tại các doanh nghiệp, nên họ nhanh chóng bắt kịp môi trường làm việc chuyên nghiệp”, ông Hậu cho hay.

Bà Nguyễn Thanh Bình, Trưởng nhóm Nhân sự VNPay cũng cho biết, doanh nghiệp này đang cần tuyển rất nhiều vị trí liên quan đến lập trình, data engineer, blockchain... Với những ứng viên mới ra trường, mức lương được giao động từ 9-15 triệu đồng/tháng, với các vị trí về AI, data engineer yêu cầu cao hơn, mức lương cơ bản thường trên 20 triệu.

Bà Nguyễn Thanh Bình cũng cho rằng, thị trường lao động ngành CNTT hiện đang rất “nóng”, số lượng ứng viên chưa đủ đáp ứng “cơn khát” nhân lực của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vẫn còn sự chênh lệch giữa chương trình đào tạo của các trường và yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Để thu hẹp khoảng cách này, những năm gần đây, các doanh nghiệp đã trực tiếp tham gia cùng các trường ĐH trong việc đào tạo sinh viên nhằm sử dụng ngay nguồn nhân lực này sau khi ra trường.

Đại diện VNPay cũng cho biết, với ngành CNTT, những ứng viên có năng lực doanh nghiệp sẵn sàng trả mức lương hậu hĩnh, tuy nhiên cũng có những ứng viên được tuyển vào chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, buộc phải sa thải. Nguyên nhân phần lớn do những ứng viên trẻ ngành CNTT thường thiếu kỹ năng, tiếng Anh hạn chế nên chưa thể tham gia làm các dự án nước ngoài.

“Các bạn nên chủ động tìm kiếm các công ty để thực tập sớm từ năm 2, năm 3, đồng thời thay đổi suy nghĩ của bản thân trong quá trình thực tập, chủ động và tích cực để được tham gia vào các công việc trong doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thanh Bình nói.

Còn theo bà Nguyễn Thùy Linh,  Phòng Nhân sự công ty Cổ phần Trung tâm nghiên cứu A.N, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng không giới hạn các vị trí nhân viên chính thức, sinh viên thực tập lập trình C/C++, lập trình web để thực hiện các dự án cuối năm, mức lương khởi điểm cho những ứng viên mới ra trường giao động từ 12-20 triệu. Tuy nhiên việc tuyển nhân sự đang rất khó khăn do không “chính vụ”.

“Mùa tuyển dụng thường từ tháng 3 đến tháng 9, lúc này nhiều sinh viên tốt nghiệp, còn hiện nay nhu cầu cao, nhưng tuyển rất khó”, bà Linh cho biết.

Theo báo cáo mới đây của Navigos Group- đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp trung, cấp cao, nhu cầu tuyển dụng ngành CNTT đã tăng gấp 4 lần sau một thập kỷ (giai đoạn 2010-2020). Trong đó, 7 nhóm ngành thuộc lĩnh vực CNTT có nhu cầu tuyển dụng phổ biến gồm: Phát triển phần mềm; hỗ trợ kỹ thuật; quản lý dự án/sản phẩm; thiết kế trải nghiệm người dùng (UX) và giao diện (UI); kỹ sư kiểm định chất lượng sản phẩm QA/QC; khoa học dữ liệu.

Giai đoạn từ 2010 đến đầu năm 2020, nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành phát triển phần mềm luôn chiếm hơn 50% và có ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu tuyển dụng của toàn ngành CNTT.

Trong nhóm ngành này, nhu cầu tuyển dụng chủ yếu là các kỹ sư có chuyên môn phần mềm, Mobile, Web, ERP (giải pháp phần mềm quản lý đa chức năng) đi kèm các kỹ năng lập trình ngôn ngữ phổ biến là JAVA, PHP, .NET luôn chiếm tỷ lệ cao- cho thấy xu hướng phát triển phần mềm tại Việt Nam trong thập kỷ qua nằm ở dịch vụ gia công phần mềm (outsourcing), đặc biệt là Web App và Mobile App.

Ông Gaku Echizenya, Tổng Giám đốc Navigos Group cho biết: “Nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành CNTT đã tăng tới 4 lần trong thập kỷ qua, riêng ngành công nghệ phần mềm là 4,1 lần. Tuy nhiên, trong suốt quá trình làm việc với nhà tuyển dụng và nhân lực ngành CNTT vẫn còn nhiều rào cản trong việc giúp ứng viên tìm được công việc cũng như giúp họ đạt được giấc mơ sự nghiệp trong ngành công nghệ như khó khăn trong việc tiếp cận với những kinh nghiệm từ các chuyên gia hay chưa được hỗ trợ nguồn thông tin chất lượng kịp thời./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ngành công nghiệp sáng tạo mỹ thuật đa phương tiện “khát” nhân lực
Ngành công nghiệp sáng tạo mỹ thuật đa phương tiện “khát” nhân lực

VOV.VN - Trong thời đại 4.0 hiện nay, ngành nghề nào sẽ trở nên “đắt giá” và trở thành một trong những công việc đáng mơ ước, đem lại mức thu nhập hấp dẫn?

Ngành công nghiệp sáng tạo mỹ thuật đa phương tiện “khát” nhân lực

Ngành công nghiệp sáng tạo mỹ thuật đa phương tiện “khát” nhân lực

VOV.VN - Trong thời đại 4.0 hiện nay, ngành nghề nào sẽ trở nên “đắt giá” và trở thành một trong những công việc đáng mơ ước, đem lại mức thu nhập hấp dẫn?

“Khát” nhân lực AI: Cơ hội hay thách thức cho Việt Nam?
“Khát” nhân lực AI: Cơ hội hay thách thức cho Việt Nam?

VOV.VN - Nhu cầu nhân lực phục vụ cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) là 1 triệu người, nhưng hiện mới có khoảng 10.000 nhân lực đáp ứng.

“Khát” nhân lực AI: Cơ hội hay thách thức cho Việt Nam?

“Khát” nhân lực AI: Cơ hội hay thách thức cho Việt Nam?

VOV.VN - Nhu cầu nhân lực phục vụ cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) là 1 triệu người, nhưng hiện mới có khoảng 10.000 nhân lực đáp ứng.

Giải “cơn khát” nhân lực chất lượng cao tại các doanh nghiệp
Giải “cơn khát” nhân lực chất lượng cao tại các doanh nghiệp

VOV.VN - Để tận dụng tốt nhất nguồn lực cho Cách mạng 4.0, các doanh nghiệp và nhà trường cần chủ động tìm đến nhau, hợp tác cùng có lợi. 

Giải “cơn khát” nhân lực chất lượng cao tại các doanh nghiệp

Giải “cơn khát” nhân lực chất lượng cao tại các doanh nghiệp

VOV.VN - Để tận dụng tốt nhất nguồn lực cho Cách mạng 4.0, các doanh nghiệp và nhà trường cần chủ động tìm đến nhau, hợp tác cùng có lợi.