Doanh nghiệp có văn bản “chê” Bộ GTVT lại muốn làm sân bay Long Thành
VOV.VN - Công ty Gia Bảo, doanh nghiệp có văn bản “chê” Bộ GTVT lại vừa có đề xuất xin được đầu tư, xây dựng sân bay quốc tế Long Thành.
Phối cảnh sân bay Long Thành. |
Sau đường sắt và đường bộ, Công ty CP đầu tư phát triển nhà Gia Bảo - doanh nghiệp “nổi tiếng” vì văn bản “buồn cười quá” gửi Thủ tướng Chính phủ vừa ngỏ ý với Bộ GTVT muốn tham gia vào dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Cuộc “lấn sân” hàng không, đường sắt, đường bộ
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Công ty Gia Bảo không có đề xuất bằng văn bản mà gọi điện để bày tỏ nguyện vọng muốn tham gia đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, dự án sân bay Long Thành có các hạng mục kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, vì vậy Bộ GTVT hoan nghênh các nhà đầu tư.
“Về nguyên tắc, bất cứ nhà đầu tư nào quan tâm cũng có thể đề xuất phương án tham gia dự án, nhưng doanh nghiệp đó phải chứng minh được năng lực thực hiện dự án và có quy trình thủ tục đầy đủ” - lãnh đạo Bộ GTVT nói.
Trước đó, Công ty Gia Bảo cũng 3 lần gửi lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị được tham gia Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, Ngọc Hồi - Yên Viên.
Tuy nhiên, 2 văn bản đầu được Văn phòng Chính phủ chuyển đến Bộ GTVT để lấy ý kiến chứ không gửi thẳng lên Thủ tướng. “Bất bình” về điều này, trong văn bản lần 3 gửi Thủ tướng lãnh đạo Công ty Gia Bảo đã có bút phê… “buồn cười quá!”.
Một trong những văn bản "nổi tiếng" của Công ty Gia Bảo. |
Ngoài ra, Công ty Gia Bảo cũng kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội báo cáo UBND thành phố cho phép công ty này đầu tư mở rộng Quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Thường Tín, theo hình thức đối tác công-tư (PPP).
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay Hà Nội mới chỉ xin ý kiến các Sở ngành và chưa có ý kiến chính thức về đề nghị mở rộng Quốc lộ 1 của Công ty Gia Bảo.
Theo thông tin của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nôi, Công ty Gia Bảo thành lập năm 2000 và có vốn điều lệ 120 tỷ đồng. Ngành nghề hoạt động của công ty này là xây dựng nhà, chủ yếu là xây dựng lại các khu tập thể cũ tại Hà Nội.
Xin liên doanh với nhà thầu Trung Quốc xây sân bay Long Thành
Mới đây, Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang của Trung Quốc và Tập đoàn Gleximco vừa đề xuất với Thủ tướng được đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (HKQT) với giá thấp.
Một trong số những công văn Công ty Gia Bảo gửi Bộ GTVT. |
Đề xuất bằng văn bản của doanh nghiệp KAIDI Dương Quang và Gleximco gửi Thủ tướng Chính phủ để xin đồng ý về mặt nguyên tắc, cho phép đầu tư Cảng HKQT Long Thành (tỉnh Đồng Nai) theo hình thức đối tác công-tư (PPP), hợp đồng BOT.
Trong văn bản, hai tập đoàn này khẳng định về kinh nghiệm và khả năng thu xếp nguồn vốn cho dự án, đồng thời cam kết sẽ xây đựng Cảng HKQT Long Thành hiện đại và văn minh, giá thấp.
“Giá thành đầu tư thấp nhất cho một sân bay mới, hiện đại” - văn bản gửi Thủ tướng của hai doanh nghiệp nêu rõ. Tiến độ triển khai xây dựng dự án Cảng HKQT Long Thành được hai doanh nghiệp đưa ra là 3-5 năm.
Hiện nay, Bộ GTVT đã giao Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi để làm cơ sở tuyển chọn nhà đầu tư.
Theo Bộ GTVT, sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được cơ quan có thẩm quyền thông qua mới tiến hành tuyển chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Các nhà đầu tư có thể tìm hiểu, căn cứ nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt để đề xuất những phương án cụ thể hơn.
Cảng HKQT Long Thành có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD), được chia làm 3 giai đoạn. Diện tích đất của dự án là 5.000 ha.
Với công suất thiết kế 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, sau khi hoàn thành, Long Thành sẽ là Cảng HKQT quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực./.
Trước đó, ngày 22/8, Công ty Gia Bảo đã gửi kiến nghị lần 3, xin đứng ra "thay chân, thế chỗ" Tổng Công ty Đường sắt để làm chủ đầu tư dự án đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên.
Lý do mà ông Nguyễn Bá Long, Phó Tổng giám đốc của Gia Bảo cho rằng việc chuyển đề xuất của ông đến Thủ tướng sang Bộ GTVT là "buồn cười quá" vì: Bộ GTVT đang thực hiện quá chậm, nay Văn phòng Chính phủ lại chuyển đề nghị của Công ty Gia Bảo về Bộ GTVT xem xét xử lý là không phải cải cách thủ tục như Thủ tướng nói và làm.
Công ty này cũng viện lý do là Bộ GTVT là chủ đầu tư dự án, Tổng Công ty Đường sắt là đơn vị đứng ra triển khai dự án trên đã để xảy ra vụ hối lộ. Sau sự cố hối lộ xảy ra, được biết từ năm 2014 dự án bị đình trệ chưa có thời hạn hoàn thành.
Trong đơn kiến nghị lần 3, Công ty Gia Bảo xin đề nghị Thủ tướng giao cho mình làm chủ đầu tư thực hiện dự án đường sắt trên cao số 1 theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) và vạch rõ kế hoạch khá bài bản hoàn thành dự án: Từ tháng 10/2017 đến tháng 3/2018 sẽ xây dựng nhà ga Ngọc Hồi và ga Yên Viên. Từ năm 2019 đến hết tháng 4/2020, xây dựng cầu Long Biên 2; đưa 40 xe bus chạy ga miễn phí qua các nhà ga nói trên. Hết tháng 8 năm 2020, xây dựng xong cầu Long Biên 2 và đến tháng 10/2020 lắp đặt xong tàu điện, chạy chính thức...
Tuy nhiên, trong văn bản gửi Thủ tướng ông Nguyễn Bá Long và Công ty Gia Bảo không đưa ra bất kỳ kinh nghiệm cũng như dự án nào liên quan đến đường sắt hoặc tham gia xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông nào để chứng minh năng lực.
Công ty này chỉ đưa lý do: "Với mục tiêu duy nhất là vì Đất nước, kính đề nghị Thủ tướng giao cho Công ty Gia Bảo làm chủ đầu tư thực hiện dự án đường sắt trên cao tuyến số 1 nói trên theo hợp đồng BT với phía Nhật Bản".