Doanh nghiệp loay hoay khi áp dụng Luật Lao động mới
VOV.VN - Luật Lao động 2019 có hiệu lực từ 1/1/2021, đến nay, khi áp dụng thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp không ít vướng mắc, chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể hơn nữa.
Hôm nay (19/1), tại Hà Nội vừa diễn ra hội thảo Cập nhật văn bản hướng dẫn Bộ Luật Lao động 2019. Chương trình thu hút gần 500 cán bộ phụ trách công tác nhân sự tại các doanh nghiệp, trong đó có hơn 60% là các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam.
Ông Trần Nguyên Trung, Giám đốc I-GLOCAl – đơn vị đồng tổ chức hội thảo cho biết, thực tế Luật Lao động 2019 có hiệu lực từ 1/1/2021 có nhiều quy định mới về quan hệ lao động, điều kiện lao động, tiền lương, quy chế pháp chế về lao động của người nước ngoài... Tuy nhiên, một số Nghị định ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp như NĐ 145/2020/NĐ-CP và 152/2020/NĐ-CP chỉ mới được ban hành vào giữa và cuối tháng 12/2020 vừa qua.
“Trong quá trình tư vấn cho khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp đang vướng mắc, loay hoay khi áp dụng luật mới. Có những vấn đề doanh nghiệp không biết giải quyết ra sao như thời gian làm thêm giờ, cấp phép cho lao động là chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đơn cử như tại Nhật, có những chuyên gia có trình độ rất cao, nhưng không nhất thiết phải có bằng đại học về chuyên ngành đang làm việc, nhưng khi sang Việt Nam làm chuyên gia thì lại yêu cầu. Các doanh nghiệp rất vất vả để cấp giấy phép cho người lao động...
Chúng tôi cho rằng, cách tốt nhất là để doanh nghiệp được trao đổi trực tiếp với các nhà làm luật để giải đáp thắc mắc”, ông Trần Nguyên Trung cho biết.
Giải đáp điểm mới của Luật Lao động 2019 tại hội thảo, ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, Luật có nhiều điểm mới so với Luật Lao động 2012.
Về vấn đề lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, ông Thiện cho biết, Nghị định 152/2020/NĐ-CP áp dụng với tất cả công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo 11 hình thức.
Theo đó, chuyên gia là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau: Có bằng đại học trở lên, hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam. Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm và có chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.
Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ LĐ-TB-XH.
Lao động kỹ thuật là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau đây: Được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác ít nhất 1 năm và làm việc ít nhất 3 năm trong chuyên ngành được đào tạo;
Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm công việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.
Tại hội thảo, một số doanh nghiệp đưa ra câu hỏi, trường hợp doanh nghiệp phải thuê lao động làm công việc dọn vệ sinh hàng ngày. Thời gian làm việc mỗi ngày chỉ từ 1-2 tiếng, như vậy doanh nghiệp có phải đóng BHXH cho lao động hay không và ký hợp đồng lao động dưới những dạng nào?
Trả lời vấn đề này, ông Mai Đức Thiện cho biết, trong Luật Lao động có hợp đồng không trọn thời gian, tức thời gian làm việc của lao động ngắn hơn so với bình thường. Tuy nhiên, Luật không quy định rõ thời gian làm việc ngắn hơn bao lâu. Nếu đối chiếu với Luật Lao động, lao động không trọn thời gian vẫn phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Nhưng thực tế hiện nay, một số công việc lao động chỉ làm 1-2 tiếng/ngày, mức lương thấp hơn lương tối thiểu vùng, nên doanh nghiệp rất khó đóng BHXH.
Với trường hợp trên, ông Mai Đức Thiện cho biết, doanh nghiệp có thể ký hợp đồng lao động hoặc hợp đồng dịch vụ.
“Thông thường với các công việc có quá ít thời gian làm việc, doanh nghiệp thường ký hợp đồng dịch vụ, để chặt chẽ, doanh nghiệp thường hướng dẫn lao động tự đăng ký hộ kinh doanh cá thể tại các xã phường, sau đó doanh nghiệp ký hợp đồng với hộ kinh doanh đó”.
Ông Mai Đức Thiện cũng lưu ý các doanh nghiệp cần hiểu đúng các nội dung mới của Luật lao động 2019, chú trọng các nội dung sửa đổi, bổ sung so với quy định trong luật Lao động 2012, cập nhật các nội dung hướng dẫn chi tiết trong các Nghị định, Thông tư. Đồng thời chủ động có giải pháp theo lộ trình thực hiện vấn đề tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và thương lượng tập thể./.