Đời sống của đồng bào tỉnh Đắk Lắk được nâng cao

Thực hiện chương trình 135 giai đoạn 1, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hơn 4%/năm (giảm hơn 11.000 hộ/năm), đời sống của đại đa số người dân vùng đặc biệt khó khăn được nâng cao

Trong các ngày từ 19-22/1, đoàn đại biểu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do ông Niê Thuật, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc làm trưởng đoàn đã tiến hành giám sát trực tiếp việc thực hiện chương trình 135 giai đoạn 2 và quản lý, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án liên quan đến xoá đói giảm nghèo trên các xã đặc biệt khó khăn tại huyện Krông Bông và Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk.

Đắk Lắk là tỉnh có số đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó dân tộc Êđê hơn 300.000 người, dân tộc Nùng hơn 69.000 người, dân tộc Tày hơn 57.000 người, dân tôc M’Nông hơn 40.000 người, dân tộc Gia Rai hơn 17.000 người….

Tổng số hộ nghèo cuối năm 2009 là hơn 48.200 hộ, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm hơn 60%. Năm 2009 toàn tỉnh có 35 xã, 84 thôn buôn đặc biệt khó khăn.

Thực hiện chương trình 135 giai đoạn 1, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hơn 4%/năm (giảm hơn 11.000 hộ/năm), đời sống của đại đa số người dân vùng đặc biệt khó khăn được nâng cao, một số xã tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm đạt 7-12% như: Cư Pơng, Đắk Phơi, Ea Trang, Ea Tam…

Tuy nhiên, còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình 135 giai đoạn 2 mà tỉnh Đắk Lắk cần lưu ý khắc phục. Trong 3 ngày, các thành viên của đoàn giám sát Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đi sâu khảo sát điều kiện tự nhiên, đặc điểm khí hậu, nguồn nước, tình hình di cư tự do, dự án hỗ trợ sản xuất, vấn đề nâng cao năng lực cán bộ tại chỗ, hiệu quả đầu tư các chương trình dự án vào vùng dân tộc.

Qua thực tế giám sát tại 4 xã thuộc 2 huyện Krông Năng và Krông Bông, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó đoàn giám sát chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại, như: các chương trình đưa xuống dân chất lượng chưa tốt, chưa phát huy được sức sáng tạo của nhân dân trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, chưa đảm bảo sự đồng bộ, hiệu quả chưa cao…

Theo kế hoạch, đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục triển khai công việc tại tỉnh Lâm Đồng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên