Đổi thay trên vùng đất cách mạng Ma Ly Pho
VOV.VN - Từ vùng đất in dấu nhiều chứng tích lịch sử trong chiến tranh bảo vệ biên giới xưa, ngày nay quân và dân Ma Ly Pho đã luôn đoàn kết, sát cánh bên nhau, viết tiếp trang sử cha ông để lại, xây dựng quê hương trở thành một điểm sáng vùng biên.
Cách đây 43 năm, ngày 17/2/1979, khi các bản làng trên tuyến biên giới phía Bắc còn đang chìm trong giấc ngủ, thì từ bên kia biên giới quân địch đồng loạt nã pháo vào đất nước ta. Dọc tuyến biên giới dài gần 60 km tại Lai Châu quân địch tấn công, chiếm đánh; trong đó quân và dân xã biên giới Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ đã đánh trả quyết liệt, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch trước khi rút lui.
Từ vùng đất in dấu nhiều chứng tích lịch sử trong chiến tranh bảo vệ biên giới xưa, ngày nay quân và dân Ma Ly Pho đã luôn đoàn kết, sát cánh bên nhau, viết tiếp trang sử cha ông để lại, xây dựng quê hương trở thành một điểm sáng vùng biên.
Theo lịch sử Bộ đội Biên phòng Lai Châu, khoảng 5 giờ 45 phút ngày 17/2/1979, quân địch tấn công chiếm đánh dọc biên giới Lai Châu dài gần 60km, từ bản San Cha, xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ đến bản Huổi Luông, xã Huổi Luông, huyện Sìn Hồ. Tại xã Ma Ly Pho, nơi Đồn Công an vũ trang nhân dân Ma Lù Thàng đóng quân, quân địch tập trung hỏa lực, pháo kích dồn dập bắn vào các trận địa của ta.
Khi quân địch vừa vượt qua biên giới đặt chân vào đất của ta đã bị lực lượng Đồn Công an nhân dân vũ trang Ma Lù Thàng (nay là Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng, huyện Phong Thổ, Lai Châu) đánh trả quyết liệt đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của địch, lập nhiều chiến công vang dội. Chuẩn úy Nguyễn Văn Hiền khi đó bị thương đến lần thứ 3, gãy cả hai chân vẫn không chịu rời khẩu súng trung liên, bám trụ trên chiến hào chiến đấu đến cùng, làm lá chắn để đồng đội rút lui an toàn và đã hy sinh anh dũng.
Với thành tích bảo vệ và chiến đấu trong cuộc chiến bảo vệ biên giới, Đồn Công an nhân dân vũ trang Ma Lù Thàng và liệt sĩ Nguyễn Văn Hiền đã được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.
Đại uý Trần Huy Huỳnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng, Bộ đội Biên phòng Lai Châu chia sẻ: "Cán bộ, chiến sĩ đơn vị sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước và luôn luôn vững tâm, bền trí nắm chắc tay súng để bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Đồng thời, chúng tôi cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh, đồng hành cùng người dân trong phát triển kinh tế, xã hội, nhất là xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi quyết tâm thực hiện đưa xã Ma Ly Pho tiếp bước truyền thống trở thành quê hương cách mạng anh hùng".
Nhiều năm nay, già làng Tẩn Dâu Vần ở bản Sơn Bình, xã Ma Ly Pho vẫn thường kể cho con cháu nghe về trận chiến đấu anh dũng bảo vệ biên giới của cán bộ, chiến sĩ biên phòng trong chiến tranh bảo vệ biên giới. Qua cách nói truyền tải mộc mạc, giản dị, tinh thần chiến đấu của thế hệ cán bộ biên phòng trước đây được tái hiện lại một cách sinh động, giúp người dân trong bản tự hào hơn về những người lính nơi tuyến đầu.
Ông Tẩn Dâu Vần chia sẻ: Bộ đội biên phòng không chỉ bảo vệ vững chắc biên giới khi xảy ra chiến tranh mà trong thời bình hôm nay, các anh cũng đi đầu trong mọi hoạt động của địa phương. Bản làng mình hôm nay được đổi thay như thế này cũng là nhờ bộ đội biên phòng tuyên truyền, vận động bà con đoàn kết, từ bỏ tập tục canh tác cũ để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
"Các chú bộ đội biên phòng đã lên trên này giúp bà con dân bản mình trồng chuối, trồng cây cao su nên bây giờ đời sống của bà con đã ổn định rồi", ông Vần nói.
Xã biên giới Ma Ly Pho có 9 bản, gần 650 hộ và gần 3.000 nhân khẩu. Thực tế, đồng bào các dân tộc nơi đây có trình độ nhận thức không đồng đều và còn nhiều hạn chế. Nhiều năm qua bà con vẫn duy trì các phương thức sản xuất lạc hậu, phụ thuộc vào tự nhiên, nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Trước cái đói, cái nghèo của người dân, Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng đã đề xuất với chính quyền địa phương xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hàng hóa và chuyển giao cho các hộ dân học hỏi và làm theo để xóa đói giảm nghèo bền vững.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thu, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng, Bộ đội Biên phòng Lai Châu cho biết, khi xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, vì mục tiêu bảo vệ an ninh biên giới, phải chú trọng nâng cao đời sống vật chất, cũng như tinh thần cho đồng bào.
"Thực hiện chủ trương của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, đơn vị đã xây dựng nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế, trong đó mô hình trồng chuối thương phẩm đang mang lại những giá trị về vật chất, cũng như tinh thần hết sức to lớn cho bà con trên khu vực đóng quân", Thiếu tá Nguyễn Văn Thu cho hay.
Cách đây vài năm, gia đình anh Hoàng Quang Cò, ở bản Sơn Bình, xã Ma Ly Pho cũng như nhiều hộ dân khác trong bản từng thuộc diện hộ nghèo, với cuộc sống khó khăn và thiếu thốn đủ bề. Do không có kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, nên quanh năm làm nương rẫy vất vả mà cuộc sống vẫn không đủ ăn. Năm 2014, gia đình anh được cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng giúp đỡ hướng dẫn trồng chuối. Giờ đây, với tiền bán chuối, gia đình anh thu được hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
"Tầm 10 năm về trước tất cả bà con trong xã Ma Ly Pho khá là vất vả và khó khăn. Trước kia nương rẫy của bà con toàn trồng ngô thôi, mà trồng ngô nhà nào làm nhiều thì cũng chỉ thu được khoảng 30 - 40 triệu đồng mỗi năm. Từ khi thương lái bên Trung Quốc thu mua chuối, thấy có giá trị kinh tế cao nên bà con mới trồng", anh Cò cho biết.
Bản làng biên giới Ma Ly Pho giờ khoác trên mình diện mạo mới đổi thay của một vùng nông thôn biên giới, với cuộc sống của người dân no ấm, đủ đầy hơn. Tình quân dân biên giới gắn chặt trong sự sẻ chia và thấu hiểu, đoàn kết, sát cánh bên nhau xây dựng quê hương cách mạng biên cương giàu đẹp./.