Đối tượng “ngáo đá” giết người vì tưởng nạn nhân là kẻ thù
VOV.VN - Đối tượng “ngáo đá” sau khi giết người vẫn đứng yên, tỏ thái độ bình thường vì cho rằng nạn nhân là kẻ thù đang định giết mình.
“Bác sĩ ơi, con trai em nói có người gắn chíp lên đầu của cháu, họ nghi cháu lấy trộm xe máy và đuổi đánh. Cháu đã thức 3 đêm trắng liền rồi” – đây là chia sẻ của một bà mẹ dẫn theo cậu con trai đến tìm đến BS Ngô Thọ Thương, Trưởng khoa Điều trị Methadone Thanh Hóa (thuộc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Thanh Hóa), người đã có thâm niên trên 30 năm “gắn bó” với bệnh nhân tâm thần, HIV, ma túy.
Bệnh nhân này được bác sĩ xác định đã sử dụng ma túy đá và được chuyển điều trị tâm thần để ổn định.
BS Ngô Thọ Thương cho biết, trong số 700 bệnh nhân điều trị Methadone tại đây, ông đã gặp khoảng 20 người sử dụng ma túy đá. Có bệnh nhân vừa dùng ma túy thường, vừa dùng ma túy đá.
Hầu hết những bệnh nhân “2 trong 1” này đều cho biết “thử cảm giác” ma túy đá như thế nào. Trong đó ông ấn tượng nhất với một người tốt nghiệp ĐH, tiếng Anh rất giỏi, nhưng cũng không cưỡng lại được sự cám dỗ của loại ma túy này.
BS Ngô Thọ Thương đang tư vấn cho các bệnh nhân điều trị Methadone và ma túy đá. |
Nhận diện người “lên cơn” ma túy đá
Theo BS Ngô Thọ Thương, hiện nay chưa có thuốc điều trị cho người sử dụng ma túy đá. Đối với ma túy đá, bệnh nhân chủ yếu là hít và rất tốn tiền khi sử dụng. Triệu chứng của ma túy đá là bệnh nhân có biểu hiện tâm thần, hoang tưởng. Họ luôn luôn tưởng tượng ra những việc làm, hành vi chưa từng xuất hiện trong đầu.
Nhiều bệnh nhân khi dùng ma túy đá xong thì thích nghe nhạc với công suất lớn, có người thích quan hệ tình dục, trợn mắt, nghiến răng kèn kẹt; có người bỏ nhà ra đi, bỏ chạy ra đường la hét khiến nhiều người khác phải sợ hãi và người nhà phải đi tìm; nhưng có bệnh nhân ngồi trầm lặng một chỗ...
“Đối với bệnh nhân ngồi trầm lặng, suy tư là biểu hiện trong đầu đang manh nha những hành vi phạm tội. Bình thường khi có mâu thuẫn với ai đó, bệnh nhân không dám hành hung, nhưng khi họ sử dụng ma túy đá thì có thể sẵn sàng giết người.
Nếu gặp những trường hợp đó, chúng tôi khuyên gia đình trước hết nên đưa đến bệnh viện tâm thần để điều trị để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, sau đó sẽ được tư vấn tiếp. Khi phát hiện người thân lên cơn ma túy đá, gia đình nên gặp bác sĩ để được tư vấn, xử lý tình huống” – BS Thương nói.
Theo các bác sĩ tâm thần, chứng hoang tưởng, hội chứng tâm thần do sử dụng ma túy đá đã khiến nhiều đối tượng gây ra những vụ án mạng gây rúng động dư luận thời gian qua. Thậm chí, có đối tượng sau khi giết người, khi công an đến vẫn đứng yên, tỏ thái độ bình thường vì cho rằng... nạn nhân là kẻ thù đang định giết mình.
Nghĩ là chim sau khi “chơi” ma túy đá
BS Ngô Thọ Thương cho biết: Ma túy đá không gây nghiện như heroin, nhưng hiện nay không chữa được. Biểu hiện của rõ rệt nhất là hội chứng về tâm thần, hoang tưởng là chính. Người sử dụng ma túy đá chủ yếu bằng đường hít, không phải uống hoặc tiêm chích như ma túy thông thường.
Khi sử dụng ma túy đá, người dùng không làm chủ được những hành vi của bản thân. Có người tưởng mình là con chim nên “bay” lên cành cây, cột điện, nóc tủ… mà với người bình thường không thể làm được.
Nếu như nghiện heroin, biểu hiện chính là hội chứng cai, tức là bệnh nhân vã mồ hôi, chảy nước mắt, mất ngủ, ngáp… thì đối với ma túy đá, sau khi sử dụng, bệnh nhân sẽ thể hiện cơn ngay.
Với những người đã thuộc loại “ngáo”, có nghĩa đã “chơi” ma túy đá nhiều lần. “Tôi đã gặp bệnh nhân sử dụng 20 ngày ma túy đá liên tiếp, sút đến 10kg trong vòng một tuần, khi đến đưa đến đây không ra hồn người nữa.
Nếu sử dụng liên tiếp như vậy thì gan, thận sẽ tổn thương, thậm chí có thể chết trước khi điều trị. Khi sử dụng ma túy đá, con người mạnh mẽ giống như cơn bão cấp 12, nhưng sau đó nó tàn tạ như bão tan vậy” – BS Ngô Thọ Thương cho biết thêm./. “Sát thủ ngáo đá” và những vụ án chấn động dư luận