Đón Tết Cò Nhẹ Chà ở ngã ba biên giới

VOV.VN - Trong ngày lễ tết của người Hà Nhì, mọi người trong bản đến nhà nhau chúc Tết, mâm rượu được duy trì từ sáng đến tối

Chúng tôi quyết định chinh phục A Pa Chải (Điện Biên), ngã ba biên giới (Việt Nam - Trung Quốc - Lào) trong một ngày cuối đông với 1 chiếc xe máy, 2 chiếc ba lô, 2 con người và rất nhiều cảm xúc trái chiều. Những người đi trước cảnh báo rằng, để đến được nơi đó, để đón Tết Cò Nhẹ Chà với những phong tục độc đáo thì phải “gian nan lắm”.

Bản Tả Koos Khừ nhìn từ trên cao (Ảnh: NV)

Gian nan lắm, niềm vui cũng nhiều

Từ Hà Nội, men theo Quốc lộ 6 để ngược lên Tây Bắc, con đường nhỏ nhưng đã được trải nhựa phẳng lỳ, lúc thì chạy dài ngút tầm mắt, khi lại quanh queo như dải lụa quấn quanh những sườn núi chơ vơ, ẩn hiện trong sương mù. Dọc hai bên đường, khi là sườn đồi thoai thoải với những cây rừng mọc xanh rì, lúc lại đến những vườn cải trắng muốt. Qua Mộc Châu, đào, mận, mơ lấp ló nụ non. Từ thành phố Sơn La lên huyện Tuần Giáo, hoa trạng nguyên rực đỏ đến ngỡ ngàng khi nắng mai xóa tan dần sương mù bao phủ. Đến Điện Biên, hai bên đường trải dài ngút tầm mắt bởi màu vàng của loài hoa dã quỳ đang khoe sắc chào đón xuân về.

Đường vào ngã ba biên giới không còn phải đi bộ băng rừng cả tháng như ngày xưa nữa. Nhưng nếu muốn vào đây, dù trời mưa hay nắng, mọi người cũng đều phải… chịu khổ. Cái khổ của trời nắng là bụi “đỏ mặt”, còn mùa mưa thì đường như đổ mỡ, bùn đất đặc quánh trơn trượt như muốn níu giữ chân người.

Sau gần ba ngày băng rừng, vượt núi, cuối cùng chúng tôi cũng đến được xã Sín Thầu. Giữa non ngàn trùng điệp ẩn dưới sương mờ, bản làng san sát những ngôi nhà, tiếng trẻ con vui đùa, tiếng máy nổ, những cột khói nhàn nhã từ chái bếp lững lờ bay…

Trung tá, chính trị viên Lê Văn Thinh thuộc Đồn 317 A Pa Chải, người đã gắn bó với nơi đây 17 năm cho biết: Trước đây, muốn vào ngã ba biên giới này chỉ có cách duy nhất là đi bộ. Cuộc sống của bà con dân bản khi đó rất thiếu thốn, đói khổ, muốn mua nhu yếu phẩm như muối, đèn dầu, sách vở, thực phẩm, phải đi ngựa cả tuần. Việc học của các cháu cũng vì thế mà hạn chế nhiều. Hầu hết trẻ em đều thất học, đứa nào may mắn biết được mặt chữ cái, lâu ngày không sử dụng cũng rơi vãi hết.

Vài năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, con đường nối từ trung tâm huyện vào xã đã thông thương dễ dàng, tư duy người dân cũng thay đổi khi có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với khoa học kỹ thuật. Những đứa trẻ đã được tới trường, nhiều đứa trong số đó được đi học các trường đại học, cao đẳng chính quy. Việc tiếp cận thông tin, khám chữa bệnh dễ dàng hơn… Đặc biệt, năm nay bà con được mùa, nên hứa hẹn Tết cổ truyền của người Hà Nhì cũng to hơn mọi năm.

Người Hà Nhì ăn Tết Cò Nhẹ Chà 3 ngày liền (Ảnh: N.V)


Uống say ba ngày mới được về

May mắn cho chúng tôi trong chuyến chinh phục A Pa Chải lần này khi vào đúng dịp Tết Cò Nhẹ Chà (Tết cổ truyền của người Hà Nhì). Người Hà Nhì đón Tết cổ truyền thường vào ngày Rồng của tháng 11 âm lịch hằng năm bằng những nghi thức không thể thiếu: Mổ lợn, giã bánh và múa xòe dưới trăng.

Chưa đến 4 giờ sáng, sương sớm bảng lảng, tiết trời lạnh như kim đâm, khi chúng tôi còn đang cuốn chặt chăn thì tiếng lợn eng éc phát ra từ quanh vùng. Ở đây tục lệ là thế, nhà nào cũng mổ lợn, tùy vào hoàn cảnh mỗi nhà sẽ mổ lợn to hay nhỏ, nhưng nếu nhà ai mổ lợn xong sớm năm sau sẽ được phát lộc phát tài. Trước khi mổ lợn, người phụ nữ sẽ dùng gạo trộn với muối, pha thêm nước rồi rắc vào tai và mõm chú lợn sắp bị “hành quyết”, được gọi là “làm lý”. Theo người dân nơi đây, làm như thế để năm sau mùa màng tươi tốt, chăn nuôi thuận lợi hơn.

Tùy vào độ tuổi, cấp bậc trong gia đình mà mỗi người mỗi việc, con trai trưởng lau dọn ban thờ tổ tiên, chuẩn bị làm lễ, những người đàn ông thì xẻ thịt cho phụ nữ chế biến. Lễ nghi được người Hà Nhì rất coi trọng, chính vì vậy việc xẻ thịt cũng phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt như: Dao phải được mài sắc, rửa sạch. Thịt lợn được chia ra từng phần với những ý nghĩa khác nhau, từ xương ức cho tới sát hậu môn được cắt thành một khối chữ nhật đều đặn, phần này tượng trưng cho đất. Phần đuôi được khoét vào hai bên hông thật khéo thành một hình tròn, tượng trưng cho mặt trăng, bởi người Hà Nhì ăn Tết theo lịch mặt trăng. Nếu là lợn đực, người ta sẽ cắt lấy “pín” rồi treo trước hiên nhà để báo hiệu cho mọi người biết đã mổ lợn ăn Tết. Gan lợn được mọi người giữ lại, sau đó người có uy tín nhất nhà sẽ xem năm tới vận hạn thế nào…

Phụ nữ Hà Nhì rất khéo chế biến món ăn, từ con lợn được xẻ ra, họ có thể chế biến thành hàng chục món với mùi vị, cách thức khác nhau. Đó có thể là món thịt nướng, cháo rau, nem, thịt gác bếp, lạp xường, thịt mỡ luộc… thậm chí món nước chấm không thể thiếu trong ngày Tết của người Hà Nhì có tên “A ga xà be”  cũng được làm từ thịt lợn.

Sau khi “làm lý” xong, mọi người bắt đầu liên hoan. Người Hà Nhì có tục, ngày lễ Tết, mọi người trong bản đều đến nhà nhau chúc Tết. Mâm rượu được dọn ra từ sáng đến tối, cứ hết lại tiếp, rượu luôn luôn để sẵn vài can dưới gậm bàn, chén chưa đặt xuống đã được bồi thêm, không bao giờ cạn như dòng suối Mo Phí vẫn êm đềm chảy bao năm. Nếu là khách quý sẽ được khoản đãi đặc biệt với việc rửa chân tay bằng 4 chén rượu, một chén khác dùng để rửa mặt, và một chén nữa để uống.

Sau nghi thức này, khách chỉ cần để lại một ít tiền tượng trưng lên mâm gọi là mừng tuổi. Còn khách phương xa đến, chẳng cần quen với gia chủ, chỉ cần đi qua mọi người cũng kéo vào thân thiện bắt chuyện, mời ăn uống linh đình. Chẳng thế, chỉ đảo qua một vòng quanh bản Tả Kố Khừ, mỗi nhà vài chén cảm giác đã chếnh choáng.

Đêm là thời gian được các nam thanh nữ tú và du khách chờ đợi hơn cả. Bên ánh lửa bập bùng, tiếng trống, chiêng, đàn sáo cùng hòa nhịp vang lên rộn rã. Chẳng kể người trong bản hay khách thập phương, tất cả cùng nắm tay say sưa nhảy những điệu xòe, càng về khuya trống chiêng càng rộn rã.

Ngày Tết thứ hai, sớm tinh mơ, những người phụ nữ đã dậy giã gạo thình thịch để làm bánh dầy, những người đàn ông dù chuếnh choáng men say do bữa rượu hôm trước cũng dậy chuẩn bị cỗ để tiếp khách cho ngày mới. Đến bữa, thức ăn, rượu lại dọn ra, tối đến mọi người lại khoác vai nhau ra điểm trung tâm để múa xòe, hát hò tưng bừng.

Ngày thứ ba, Tết kết thúc. Khi chia tay gia chủ, khách được gửi những chiếc bánh dầy, những miếng thịt lợn đem về làm quà. Người con gái về nhà bố mẹ ruột ăn cỗ, khi về được gia đình cắt cho đôi giò trước với ý nghĩa tượng trưng cho tình yêu thương đùm bọc của gia đình với con gái.

Chia tay ngã ba biên giới, chia tay những con người chất phác, chứa chan tình cảm, cùng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mỹ, lòng chúng tôi quyến luyến đến mức cùng bật lên lời hẹn ước: “Ngã ba biên giới, ta sẽ còn quay lại...”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên