Đồng bào Khmer Bình Dương thoát nghèo, xây dựng xã nông thôn mới
VOV.VN - Bằng nhiều cách làm sáng tạo của huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, bà con Khmer ở xã An Bình đã thoát nghèo, xây dựng cuộc sống vững chắc. Bà con đồng lòng xây dựng địa phương trở thành xã nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu.
Đi lên từ nghèo khó
Gia đình bà Ngưu Thị Hạnh (60 tuổi, ngụ ở ấp Nước Vàng, xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) vốn thuộc đối tượng không thể nghèo hơn. Năm 2003, chính quyền địa phương cấp cho 1,5ha đất để canh tác, gia đình bà mới thoát khỏi cảnh phải đi ở nhờ nhà hàng xóm.
Ngày đi làm mướn, tối về vợ chồng bà tranh thủ cày xới mảnh vườn, trồng thêm khoai, sắn và chăn nuôi heo, bò. Đất không phụ công người, nhờ tính siêng năng, chịu khó, đến nay, gia đình bà đã tích cóp mua thêm được đất trồng cao su, 8 người con được học hành và có việc làm ổn định.
Bà Ngưu Thị Hạnh trải lòng: “Lúc đó tôi tự nhủ trong bụng đông - vui - hao nhưng thôi kệ mình phải hy sinh đời mình để cho con có cái chữ. Tôi động viên các con, cứ tựa vào bờ vai để ba mẹ lo, các con cứ phấn đấu học cho tới nơi tới chốn là ba mẹ vui rồi. Bây giờ, các con của tôi đã ra có ngành nghề, có nơi có chốn nên mừng lắm, không biết tả sao cho nổi".
Cũng là người đồng bào dân tộc Khmer và về xã An Bình từ năm 1960, gia đình ông Ngưu Bư có cuộc sống khá hơn nhà bà Hạnh khi còn có mảnh đất khai hoang trồng lúa. Sau đó, ông được được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật nên chuyển sang trồng tiêu, điều, cao su. Trồng cây công nghiệp ít tốn phân bón, tốn công mà thu nhập cao hơn nên ông Bư có tiền mua thêm đất chia cho 4 người con, mỗi người 1ha, vợ chồng ông giữ lại 2ha để an dưỡng tuổi già. Không chỉ có vậy, với vai trò là người có uy tín trong đồng bào Khmer, ông Ngưu Bư đã động viên bà con cố gắng để cùng nhau thoát nghèo, làm giàu.
“Tôi nói đất để nhà nước cấp bà con cứ giữ để trồng trọt để thoát nghèo. Tôi mừng khi nhà nước quan tâm nên cũng bỏ công theo dõi bà con, cùng hỗ trợ bà con làm ăn phát triển kinh tế gia đình ngày càng tốt hơn. Từ chỗ tôi được tập huấn nên đã hướng dẫn bà con chăn nuôi, trồng trọt đạt năng suất", ông Ngưu Bư chia sẻ.
Không ngừng chăm lo cho bà con
Toàn xã An Bình, huyện Phú Giáo hiện có 266 hộ đồng bào dân tộc với gần 1.100 nhân khẩu, riêng bà con Khmer chiếm 250 hộ với 996 người, trong đó có 2 hộ nghèo là người già, neo đơn.
Bà con Khmer trên địa bàn xã An Bình đều có đất canh tác và chủ yếu trồng cao su, điều. Một số hộ trồng dưa lưới cung ứng cho hợp tác xã Kim Long nên không lo đầu ra. Một số trường hợp mong muốn đi làm công nhân tại các doanh nghiệp ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã được địa phương giới thiệu việc làm. Cũng nhờ đó, đời sống bà con ổn định.
Bà Bùi Thị Thúy Thơm, Phó chủ tịch UBND xã An Bình cho biết, xác định việc nâng cao trình độ dân trí cho con em đồng bào dân tộc là rất quan trọng để giúp họ thay đổi cuộc sống, cán bộ xã đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” động viên các em đến trường. Đến nay, số học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số đi học đại học, cao đẳng, học nghề rất nhiều. Sau khi ra trường các em đã quay về phục vụ địa phương.
“Tỷ lệ con em đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các cấp học nhiều, trình độ cũng nâng lên. Học đại học xong, hầu hết các em đều về địa phương phục vụ và được địa phương, tỉnh, huyện quan tâm, tạo điều kiện để các em làm việc. Hiện nay, đối với các trường học ở xã An Bình thì trường nào cũng có giáo viên là người dân tộc về tham gia giảng dạy", bà Thơm cho hay.
Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở xã An Bình, huyện Phú Giáo cơ bản ổn định cả về vật chất lẫn tinh thần, thế nhưng họ vẫn rất cần sự hỗ trợ, quan tâm của các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể để vươn lên hơn nữa, không còn cảnh tái nghèo.
Trước thực tế đó, thời gian tới, đối với những hộ còn khó khăn về nhà ở sẽ được huyện Phú Giáo vận động, trích ngân sách xây tặng; tổ chức lớp đào tạo nghề lao động nông thôn, hỗ trợ kinh phí cho bà con đi học. Song song đó, tổ chức các hoạt động thiết thực để bà con lưu giữ bản sắc văn hóa.
“Hằng năm huyện cũng tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho bà con dân tộc tham gia. Vừa qua, huyện đã tổ chức Liên hoan văn hóa- thể thao đồng bào dân tộc thiểu số làm điểm của tỉnh, đồng bào phấn khởi, tham gia nhiệt tình. Trên địa bàn huyện cũng có xây dựng chùa của người Khmer, nhân dịp lễ, tết cổ truyền của người Khmer lãnh đạo huyện cũng đến thăm, chúc mừng”, ông Nguyễn Tuấn Vinh, Phó chánh văn phòng UBND huyện Phú Giáo nói.
Về xã An Bình những ngày Tết này, bộ mặt nông thôn ở đây đã nhiều thay đổi. Những ngôi nhà tranh, vách đất được thay thế bằng những căn nhà mái ngói khang trang. Đường đổ bê tông dài đến tận nhà dân. Gia đình nào cũng có xe máy để đi lại, nhiều hộ còn có ô tô.
Kết quả này có được từ việc chính quyền đã sớm rà soát, cấp đất cho những hộ khó, đồng thời hướng dẫn lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp. Cùng với đó là sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của bà con dân tộc trong việc vươn lên thoát nghèo, không ỷ lại chính sách.