Dự án cao tốc Nội Bài-Lào Cai gặp khó vì dân không hiểu luật

Dự án đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai đoạn đi qua Vĩnh Phúc đang bị chậm tiến độ do một số hộ dân muốn áp giá đền bù mới một cách thiếu cơ sở pháp lý.  

Dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai có chiều dài 264km đi qua địa bàn 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai, phát lệnh khởi công tháng 4/2009. Đoạn qua Vĩnh Phúc dài 40,4 km, tổng diện tích phải thu hồi là 330,7 ha. Đến nay, cơ bản công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn tất, nhưng một số hộ dân đòi hỏi thêm quyền lợi một cách thiếu căn cứ đã khiến tiến độ dự án bị ảnh hưởng.

Dân đã nhận tiền đến bù, nhưng vẫn cản trở công trình

Một thực tế là 100% các hộ dân ở các địa bàn ở Vĩnh Phúc thuộc diện bị thu hồi đất để phục vụ dự án đều đã nhận tiền đền bù năm 2008. Tuy vậy, đến nay, một số hộ dân tại xã Nam Viêm, thị xã Phúc Yên lại gây khó cho quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB) vì… không đồng ý với giá đề bù mà họ đã nhận!

Cao nền đường đã được đắp từ lâu nhưng nay một số hộ lại đem chuối ra trồng để đòi hỗ trợ thêm

Sự việc xảy ra khi người dân “so sánh” giá đền bù quá chênh lệch ở Hà Nội và Vĩnh Phúc trong cùng một dự án. Theo đó, các hộ, cá nhân ở xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội (liền kề với Nam Viêm) được ban quản lý giao thông 2 và UBND TP Hà Nội đền bù đến ngày 14/5/2010 là 236 triệu đồng/1 sào bắc bộ, còn người dân xã Nam Viêm chỉ được tổng các khoản bồi thường và hỗ trợ 43,5 triệu đồng/sào, từ ngày 28/10/2008.

Ông Nguyễn Xuân Dưỡng, người dân thôn Thả Do, xã Nam Viêm, thị xã Phúc Yên, có 2 sào đất thuộc diện bị thu hồi cho biết, ông đã nhận tiền đền bù và trước đây không có thắc mắc gì. Nhưng ông cho rằng mình bị thiệt thòi và nếu chiếu theo Điều 56 Luật Đất đai năm 2003, việc đền bù cho các khu đất liền kề có cùng hiện trạng, mục đích sử dụng không thể quá chênh lệch như vậy.  

Tuy vậy, Hội đồng GPMB thị xã Phúc Yên đã làm đúng qui định của pháp luật.

UBND thị xã Phúc Yên và UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, Dự án đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai là dự án trọng điểm quốc gia, phục vụ cho lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng đã được Thủ tướng Chính phủ phên duyệt. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, dự án này không thuộc diện phải thỏa thuận với người bị mất đất mà thuộc diện Nhà nước thu hồi lập phương án bồi thường GPMB. 

Căn cứ khoản 4, Điều 56 Luật Đât đai 2003 quy định: Giá đất do UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương quy định được công bố công khai vào ngày 1/1 hàng năm được sử dụng làm căn cứ để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.  

Theo tìm hiểu của phóng viên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND Phúc Yên khi thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân đã thực hiện bồi thường GPMB đã ra Quyết định số 808/QĐ-UBND ngày 17/3/2008; Quyết định số 1728/QĐ-UBND ngày 3/6/2008 về việc thu hồi đất giai đoạn 1 để lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng xây dựng công trình: Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai tại 03 xã, phường trên địa bàn thị xã Phúc Yên là Nam Viêm, Tiền Châu, Phúc Thắng; Quyết định số 3905/QĐ – UBND ngày 28/10/2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc Về việc phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư công trình.

UBND thị xã Phúc Yên cũng đã có các Văn bản làm việc về kiểm kê đất, cây, hoa màu, tài sản vật kiến trúc và phương pháp tính phương án bồi thường giải phóng mặt bằng tái định cư xã Nam Viêm; công khai phương án bồi thường; Quyết định thu hồi đất…  

Ông Ngô Trọng Cung, xóm Cả Đoài, thôn Khả Do, xã Nam Viêm lại cho biết: “Tôi hoàn toàn đồng ý với phương án do Hội đồng Bồi thường, GPMB Phúc Yên đưa ra. Tôi nhận thấy không có căn cứ nếu tôi cứ mãi cản trở đơn vị thi công công trình hay đưa ra các yêu cầu khác”. 

Yêu cầu đòi bồi thường thêm của dân không đúng luật

Có thể khẳng định, trong 5 địa phương mà dự án đương cao tốc chạy qua, Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên thực hiện phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và giá bồi thường cũng cao nhất (trừ Hà Nội vì sau này mới tiến hành).  Có thể nói, số tiền đền bù giữa hai địa phương liền kề có sự chênh lệch lớn, song về góc độ luật pháp, Vĩnh Phúc không làm sai.

Thời điểm Vĩnh Phúc tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng đã áp dụng Nghị định 84 của Chính phủ. Và thực tế, theo ông Đặng Quang Hồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc, thời điểm đó người dân đã hồ hởi ủng hộ và nhận tiền bồi thường đầy đủ, không có phản đối gì.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Đặng Quang Hồng: "Tỉnh đã làm tất cả vì quyền lợi chính đáng của người dân. Đối tượng nào quá khích, chúng tôi cương quyết xử lý"

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc BQL dự án công trình giao thông 2- Sở Giao thông Vận tải Vĩnh Phúc cho biết, khi tiến hành bồi thường, đơn vị đã thực hiện đầy đủ các thủ tục, theo đó, người dân đều được nhận bộ hồ sơ gồm: Phiếu chi, phương án bồi thường, bản cam kết, Biên bản phối hợp kiểm kê đất đai, tài sản… có chữ ký của chủ hộ và đại diện các bên liên quan.

Theo bà Hiền, 100% các hộ đã nhận tiền. Với diện tích tại xã Nam Viêm, người dân cũng đã bàn giao mặt bằng và nhà thi công đã đắp nền cao 3m. Điều đó chứng tỏ người dân đã đồng ý với tất cả phương án bồi từ năm 2008.

Với đề nghị của người dân muốn được bồi thường cao hơn theo Nghị định 69 năm 2009 của Chính phủ Quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, theo Luật sư  Nguyễn Thế Hiểu, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Phúc, là không có cơ sở.

Theo luật sư Hiển, khoản 3, Điều 39 của Nghị định trên nêu rõ, đối với những dự án, hạng mục đã chi trả xong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng hoặc không điều chỉnh theo quy định Nghị định này.

Thậm chí tại khoản 4, Điều 39 còn thể hiện: Đối với dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo phương án đã được phê duyệt trước khi Nghị định 69 có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo phương án đã phê duyệt, không áp dụng hoặc điều chỉnh theo Nghị định này.

Như vậy, tỉnh Vĩnh Phúc, thị xã Phúc Yên đã tiến hành đầy đủ các trình tự thủ tục và đúng luật. Do đó, yêu cầu được hỗ trợ thêm, hoặc áp dụng giá mới của một số hộ dân là không có cơ sở pháp lý.

Ông Lê Văn Lãng, Phó Chủ tịch thị xã Phúc Yên khẳng định: “Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động và nhiều lần đối thoại cho người dân hiểu, ủng hộ dự án nhưng một số người vẫn không chịu hiểu”.

Cũng theo ông Lê Văn Lãng, để đảm bảo tiến độ công trình theo chỉ đạo của Thủ tướng, chính quyền sẽ triển khai quyết liệ giải phóng mặt bằng, bảo vệ nhà thầu, bảo vệ công trình thi công để dự án được thực hiện đảm bảo tiến độ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên