Dự án Hoàng Cầu-Voi Phục sẽ đối thoại tạo sự đồng thuận từ các hộ dân

VOV.VN -Chủ đầu tư dự án Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục cho biết sẽ đối thoại với các hộ để đạt sự nhất trí đồng thuận cao với dự án

Chiều 9/1, báo cáo về kế hoạch triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục, Phó Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà cho biết: Tuyến đường Vành đai 1 từ đê Nguyễn Khoái đến Cầu Giấy là đường trục chính đô thị thuộc khu vực Trung tâm thành phố.

Những năm qua Thành phố đã đầu tư mở rộng tuyến đường theo quy hoạch từ đê Nguyễn Khoái – Trần Khát Chân-Đại Cồ Việt – Kim Liên- Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu.

Việc đầu tư xây dựng tiếp đoạn Vành đai 1 từ Hoàng Cầu – Voi Phục là cần thiết nhằm phát huy huy hiệu quả toàn tuyến, đáp ứng nhu cầu giải toả ùn tắc giao thông tại khu vực trung tâm thành phố.

Ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội.

Do chưa cân đối đủ nguồn vốn thực hiện dự án, UBND TP chỉ đạo, trước mắt đầu tư đoạn Hoàng Cầu đến nút giao Giảng Võ – Láng Hạ.

Theo đó, sẽ triển khai 4 đoạn tuyến, cầu vượt: đường từ Giảng Võ – Láng Hạ đến Nguyễn Chí Thanh, đường từ Nguyễn Chí Thanh đến Voi Phục và 2 cầu vượt Giảng Võ – Láng Hạ, cầu vượt Nguyễn Chí Thanh.

Chủ đầu tư đã hoàn thiện dự án xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu đến nút giao Giảng Võ –Láng Hạ trình thẩm định tháng 7/2014.

UBND TP.Hà Nội phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 1 và đường Đê La Thành đoạn Hoàng Cầu – Láng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định 2577/QĐ-UBND ngày 4/5/2017.

Tháng 7/2017, chủ đầu tư và quận Đống Đa, Ba Đình tổ chức cắm khôi phục bàn giao xong mốc chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 1 từ Hoàng Cầu đến Voi Phục.

Ngày 27/12/2017, Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định số 2113/QĐ-TTg.

Tổng đầu tư dự án hơn 7.779 triệu đồng, nguồn vốn ngân sách TP và các khác trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2017-2020.

Quy mô dự án đoạn Hoàng Cầu- Voi Phục có chiều dài 2.274m, diện tích 153.341m2 bao gồm 2 cầu vượt theo hướng Vành đai 1 tại các nút Giảng Võ –Láng Hạ và nút Nguyễn Chí Thanh.

Đầu tư xây dựng hạng mục bãi đỗ xe, cây xanh khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan bao gồm vỉa hè phía Nam đường Đê La Thành.

Phạm vi chiếm đất của dự án 159.424m2; Tổng số các hộ dân GPMB khoảng 2.328 hộ, nhu cầu tái định cư khoảng 2.239 căn. Nguồn tái định cư Sở Xây dựng bố trí từ 5 dự án.

Khu vực xây dựng 2 cầu vượt tổng số 305 hộ, chưa gồm đường dẫn, trong đó quận Đống Đa dự kiến tái định cư 85 căn, quận Ba Đình tái định cư 260 căn.

Giá bồi thường đất ở theo đơn giá Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND ngày 29/11/2014 của UBND TP.Hà Nội ban hành quy định về giá các loại đất trên địa bàn TP áp dụng từ ngày 1/1/2015 đến 31/12/2019 với hệ số điều chỉnh tương đương dự án đường Vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu.

Tiến độ dự án, thẩm định dự án trong tháng 1/2018, được phê duyệt trong quý I/2018 sau khi hoàn thành thiết kế cơ sở và tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư.

Triển khai GPMB, trong đó đo đạc giải thửa, xác định giá đất cụ thể, giá nhà tái định cư... từ quý 1/2018, trong đó tập trung GPMB trước khu vực 2 cầu vượt. Từ quý II triển khai công tác thiết kế để thi công 2 cầu vượt từ quý III/2018.

Bản đồ tuyến đường Vành đai 1 và giao thông khu vực.

Trao đổi với báo chí ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP.Hà Nội cho biết, chủ đầu tư dự án rất phấn khởi nhưng cũng lo lắng.

Phấn khởi bởi thời gian dài chuẩn bị con đường này, từ khi làm nút Kim Liên – Ô Chợ Dừa, đoạn đường ngắn nhưng có tới 3 dự án. TP quyết định có thể thi công nhưng lúc phê duyệt từng đoạn một.

Thời gian kéo dài, thống kê tới cả chục năm. Lãnh đạo TP đã quyết tâm tập trung nguồn lực để làm nốt tuyến đường này.

Cuối năm 2017, Thủ tướng đồng ý chủ trương, sau đó mới thực hiện các bước. Thời gian thực hiện dự án còn lại 3 năm so với cách làm cũ thì không thể làm được.

“Chúng tôi tin tưởng với kinh nghiệm của Ban cố gắng hoàn thành thiết kế cơ sở trình thẩm định dự án. Chúng tôi cũng sẽ tham khảo ý kiến của cộng đồng dân cư, quyết tâm hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch. Với kinh nghiệm của ban quản lý dự án dự án được  kiểm soát, tính toán tiệm cận, không trượt giá sẽ không đội vốn”, ông Bảo cho biết.

Theo ông Bảo, dự án này cũng đã tính toán đến kinh phí thu hồi các thửa đất khi người dân không thoả thuận hợp khối, để tránh nhà siêu mỏng, siêu méo. Trong đó quận Ba Đình 122 thửa, quận Đống Đa 26 thửa.

Đại diện chủ đầu tư cho biết: "Đến nay, nhà tái định cư đã được Sở Xây dựng bố trí từ 5 dự án: Nhà 30T1-30T2 A14 Khu đô thị Nam Trung Yên: 672 căn; khu nhà ở tái định cư tại phường Trung Hòa: 150 căn; Dự án tổ hợp nhà ở - trung tâm thương mại - siêu thị và văn phòng gần Big C (quận Cầu Giấy): 201 căn; Dự án xây dựng nhà CT3-CT4 Xuân La (quận Tây Hồ): 960 căn; Dự án khu nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ Bộ Công an: 388 căn. Người dân có sự lựa chọn, những nhà chúng tôi xây đều được kiểm tra đảm bảo chất lượng".

Liên quan đến 139 hộ dân không đồng thuận dự án, “chúng tôi sẽ làm từng bước đối thoại với người dân để tạo nên sự đồng thuận. Khi người dân phản đối, chúng tôi đã lấy ý kiến theo quy định của cộng đồng dân cư. Sự đồng thuận là rất cao trong vấn đề này”, ông Bảo nói.

Theo ông Nguyễn Sỹ Bảo, Quy hoạch chi tiết phường Ô Chợ Dừa cũng xác định dải đất này là đất cây xanh, bãi đỗ xe. Công bố quy hoạch thì đã có lấy ý kiến của người dân.

Khi chúng tôi thực hiện vào tháng 5/2017, chỉ giới con đường này đã có phần mở rộng. Đã bao gồm cả phần đất đó.

Ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong nhiều năm qua kết cấu hạ tầng giao thông Hà Nội được Chính phủ, Thành phố rất quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa khép kín được các đường Vành đai. Nên một trong những nhiệm vụ của TP.Hà Nội là triển khai đồng bộ hệ thống giao thông, từ đó sẽ giải được bài toán ùn tắc giao thông.

Với cách chỉ đạo của UBND TP, với kinh nghiệm triển khai đường Vành đai 3 vừa rồi, tiến độ có thể hoàn thành trong năm 2020. Cơ bản các đường vành đai 1, 2, 3 đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thành.

Khó khăn nhất là phương án GPMB, hạn chế tối đa tồn tại cũ như nhà siêu mỏng siêu méo. Giao thông tĩnh trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, chúng ta tận dụng lòng đường vỉa hè. Do đó dự án Vành đai 1 cũng triển khai theo hướng này.

Có ý kiến phản đối GPMB cũng là chuyện đương nhiên, chuyện thu hồi đất GPMB dự án nào cũng có, sẽ có ảnh hưởng đến một bộ phận vì lợi ích chung.

UBND TP đã có những chính sách tốt nhất cho người dân trong GPMB. Không có lợi ích cá nhân nào ở đây chỉ vì lợi ích của thành phố để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội chung của thành phố./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vì sao dân chưa đồng tình giải tỏa đường Đê La Thành làm bãi đỗ xe
Vì sao dân chưa đồng tình giải tỏa đường Đê La Thành làm bãi đỗ xe

VOV.VN - Trước khi tiến hành giải phóng mặt bằng, các hộ dân mong muốn đối thoại với UBND TP Hà Nội về một số vấn đề cần được làm rõ.

Vì sao dân chưa đồng tình giải tỏa đường Đê La Thành làm bãi đỗ xe

Vì sao dân chưa đồng tình giải tỏa đường Đê La Thành làm bãi đỗ xe

VOV.VN - Trước khi tiến hành giải phóng mặt bằng, các hộ dân mong muốn đối thoại với UBND TP Hà Nội về một số vấn đề cần được làm rõ.