Đưa chính sách bình đẳng giới, hôn nhân đến từng hộ đồng bào dân tộc thiểu số
VOV.VN - Công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, tác động lớn đến đời sống cộng đồng vùng cao.
Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam đã triển khai hiệu quả Dự án 10 về “Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Nhiều huyện miền núi tỉnh Quảng Nam tập trung đưa chính sách bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực... đến từng hộ dân, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân vùng cao.
Vợ chồng anh Bling Uy và chị Kring Mưu là người Cơ Tu, sống ở xã Tà Pơ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, có hai con đang tuổi ăn học. Con gái đầu của anh, chị đang học lớp 12 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Nam Giang. Lo con gái “ăn chưa no, lo chưa tới” dễ sa vào nạn tảo hôn, bỏ học giữ chừng, anh Bling Uy và chị Kring Mưu luôn động viên con gái cố gắng học hành đến nơi, đến chốn. Cán bộ Hội Phụ nữ xã Tà Pơ đến tận nhà anh Bling Uy, dùng ngôn ngữ Cơ Tu và những hình ảnh trực quan để tuyên truyền, giúp vợ chồng anh hiểu hơn về những hệ luỵ của tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Anh Bling Uy cho biết. “Được Đảng nhà nước quan tâm, rồi chị em phụ nữ tuyên truyền, bản thân tôi sẽ giáo dục con mình không được kết hôn sớm; rồi tôi cũng tuyên truyền bà con trong làng giáo dục con mình không cho kết hôn sớm; nữ đủ 18 tuổi trở lên, nam phải đủ 20 tuổi mới được lấy nhau. Trước đây mình lấy vợ lấy chồng sớm đã khổ rồi, nên giờ con mình không được theo bố mẹ để mà khổ nữa. Những buổi tuyên truyền này rất phù hợp với bà con Cơ Tu chúng tôi”.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam đã phối hợp chặt chẽ với các Hội, Đoàn thể ở cơ sở triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Việc tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với đặc điểm, phong tục tập quán của từng dân tộc, từng vùng miền. Bà A Lăng Oanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tà Pơ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, cán bộ phụ nữ đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân vùng cao. “Hội Phụ nữ xã tiếp tục xây dựng kế hoạch để thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhân rộng thêm mô hình chi hội phụ nữ không có trường hợp tảo hôn. Chúng tôi xuống trực tiếp từng hộ gia đình để tuyên truyền giảm bớt tình trạng tảo hôn tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn và những nơi có nguy cơ xảy ra tảo hôn”.
Ngoài tuyên truyền tại khu dân cư, thôn bản, nhiều địa phương triển khai các mô hình tuyên truyền pháp luật trong trường học tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trường THPT Tây Giang, huyện vùng cao biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam có hơn 300 học sinh người Cơ Tu theo học. Những năm trước, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, kết hôn khi chưa đủ tuổi rất phổ biến. Thế nhưng, trong 2 năm học 2021-2022 và 2022-2023, tình trạng này chấm dứt. Sau khi tham gia nhiều chương trình ngoại khoá, các buổi tuyên truyền về những hệ luỵ của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống do Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam và Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, em Bling Thị Phượng, lớp 12, Trường THPT Tây Giang hiểu hơn về Luật Hôn nhân và gia đình cũng như những hủ tục về kết hôn sớm của đồng bào dân tộc thiểu số. “Đối với chúng em là học sinh miền núi thì hiểu biết cũng hạn chế so với các bạn khác. Qua đó các thầy cô và cô chú trong đội tuyên truyền giúp chúng em nhận thức sâu sắc hơn về việc kết hôn cận huyết và kết hôn sớm, các tác hại của nó để chúng em rút kinh nghiệm để tuyên truyền cho địa phương”.
Trong chương trình giáo dục tại các trường trung học phổ thông ở khu vực miền núi, ngoài kiến thức chuyên môn, giáo viên còn linh hoạt lồng ghép nội dung tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, nói rõ hệ lụy từ các hủ tục trong hôn nhân ở vùng cao, miền núi. Cô Arất Thị Mai Tình, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, nhà trường đã nỗ lực đa dạng hoá hình thức tuyên truyền từ cấp phát tờ rơi, trình chiếu phóng sự, phim ảnh, pano… bên cạnh việc tuyên truyền trực tiếp để đạt hiệu quả cao hơn. “Trường xây dựng trang web của trường, giao cho giáo viên xây dựng poster tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Trong chương trình dạy học các bộ môn về giáo dục công dân, sinh học, địa lý thì các thầy cô lồng ghép tuyên truyền về nạn tảo hôn hôn nhân cận huyết rất hiệu quả”.
Tại khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam, người dân sống rải rác trên các thôn, nóc xa xôi, giao thông cách trở, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật gặp nhiều khó khăn. Tăng cường tuyên truyền, đưa nội dung, kiến thức pháp luật đến tận cơ sở một cách dễ hiểu, dễ tiếp nhận và thay đổi nhận thức đã được các địa phương miền núi tỉnh Quảng Nam tập trung triển khai. Ông Đặng Tấn Giảng, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết, chủ trương lấy bản làng, gia đình làm lớp học, lấy người dân làm trung tâm… đã mang lại hiệu quả rõ nét. “Công tác tuyên truyền của chúng tôi đã triển khai cơ bản đến tận tay người hưởng thụ là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đảm bảo làm sao để mỗi người dân là lực lượng nòng cốt, lan tỏa trong cộng đồng. Muốn họ thành tuyên truyền viên trong cộng đồng, trong từng gia đình, để công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đem lại kết quả cao nhất.