Đức viện trợ khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển Bạc Liêu
Dự án có tổng kinh phí 1,76 triệu euro, trong đó nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Đức là 1,6 triệu euro và phía Việt Nam (tự cân đối ngân sách của tỉnh Bạc Liêu) là 160.000 euro
Trong 2 ngày 11 và 12/3, Bà Astrid Klug, Quốc Vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên CHLB Đức đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu. Tại đây, thay mặt Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức, bà Astrid Klug đã ký viện trợ Dự án "Quản lý bền vững hệ sinh thái rừng ven biển tỉnh Bạc Liêu, Việt Nam”.
Dự án "Quản lý bền vững hệ sinh thái rừng ven biển tỉnh Bạc Liêu, Việt Nam", với mục đích cải thiện chức năng sinh thái hệ thống rừng và đời sống của nhân dân ven biển Bạc Liêu, trên địa bàn ven biển huyện Đông Hải, huyện Hòa Bình và thị xã Bạc Liêu. Thời gian thực hiện Dự án trong 3 năm (từ 2009-2011) với các chức năng chính như: thiết lập các biện pháp nâng cao tính đa dạng hệ sinh thái rừng ven biển và thực hiện các biện pháp phục hồi rừng ven biển; nâng cao mức độ đa dạng sinh học Sân chim Bạc Liêu; nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng rừng và đất rừng của người dân địa phương sống phụ thuộc vào rừng; tăng cường khả năng quản lý các cơ quan có liên quan đối với rừng ngập mặn, thủy sản, đa dạng sinh học và chính sách sử dụng đất...
Bà Astrid Klug, cho biết, Chính phủ CHLB Đức rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường cũng như sự biến đổi khí hậu mà Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của sự biến đổi khí hậu. Bạc Liêu là một trong những tỉnh ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của sự thay đổi khí hậu toàn cầu. Hệ thống rừng ven biển với tác dụng chắn sóng, gió có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đường bờ biển, đê điều, tăng khả năng chống chọi với tác động của thay đổi khí hậu. Tuy nhiên, vùng rừng tại Bạc Liêu được trồng theo hàng lối với mức độ đa dạng thấp đã làm giảm khả năng phòng hộ đối với những tác động bất lợi của thời tiết. Việc thực hiện dự án này rất cần thiết nhằm góp phần bảo tồn bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống của người dân vùng phòng hộ xung yếu và vùng đệm tỉnh Bạc Liêu./.